Mất tư cách làm người review năm 2024

Nhân gian thất cách [Thất lạc cõi người] là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn người Nhật Dazai Osamu. Hơn một thế kỷ trước, ông ra đời trong một gia đình địa chủ, và nhanh chóng bị cuốn vào cuộc đời bế tắc của thời loạn thế. Ông đã cố gắng tự sát tới 5 lần, và ở độ tuổi 39, Dazai đã thành công bằng cách trầm mình.

Tất cả những trải nghiệm trong năm tháng tăm tối của cuộc đời đều được Dazai Osamu viết lại thành Nhân gian thất cách – kẻ mất tư cách làm người. Tác phẩm sớm được chuyển thể thành truyện tranh do "ông hoàng kinh dị" Ito Junji chắp bút vẽ.

Nỗi sợ đến từ nhân thế

Ngay từ thuở thơ ấu, cậu bé Yozo đã có những suy nghĩ đầy phán xét với con người. Cha của cậu là một người độc đoán, gia trưởng. Yozo đã tự biến bản thân thành một thằng hề, nhằm che giấu sự thất vọng tột cùng của bản thân với xã hội, đồng thời đổi lấy sự "tôn trọng".

Thời niên thiếu, Yozo từng chứng kiến chị em trong gia đình tàn sát nhau vì tình yêu. Lên đại học, sự rủ rê của những "tay chơi" và đời sống mới mẻ của người trưởng thành đã dẫn lối cậu tới phố đèn đỏ ở Nhật Bản. Chẳng mấy chốc, Yozo từ bỏ sự nghiệp gia đình đã đặt ra, đi tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn bằng các thói quen trụy lạc.

Không lâu sau đó, anh ta bắt đầu được mời đến một nhóm kín, là nơi tuyên truyền tư tưởng Mác. Cuộc đời của Yozo lại ngoặt sang một hướng rẽ mới trước xã hội loạn thế, các cuộc tuyên truyền chính trị và bạo động. Bản thân anh ta chưa từng quan tâm tới những vấn đề này, nhưng lại lạc bước theo và cuốn đi chẳng hay.

Nhân gian thất cách có vẻ là một lựa chọn mới mẻ đối với Ito Junji. Ông thường tập trung vào những câu chuyện quỷ dị, viễn tưởng, lạ lùng, không có thật. Thế nhưng với Nhân gian thất cách, chất kinh dị của ông không còn cách nào khác, mà phải bộc lộ qua nhân cách con người và cuộc đời. Có vẻ như, nỗi sợ một thứ gì đó huyễn hoặc không có thật lại chẳng bằng nỗi sợ hiện thực.

Những ấn tượng tăm tối về phụ nữ

Những người phụ nữ xuất hiện trong cuộc đời của nhân vật Yozo đã để lại nhiều tác động, đồng thời là cảm giác tội lỗi. Ban đầu là sự ám ảnh của hai chị em trong nhà với Yozo, khiến họ tự tàn sát lẫn nhau. Sau đó là những người phụ nữ ở phố đèn đỏ, chỉ lướt qua nhưng để lại cho anh chàng Yozo những dấu ấn mới.

Tuy nhiên, Matagi có vẻ là người đáng sợ nhất đối với Yozo. Matagi là một phụ nữ theo phong trào chủ nghĩa Mác, nhanh chóng nảy nở thứ tình cảm đầy chiếm hữu với Yozo. Cuối cùng là Tsuneko, một cô gái cũng vùng vẫy trong vũng lầy của tâm hồn. Yozo quyết định tự sát cùng với Tsuneko, nhưng cuối cùng chỉ có bản thân cô chết.

Bi kịch của kẻ "mất tư cách làm người"

Ngay từ đầu, Yozo đã mang tư tưởng của một kẻ bên lề xã hội. Cậu biến mình thành trò hề để "bắt chước" với cuộc sống bình thường xung quanh, nhưng trong thâm tâm lại không hiểu tại động cơ sống và tồn tại của con người. Cho tới quãng đời trưởng thành, lạc mình vào trong rắc rối phức tạp hơn, Yozo vẫn khiếp sợ cách thế giới này vận hành.

Bản thân Yozo dường như luôn cảm thấy tội lỗi, đặc biệt là với phụ nữ. Đó là lý do Yozo luôn nhìn thấy những "bóng ma" vất vưởng xung quanh mình: bóng ma của bạn bè, người thân, của những "người phụ nữ đáng sợ." Bản thân cho rằng mình đã gây ra cái chết của họ, nên Yozo vĩnh viễn bị ám ảnh bởi các bóng ma này.

Hai nguyên do trên chưa đủ để nhân vật Yozo, tuy trở thành nhà văn tài năng, nhưng lại tìm đến cái chết do không muốn làm người nữa. Mấu chốt dường như nằm ở sự thất vọng đối với xã hội, con người. Đó là bi kịch mà lớp trẻ ở thời đại nào cũng từng cảm thấy. Vì vậy mà ngay cả ở thời hiện đại, nhiều người vẫn tìm thấy hình bóng chính mình trong Nhân gian thất cách.

[Nhân đọc Thất lạc cõi người của Dazai Osamu, người dịch: Hoàng Long, NXB Hội Nhà Văn và Công ty Sách Phương Nam xuất bản năm 2011].

Thế gian sẽ chẳng dung tình đâu.

Chẳng phải thế gian. Chính là mi không tha thứ ấy chứ.

Nếu lại tái phạm, thế gian sẽ cho mày biết tay.

Chẳng phải thế gian. Là mi đấy chứ.

Bây giờ thế gian đã chối bỏ mi.

Chẳng phải thế gian. Là mi chối bỏ đấy.

Thông thường, tôi không đọc những bình luận, cảm nghĩ của người khác về tác phẩm trước khi viết ra những suy nghĩ của mình. Riêng với cuốn sách này, tôi đã phạm vào nguyên tắc kia, đọc những ghi chép của dịch giả trước khi viết. Những bình luận của Hoàng Long luôn làm tôi thấy xúc động, và gợi cho tôi rất nhiều thôi thúc, ngoài nguồn động lực để tìm đọc những cuốn sách đang được nói đến, còn là ham muốn được giãi bày.

Trở lại với Thất lạc cõi người, Hoàng Long có viết rằng, “Giọng văn hài hước, đôi khi có chút khoa trương khiến ta nhiều lần phá ra cười xong lại bùi ngùi cảm động.”, thì tôi coi cuốn sách là sự song hành của hai luồng văn bản, một là giọng văn hài hước cay đắng kia, một là nỗi buồn thăm thẳm, nỗi cô đơn tột cùng. Và cá nhân tôi, khi đọc Thất lạc cõi người không thấy cái cười kia chút nào, ngay từ những trang đầu tiên, khi nhân vật còn là một đứa trẻ “tinh ranh” đã thấy ngay được nỗi cô đơn, lạc loài, vô vọng kia. Có lẽ là những kẻ “đồng bệnh tương lân”, nên tôi nhận ra cái hơi thở của kẻ lạc loài, đang đứng bên rìa cuộc sống, của cả gia đình, trường học, xã hội…

Cho phép tôi được bỏ qua việc kể lể dài dòng về nhân vật chính của câu chuyện, Yozo, kể từ khi là một chú bé “tinh ranh” luôn bày trò cười cho mọi người dù trong lòng chẳng có chút vui vẻ, hứng thú, cho đến khi thành một thanh niên sa đọa, nghiện ngập, rồi rốt cuộc trở thành phế nhân, phó mặc sự sống cho cuộc đời vốn vẫn dửng dưng bất tận này. Tôi muốn đi thẳng vào cái văn bản chìm dưới giọng văn hài hước kia.

Trước hết, đó sự lạc loài của Yozo. Như chính nhân vật đã thú nhận, rằng không thể “dự tưởng nổi” cuộc đời, không thể sống được như người ta vẫn sống. Với tôi, đấy chính là nỗi cô đơn khủng khiếp nhất, bắt nguồn từ sự lạc lõng của kẻ đáng thương kia. Khi không thể dung hòa nổi cái tôi cá nhân với những quy ước của đời sống thực tại.

“Tôi tự hỏi tại sao người ta phải ăn mỗi ngày ba bữa chứ, khi ăn mọi người có cần làm vẻ mặt nghiêm túc như vậy không, cứ làm như thể là một loại nghi lễ nào đó không bằng.”

Đôi khi tự hỏi, những quy ước đó do con người đặt ra, tại sao lại phải làm nô lệ cho nó, phải gò mình vào nó. Sao chúng ta không thể đặt ra quy ước mới cho riêng mình? Và vì không thể là kẻ khai đường mở lối, Yozo đành phải làm cái hành động mà nhiều kẻ lạc lõng, cô đơn vẫn hay làm, đó là đeo mặt nạ để sống. Có nhiều người, đeo mặt nạ đến lúc nó trở thành gương mặt thật của họ, chẳng cần phải thay đổi nữa. Nhưng với Yozo thì sao? Anh ta thấu được cuộc sống, nhưng không thể dung hòa nó, và đeo mặt nạ vào chỉ để che đi cái tôi thật mà anh ta biết nếu lộ ra người đời sẽ không dung thứ cho nó.

“Vì vậy tôi gắng nối kết với con người bằng một sợi dây mong manh của chú hề. Bề ngoài thì cười liên miên bất tuyệt còn bên trong luôn toát mồ hôi về thập phần nguy hiểm có thể nói đến mức thứ ngàn lần mà không biết chắc có lần nào thành công hay không.”

Vì thế, trong anh ta có hai con người cùng tồn tại, một con người thật luôn nhìn con người giả kia mà ngậm cười. Tôi thấy thấp thoáng cái cảm thức của Hàn Mặc Tử, khi chia con người thành phần hồn và phần xác, có lẽ cũng tương tự như Yozo vô vọng này đây:

Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm,

Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực.

Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức,

Rồi bay lên cho tới một hành tinh,

Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình,

Để gào thét một hơi cho rởn ốc,

Cả thiên đàng, trần gian và địa ngục.

Người đời sẽ hỏi, tại sao lại cứ phải đày đọa bản thân mình như thế, Yozo sao không ngoan ngoãn học hành, rồi kế bước của gia đình danh giá kia. Làm sao tôi có thể lý giải cho người đời về cái nguồn cơn của Yozo cô đơn cùng cực kia, tôi chỉ có thể phỏng đoán, áng chừng. Tôi chỉ có thể từ tôi mà suy ra nỗi thống khổ của kẻ đơn độc, muôn đời đứng bên rìa đời sống kia. Một phần [có thể] là do từ máu thịt con người, có kẻ cả đời thích hưởng lạc, có kẻ cả đời mạy mọ đi tìm kiếm cái chân lý tưởng. Một phần [có thể] là do anh ta quá nhạy cảm [thấy được những điều người ta còn chưa cả kịp nghĩ tới], quá tận tâm [muốn chu toàn mọi việc ở đời], quá tự trọng [ý thức quá rõ địa vị gia đình và bản thân, không muốn mắc nợ ai, thành ra vay người này để trả cho kẻ khác…] Cũng [có thể] có một mối mặc cảm, tủi phận âm thầm nào đó trong tâm hồn, khi nhận thấy mình dị biệt với đa số đồng loại, nên lúc nào cũng phải xù lông để che đậy…

“Bất hợp pháp. Đối với tôi đó cũng là một niềm vui thầm lặng. Hay có thể nói là tôi cảm thấy dễ chịu với điều đó. Thật đáng sợ biết bao cái gọi là hợp pháp trong thế giới này, nó chứa đựng một nỗi dự cảm về một thứ gì đó như một sức mạnh khủng khiếp không tài nào hiểu được. Tôi không thể ngồi trong căn phòng máy lạnh không có cửa sổ như thế được. Chẳng thà nhảy ra ngoài, bơi lặn trong cái biển phi hợp pháp kia rồi chết chìm tôi còn cảm thấy vui hơn.”

Chính bởi sự cô đơn, lạc loài đó dẫn đến nỗi tuyệt vọng vô chừng. Tuyệt vọng với cuộc đời, nên không có đích sống nào hết, tìm đến cái chết nhiều lần cũng như hủy hoại bản thân không thương tiếc. Kẻ cô đơn luôn nổi loạn, dù anh ta không định làm gì ầm ĩ, nhưng rốt cuộc, lại biến mình thành kẻ ai cũng biết tới. Nỗi tuyệt vọng khiến Yozo không thể gánh được bất cứ thứ gì liên quan đến tình cảm, từ tình yêu trong sáng thành thật, đến sự dâng hiến ngây thơ, thậm chí, cả là hạnh phúc. Hạnh phúc cũng thành thứ không chịu nổi thì mới thấy con người ta xa lạ đến mức nào, cô đơn đến mức nào. Mà như thế, cũng có nghĩa là người ta đã trượt ra ngoài mọi quy định, khuôn khổ của đời sống tẻ ngắt này.

“Sáng hôm sau, mở bừng mắt tỉnh dậy, tôi lại trở thành tên hề khinh bạc thuở nào. Một kẻ yếu ớt sợ hãi ngay chính cả hạnh phúc. Tôi bị thương bởi lớp bông gòn. Hạnh phúc sẽ làm tôi bị tổn thương. Và trong lúc còn chưa bị thương tích gì, phải mau chóng khơi lên lớp khói hỏa mù của thằng hề kia mà nói lời chia tay cho sớm.”

Tôi biết rõ cái chú hề trá hình kia muốn chọc cho người ta cười, hòng che đi những yếu đuối, những yêu thương, những mối nhợ buộc anh ta với con người… mà anh ta không nhận ra, chỉ mang máng thế mà không hiểu vì sao, “Dù sợ hãi con người đến cùng cực nhưng tôi dường như không thể nào dứt bỏ được con người…”

Kể cả cái tình tiết nhờ mua thuốc ngủ hóa ra thành thuốc nhuận tràng cũng không làm tôi cười được, chỉ thấy một nỗi xót xa mà thôi. Và, cái đoạn tả về nỗi cay đắng của Yozo khi biết Yoshiko bị hại, khiến tôi muốn trào lệ. Yozo đã vạch ra được cái tâm thức của người trong cuộc, khi không đứng ra bảo vệ đến tận cùng người yêu dấu của mình, vừa muốn phẫn nộ vừa muốn bưng bít, vừa muốn rũ bỏ vừa muốn cưu mang.

“Không phải thân xác Yoshiko bị điếm nhục mà việc niềm tin của Yoshiko bị băng hoại đối với tôi là một nỗi đau khổ lớn đến mức mà từ đó về sau tôi cảm thấy mình hầu như không thể nào sống nổi nữa. Đối với niềm tin con người nơi tôi đã bị vỡ nát đến mức lúc nào cũng phải rụt rè hãi sợ, lúc nào cũng phải đoán biết sắc diện con người mà cư xử cho phù hợp thì sự tin tưởng hết mực ngây thơ của Yoshiko tươi mới như một thác nước tinh khiết dưới tàn cây xanh. Vậy mà chỉ trong một đêm thác nước trong xanh kia đã biến thành đỏ quạch.”

Cái kết cục người đọc dễ mường tượng tới là cái chết hẳn nhiên của Yozo, bởi thân xác cơ hồ đã bị phá hủy đến tám chín phần bởi sa đọa, còn tinh thần thì có lúc đã vào nhà thương điên. Nhưng lại là cái cảnh còn hoang tàn hơn cả hoang tàn, đó là một phế nhân. Còn tôi những tưởng Yozo tìm được chỗ lý tưởng cho mình trong trại tâm thần, là một cuồng nhân, ở đấy, anh ta có thể la, có thể hét, có thể làm mọi điều mà người không điên không làm được. Nhưng đau đớn là Yozo lại cố tỉnh, một ý thức phản kháng điên rồ của kẻ trót làm người luôn tự nhận mình không còn tư cách làm người.

“Tôi bây giờ không hạnh phúc cũng chẳng bất hạnh.

Tất cả rồi sẽ trôi qua.

Cho đến bây giờ, trong cái địa ngục A tỳ gọi là thế giới ‘con người’ mà tôi đã sống, thì đây là điều duy nhất tôi nghĩ có vẻ là chân lý.”

Không có gì làm tôi đau lòng bằng nhìn thấy cái chết mòn của con người, một sự hủy hoại về cả thể xác và tinh thần, với tất cả những ai còn chút tư cách làm người.

+ Cuốn sách nằm trong bộ Tủ sách Văn học Tinh hoa của NXB Hội Nhà Văn và Công ty Sách Phương Nam. Không chỉ có một tiểu thuyết này, cuốn sách còn có thêm ba truyện ngắn của cùng tác giả Dazai Osamu. Sách nhỏ gọn, cầm vừa tay, chữ thoáng dễ đọc, nhưng vẫn còn những lỗi biên tập cũng như mo-rát lẽ ra không đáng có.

+ Theo như thông tin, thì chính cuộc đời tác giả cũng được dựng thành phim, bản thân ông cũng tự mang cuộc đời mình vào trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, riêng với Thất lạc cõi người, tôi không muốn hòa tác giả vào nhân vật, bởi theo kết cấu tác phẩm, thì tác giả chỉ đưa ra những ghi chép ông nhặt được, nếu cứ nhất định gò tác giả vào nhân vật, chẳng phải ông đã thất bại trong xây dựng nhân vật rồi hay sao. Mà với tôi, ông đã rất thành công trong cuốn tiểu thuyết ngắn này, với nhân vật Yozo sống động và cực kỳ biểu cảm. Cho dù được xây dựng từ nguyên mẫu đi chăng nữa, thì nhân vật này hoàn toàn độc lập với tác giả trong bối cảnh của cuốn tiểu thuyết này.

+ Đọc sách trên chuyến tàu chạy giữa đêm, lạnh lẽo và cô tịch đến u hoài, nhưng không có cái cảm thức của Trúc Phương như Hoàng Long dẫn dụ “Soi bóng đời bằng gương vỡ nát/Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt…” mà có cảm giác cô đơn đến quái lạ như trong thơ Hàn Mặc Tử “Và ai gánh máu đi trên tuyết…”, có lẽ bởi mang máng một sự điên loạn đồng điệu của hai tâm hồn dù cách biệt địa lý, thời gian và ngôn ngữ.

+ Cuốn tiểu thuyết sẽ lay động nhiều người đọc, như Hoàng Long đã viết phần cuối sách, “Hãy cứ cầm lên và đọc, lúc nào nó cũng như mới nguyên…” Với riêng tôi, là một mối đồng vọng xuyên qua văn hóa và lịch sử, tôi chưa từng đọc về Dazai Osamu trước khi cầm đến cuốn sách này, nhưng những dòng ông viết, những điều ông nghĩ tôi luôn từng nghĩ tới, như mối đồng cảm về cái cảm thức đứng bên lề cuộc sống – theo cách gọi của tôi, còn Dazai Osamu thì viết:

“Có một từ để gọi đó là ‘kẻ ngoài rìa xã hội’. Từ này vốn dùng để chỉ những kẻ thất bại thảm hại hay những kẻ không lương thiện trong thế giới này. Nhưng đối với tôi kể từ khi được sinh ra, tôi đã thấy mình là kẻ ngoài rìa.”

Chủ Đề