Làm sao để tuyên truyền có hiệu quả

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tuyên truyền giàu kinh nghiệm, Người đã vận dụng nhiều phương pháp tuyên truyền khác nhau một cách sáng tạo và hiệu quả, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp cách mạng. Có thể khái quát các phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh như sau:

Nội dung ngắn gọn, sâu sắc, thiết thực, cụ thể

Theo Người, nội dung ngắn gọn có nghĩa là “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi, có nội dung… Nói ít nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn”[2]. Ngắn gọn trong cách nói, cách viết theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về mặt nội dung thì phải cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, ý thừa, chữ thừa, mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch. Tuy nhiên, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, không phải nhất thiết cái gì cũng ngắn mới tốt, mà mục đích của việc nói ngắn, viết ngắn là để chữa cái bệnh “nói dài, viết rỗng”, tức là tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh, đối tượng cụ thể quy định nói, viết ngắn hay dài, nhưng phải có nội dung. Mỗi câu, mỗi chữ phải chứa một ý nghĩa, mang một nội dung nhất định, không dư thừa; nói đúng tư tưởng, phản ánh đúng nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Trong bài nói tại hội nghị tuyên giáo miền núi, Bác đã nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm”[3].

Hình thức diễn đạt dễ hiểu, dễ thực hiện

Tính dễ hiểu theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: \"...muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem...\"[4]. Người cho rằng, tuyên truyền bằng ngôn ngữ nói hay ngôn ngữ viết thì mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, một mục đích. Người tuyên truyền khi nói ra, khi viết ra cốt là “để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”[5]. Nếu cán bộ tuyên truyền khi nói, viết “người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là không viết đúng, nhằm không đúng mục đích”[6].

Theo Hồ Chí Minh, không có cách nào làm cho nhân dân hiểu nhanh nội dung tuyên truyền bằng cách so sánh giữa hình tượng này với hình tượng khác. Người căn dặn cán bộ tuyên truyền: “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh... Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa thành cách chỉ đạo nhân dân”[7].

Với mục đích cao nhất là diễn đạt nội dung tuyên truyền một cách thực sự dễ hiểu, dễ thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng linh hoạt, uyển chuyển, đa đạng, phong phú các hình thức tuyên truyền. Chẳng hạn, khi sử dụng phương pháp tuyên truyền bằng lời nói trực tiếp, Hồ Chí Minh đã dùng những hình thức như: lên lớp, diễn giảng, giải thích, nói chuyện, kể chuyện, hướng dẫn, mạn đàm, trao đổi, thảo luận... Khi sử dụng phương pháp tuyên truyền bằng ngôn ngữ viết, Hồ Chí Minh dùng các hình thức như: viết truyện, viết ký, viết văn chính luận, viết tiểu phẩm, viết kịch, làm thơ, viết thư khen, thư thăm hỏi và lời kêu gọi... tất cả đều mang lại hiệu quả thiết thực.

Dân chủ, gợi mở vấn đề

Quan điểm của Hồ Chí Minh về thực hiện dân chủ trong phương pháp tuyên truyền là: “Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng... Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”[8]. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ, nghe dân, học dân, trao đổi thảo luận với dân nhưng không phải nhân dân nói gì cũng nhắm mắt làm theo, mà phải: “Đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng”[9]. Tính dân chủ trong phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh được biểu hiện trong toàn bộ hoạt động tuyên truyền của Người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, khi về nước [năm 1941] trực tiếp lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc, khi xây dựng chương trình huấn luyện: “Bác phân công mỗi người làm từng mục: tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Khi mỗi người phác xong, tất cả họp lại thông qua đề cương, rồi mới viết. Viết xong lại họp lại, đọc chung và sửa. Cách làm việc của Bác kiên nhẫn, chu đáo”[10]. Đây là cách làm việc hết sức dân chủ của Người, đó là không phân biệt cấp bậc, chức vụ cao hay thấp mà hướng vào việc sửa chữa những sai xót cá nhân.

Nghiên cứu phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh chúng ta dễ dàng nhận thấy những vấn đề mà Người khêu gợi đã tác động sâu sắc tới tất cả mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi trong xã hội. Những câu hỏi mà Người đặt ra bao giờ cũng phù hợp với sự băn khoăn, thắc mắc mà trong thực tế nhân dân đang tìm lời giải đáp và hướng dẫn nhân dân hành động theo đường lối của Đảng.

Nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tâm lý, xã hội của đối tượng

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ. Nếu dân dậy sớm mà mình ngủ trưa, dân đang làm việc mà mình nằm ngủ lì, thì sẽ bị dân ghét và ảnh hưởng xấu đến việc tuyên truyền. Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”[11]. Theo Hồ Chí Minh, để đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ tuyên truyền cần nắm vững đối tượng và phân loại đối tượng. Người chỉ rõ: “Dân chúng không nhất luận như nhau, trong dân chúng cũng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”[12] và “bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn”[13]. Vì vậy, cán bộ tuyên truyền không thể sử dụng một nội dung, một phương pháp cho mọi đối tượng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh nói riêng là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, là kim chỉ nam cho cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác vừa góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vừa là việc làm thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Nguyễn Bá Thắng


-------------------------------

[1] HCM toàn tập, NXBCTQG, HN, 2002, tập 5, tr.162.

[2], [4], [5], [6]. Sách đã dẫn, tập 7, tr.120-121, 119, 117, 119

.[3]. Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số, NXB Thông tấn, HN, 2007, tr.97.

[7] [8] [9] [11] [12] [13] Sđd, tập 5, tr.295-298, 297, 297, 400, 296, 289.

[10] Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, NXB Văn học, HN, 1977, tr.40.

Nguồn://www.xaydungdang.org.vn/Home/tutuonghochiminh/2012/5386/Hoc-tap-phuong-phap-tuyen-truyen-Ho-Chi-Minh.aspx

Thời gian qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp, tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.

Công tác thông tin, tuyên truyền công tác lãnh đạo, chỉ đạo được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử huyện, mạng xã hội Facebook, Zalo, Mocha, trên hệ thống truyền thanh cơ sở, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn dân, cùng hướng tới mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, duy trì lâu dài, bền vững trạng thái bình thường mới. Mỗi ngày, có hàng trăm tin, bài viết, hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội; đồng thời tổ chức tiếp, phát sóng, phát thanh trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn, phát trực tiếp xuống tận khối, xóm, bản...

Mô hình "Shipper áo xanh - miễn phí vận chuyển" tại huyện Thanh Chương

Chủ động vào cuộc tuyên truyền

Hoạt động của hệ thống tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực, thường xuyên thực hiện tốt việc cập nhật thông tin, tình hình dịch COVID-19 trên cả nước, của tỉnh, huyện và từng địa bàn khu dân cư để kịp thời thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và người dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong phòng, chống dịch. Thường xuyên đăng tải các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của cả hệ thống chính trị; các hoạt động chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thực hiện thông điệp 5K, 5T của Bộ Y tế, khuyến cáo người dân tạm thời không ra khỏi địa bàn hoặc đến những vùng có dịch...  Tổ tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 từ tỉnh đến cơ sở được duy trì hoạt động nền nếp, hiệu quả. Các thành viên Tổ tuyên truyền đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, bám sát chức năng, nhiệm vụ chuyên môn ngành dọc để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch; phát huy tuyên truyền, định hướng thông qua các nhóm Zalo, Facebook trên mạng xã hội, tích cực cập nhật thông tin, chia sẻ thông tin chính thống nhằm tuyên truyền đến mọi người dân về tình hình dịch bệnh và các chủ trương của Đảng, nhà nước về công tác phòng, chống dịch, gắn với kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết.

Hoạt động phối kết hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia công tác tuyên truyền thực sự đem lại hiệu quả. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân với quan điểm “chống dịch như chống giặc”; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cấp trên và của cơ sở. Hình thức tuyên truyền phong phú, như: Phát tờ rơi, khẩu trang miễn phí tại các chợ, nơi tập trung đông người; qua các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chuyên đề; trên mạng xã hội; tuyên truyền lưu động…

Công tác tuyên truyền trực quan tại các khu vực trung tâm, các tuyến đường chính, trụ sở các cơ quan, đơn vị, chợ, nơi đông người qua lại bằng các hình thức, phong phú, như: Treo pano, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu, tranh cổ động, sáng tạo các mô hình infographic, Logo, biểu đồ tuyên truyền; tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động đến tận các địa bàn vùng sâu, vùng xa… Đặc biệt là Đài Phát thành và Truyền hình Nghệ An phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt tri ân tuyến đầu chống dịch "Sống như tia nắng mặt trời" thu hút đông đảo người dân tham gia theo dõi.

Bên cạnh đó, hệ thống truyền thanh cơ sở tại các xã, thị trấn trong toàn tỉnh đã chủ động tăng tần suất trên hệ thống truyền thanh cơ sở và tăng cường tuyên truyền lưu động để cung cấp thông tin cho nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt là tuyên truyền các nội dung của Chỉ thị 16/CT-TTg, Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trên từng địa bàn, trong từng thời điểm của diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn.

Một số cách làm hiệu quả, mô hình hay

Hầu hết các địa phương, đơn vị đã chủ động trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, nhất là việc phát huy các hình thức truyền tải thông điệp phòng, chống dịch đến tận người dân. Thông tin tuyên truyền được thể hiện sinh động thông qua hệ thống pano, áp phích, infographic; mỗi địa phương lựa chọn phương châm phù hợp:“ai ở đâu ở đó”; "mỗi xã, phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ”;"gia đình giữ gia đình, tổ liên gia giữ tổ liên gia";“đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Nhiều mô hình, cách làm được triển khai đồng bộ với sự đồng thuận của người dân như: “Khối bản tự quản, bảo vệ vùng xanh”; "Tổ dân cư ứng dụng mạng xã hội trong phòng chống dịch bệnh COVID-19". Thị xã Hoàng Mai là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh tổ chức ký cam kết phòng chống dịch COVID-19 đối với các hộ gia đình thông qua các tổ Covid cộng đồng. Các nội dung ký cam kết bao gồm các quy định về phòng chống dịch, các thông tin về thành viên trong hộ gia đình hiện đang làm việc, học tập ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để thuận tiện trong công tác nắm thông tin và truy vết dịch tễ. Tỷ lệ hộ gia đình ký cam kết là 92,3% và tiếp tục được triển khai để đạt 100% theo mục tiêu ban đầu đã đề ra. Huyện Tương Dương đã tổ chức biên tập tài liệu theo ngôn ngữ cho từng dân tộc, thông qua các tổ tuyên truyền trực tiếp tuyên truyền lưu động và tuyên truyền thông tin dịch bệnh bằng tiếng dân tộc đến mọi đối tượng qua hệ thống phát thanh...

Nhiều đoàn thể chính trị - xã hội đã có những cách làm sáng tạo, thích ứng với từng thời điểm của dịch bệnh như: Đoàn thanh niên tổ chức các mô hình xây dựng bản tin trực tuyến "Nhật ký áo xanh phòng chống dịch", "Phát thanh thanh niên", "Tiếng loa thanh niên', "Shipper áo xanh - miễn phí vận chuyển"... Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương" cho phụ nữ, trẻ em khó khăn do dịch bệnh, các cấp Hội đã huy động được 1.644 suất quà, mỗi suất quà 300.000đ, tổng trị giá hơn 493 triệu đồng. Liên đoàn lao động tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều mô hình hiệu quả tại các địa phương như: Mô hình "Thư viện thiết bị hỗ trợ học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn” [Công đoàn ngành Giáo dục]; mô hình chăm lo con cán bộ ngành y tham gia tuyến đầu chống dịch: Liên hệ doanh nghiệp hỗ trợ tài khoản phần mềm học tiếng Anh cho cháu từ 5-10 tuổi, tặng quà trung thu sách vở [Công đoàn ngành Y tế]; Chương trình Trung thu cho em, giành cho con công nhân, lao động tại các doanh nghiệp tại Yên Thành; Con Cuông, Diễn Châu tổ chức kêu gọi ủng hộ thiết bị học tập cho học sinh nghèo. Hội Nông dân tỉnh đã thành lập 172 tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản, 76 điểm bán hàng, 24 gian hàng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, phối hợp thành lập 9 mô hình "gian hàng không đồng", 94 mô hình "Hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân" với 492 hội viên tham gia, thông qua cách làm đó đã hỗ trợ trực tiếp tiêu thủ 41,273 tấn nông sản, phối hợp tiêu thụ được 69,52 tấn nông sản, thực phẩm và 65.910 quả trứng gà, vịt cho nông dân...

Hiện nay, tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp hân dân trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản ổn định, tuyệt đối tin tưởng, thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định phòng, chống dịch; một số địa phương đã chuyển sang các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, của tỉnh và huyện. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao do Nghệ An là địa bàn rộng, có tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đi qua nên lưu lượng người qua lại nhiều, là địa bàn có đường biên giới dài với nước bạn Lào.

Trong thời gian tới, để giữ vũng thành quả phòng, chống dịch, tất cả hệ thống chính trị và toàn dân tiếp tục xây dựng mỗi xã, phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sỹ”, không được lơ là chủ quan nhưng cũng không hoang mang, mất bình tĩnh; với phương châm “4 tại chỗ” và chủ động nắm chắc tình hình; tăng cường ngăn chặn các yếu tố nguy cơ từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ từ bên trong, nhất là kiểm soát người đi/đến; phát hiện sớm, truy vết thần tốc; Test sàng lọc nhanh, khoanh vùng sát, xét nghiệm mở rộng nhưng đảm bảo trọng tâm, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các giải pháp “5K + Vắc xin + Công nghệ” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sỹ Thành 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

Video liên quan

Chủ Đề