Hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch cục bộ

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có quy định rõ ràng về việc phân cấp, phân quyền trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Đóng góp ý kiến về việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quy hoạch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Hội đồng quy hoạch quốc gia. Qua quá trình triển khai thẩm định, trước tiên là thẩm định các nhiệm vụ quy hoạch đã hoàn thành, bước đầu thẩm định một số quy hoạch hoàn thành sớm, rà soát việc triển khai chính sách, pháp luật về quy hoạch, có thể thấy các bộ, ngành, địa phương cơ bản tuân thủ những quy định về thẩm quyền. Khi thực hiện các nội dung về xây dựng nhiệm vụ, xây dựng quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng theo thẩm quyền quy định.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, hiện nay, trong các văn kiện của luật cũng như các văn bản hướng dẫn, trình tự thủ tục đã được quy định tương đối rõ, các bộ, ngành, địa phương cơ bản đều thực hiện đúng theo các trình tự này. Về nguồn lực, việc phân bổ hiện nay đã được phân cấp triệt để cho các đồng chí thủ trưởng các cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố, vì vậy việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để phân bổ cho công tác xây dựng, quy hoạch đã được chủ động và đảm bảo đủ. Nhìn chung cho đến nay, các bộ, ngành, địa phương đều không có kiến nghị lớn về nguồn lực, ngoại trừ một số trường hợp cá biệt gặp vướng mắc trong một số thời điểm nhất định. Ngoài ra, về việc huy động nguồn lực xã hội hóa một số địa phương thực sự gặp vướng mắc, bởi huy động nguồn vốn xã hội hóa, đặc biệt với các doanh nghiệp luôn đi kèm với các điều kiện nhất định, có thể gây tác động, làm chệch hướng phát triển.

Về kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải liên quan đến vấn đề điều chỉnh cục bộ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vấn đề này đã xuất hiện từ lâu, nhiều địa phương đã đề xuất phân cấp, phân quyền để điều chỉnh cục bộ. Có nhiều loại quy hoạch xin điều chỉnh theo phân cấp thẩm quyền để đảm bảo nhanh, tiện lợi, rút ngắn thời gian, gồm: quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, quy hoạch xây dựng theo Luật Xây dựng, quy hoạch đô thị nông thôn theo các pháp lệnh về đô thị, nông thôn… Tuy nhiên, mặt trái của điều chỉnh cục bộ là nếu phân cấp không có kiểm soát, không có tiêu chí rõ ràng thì công tác lập kế hoạch ban đầu là vô nghĩa. Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định rằng, việc điều chỉnh quy hoạch là khó tránh, về thực tiễn diễn biến nền kinh tế, chắc chắn cần có những điều chỉnh bắt buộc trong quy hoạch xây dựng, nhưng cần điều chỉnh sao cho hiệu quả. Hiện nay Luật Quy hoạch yêu cầu việc điều chỉnh quy hoạch phải tiến hành đúng theo quy trình như khi lập, thẩm định quy hoạch ban đầu, cụ thể, người nào, cấp nào đã quyết định quy hoạch thì sẽ chịu trách nhiệm tiến hành điều chỉnh quy hoạch.

Toàn cảnh cuộc làm việc Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Giao thông Vận tải về việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quy hoạch

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương thường có tâm lý e ngại khi trình lên Thủ tướng, mong muốn được phân cấp để đẩy nhanh tiến độ và đơn giản hóa thủ tục. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tổng hợp những vướng mắc, khó khăn, thực trạng, diễn biến của công tác lập quy hoạch để có kiến nghị phù hợp xem có nên thực hiện phân cấp hay không. Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, nếu có phân cấp điều chỉnh cục bộ thì phải có quy định rõ ràng về các tiêu chí: được điều chỉnh nội dung nào trong quy hoạch, và điều chỉnh trong phạm vi nào.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, với ngành giao thông, một số nội dung có thể thực hiện phân cấp để điều chỉnh cục bộ quy hoạch, nhưng phải có quy định rõ ràng. Ví dụ, với các hướng tuyến đường giao thông, khi xây dựng quy hoạch tổng thể ngành giao thông đường bộ, ở tầm cao, ta chỉ xác định điểm đầu, điểm cuối, các điểm đi qua của một con đường. Tuy nhiên, khi tiến hành xây dựng trong thực tế, cần phải điều chỉnh con đường để né rừng quốc gia cần được bảo vệ, tránh vùng đất yếu, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật… Trong trường hợp như vậy, việc điều chỉnh hướng tuyến này có thể phân cấp cho địa phương, nhưng phải quy định rõ điều chỉnh trong trường hợp nào, ở mức độ nào.

Đối với kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch chuyên ngành, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, khi xây dựng Luật Quy hoạch, đã xây dựng phụ lục về 39 quy hoạch chuyên ngành. Trong Luật Giao thông đường thủy không yêu cầu xây dựng, quy hoạch các cảng đường thủy, do vậy không thể tổng hợp trong danh mục 39 quy hoạch chuyên ngành.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, để đưa quy hoạch các cảng đường thủy thành quy hoạch chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải có thể xem xét hai phương án. Phương án thứ nhất là tiến hành hai bước điều chỉnh luật: điều chỉnh luật chuyên ngành và điều chỉnh Luật Quy hoạch, bổ sung danh mục đó. Phương án thứ hai hiện đang tiến hành, khi xây dựng Luật Quy hoạch đã bãi bỏ hơn 11 000 quy hoạch, có rất nhiều quy hoạch có tính chất tương tự như quy hoạch này đã bị bãi bỏ, để thực hiện phải đưa vào quy hoạch tỉnh. Khi xây dựng quy hoạch tỉnh, tỉnh sẽ xin ý kiến các bộ liên quan, lúc đó các Bộ căn cứ vào chiến lược, định hướng phát triển của lĩnh vực để góp ý chính thức, từ đó đưa vào quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý khi tiến hành phương án này, Bộ Giao thông vận tải phải tăng cường kiểm soát, phải có đánh giá về những quy hoạch trước đây đã làm để tránh chồng lấn, trùng lặp, manh mún.

Chia sẻ quan điểm về ý kiến cần sửa đổi các quy định của pháp luật về quy hoạch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng việc sửa đổi là chưa cần thiết. Theo Thứ trưởng, tuy ban đầu thực hiện luật không tránh khỏi những bối rối, nhưng hiện việc áp dụng, triển khai Luật Quy hoạch đã bắt đầu nhuần nhuyễn, ổn định, có hiệu quả, chỉ còn gặp vướng mắc ở vấn đề tiến độ.

Cho rằng Luật Quy hoạch còn có điểm chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Trần Quốc Phương kiến nghị cần tổng hợp, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện những bất cập, vướng mắc sau khoảng 5 năm thực hiện luật, từ đó mới tiến hành sửa đổi để tránh làm xáo trộn hệ thống quy hoạch, ảnh hưởng đến chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của cả nước cũng như của các bộ, ngành địa phương./.

Chủ Đề