Hướng dẫn chơi company of heroes 2 skirmish

Phiên bản này sẽ đưa game thủ tới những cuộc chiến khốc liệt nhất ở mặt trận phía đông, nơi hồng quân Liên Xô đối đầu với các quân đoàn thiện chiến của Đức Quốc Xã.

Cốt truyện của Company of Heroes 2 sẽ đưa người chơi tới những trận đánh ác liệt nhất trong lịch sử ở mặt trận phía đông qua hồi ức của Lev Abramovich Isakovich, một sĩ quan của quân đội Soviet bị lưu đày ở trại tập trung tại Siberia vào năm 1952. Qua đó game thủ sẽ thấy được sự khốc liệt, những hi sinh mất mát, cũng như tính tàn bạo của chiến tranh.

Trong phiên bản Company lần này, sẽ chỉ có 2 faction đó là SoViet và Đức quốc xã. Nếu như quân Đức là sự pha trộn giữa wehrmacht và panzer elite với cách đánh hầu như không có nhiều sự khác biệt với phiên bản đầu thì SoViet lại là một faction mới hoàn toàn. Với ưu thế quân đông, xe rẻ SoViet đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người Đức.

Phiên bản lần này có tiết tấu nhanh, dồn dập. Gameplay không có quá nhiều sự thay đổi, cơ bản mọi thứ gần như được giữ y nguyên từ bản 1.Relic chỉ thêm thắt một số yếu tố như lính có thể nhảy qua rào, xe tank giờ đây có thể che chắn cho lính bộ binh hay như có thể cướp xe tank địch khi kíp lái đã bị tiêu diệt hoặc bỏ của chạy lấy người.

Thêm vào đó với sự xuất hiện của 2 yếu tố mới là True sight và Cold tech, đã khiến cho Company of Heroes 2 trở nên phức tạp hơn. True sight là cơ chế tầm nhìn thật, cơ chế này sẽ chỉ hiển thị cho game thủ thấy những gì người lính trong game thấy. Nếu như người chơi đã từng chơi qua Commandos hay Men of War thì chắc hẳn sẽ không còn lạ gì với True sight. Việc có thêm True sight đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải thận trọng hơn trong từng bước di chuyển, sẽ không thể biết được rằng đằng sau những ngôi nhà, những bức tường cao có gì đang chờ đón bạn. Hãy để cho lính của bạn đi chung với nhau, chúng sẽ giúp bạn quan sát bao quanh khu vực đang kiểm soát, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ ít bị bất ngờ và chủ động hơn trong những tình huống bị phục kích của địch.

Ngoài ra lần này Relic cũng giới thiệu một yếu tố nữa ảnh hưởng khá nhiều tới nhịp độ cũng như chiến thuật của game đó là Cold tech. Hệ thống này mô phỏng lại những cơn bão tuyết, nó giúp cho Relic tạo ra một mùa đông khắc nghiệt khi mà tuyết phủ trắng những con đường, những dòng sông băng, ẩn chứa nhiều nguy hiểm, cũng như những cơn bão tuyết bất chợt gây khó khăn cho người lính.

Đây cũng là điều thú vị của Company of Heroes 2 với đặc trưng là cái giá rét khắc nghiệt của mùa đông. Và thời tiết cũng là một phần của gameplay chứ không phải là thứ gây lag và khó chịu như ở bản 1.

Khi ở trong bão tuyết, lính cũng như xe của game thủ sẽ bị giảm tầm nhìn và tốc độ, lính sẽ dễ bị lạnh hơn và nếu không được sưởi ấm kịp thời lính của bạn sẽ chết. Mức độ thân nhiệt của lính sẽ được hiển thị qua thanh nhiệt kế, khi nhiệt kế tụt xuống mức xuất hiện đầu lâu thì tốt nhất là bạn hãy cho lính của mình chui vào một tòa nhà hoặc một chiếc halftrack để sưởi ấm. Còn nếu như không có xe và nhà gần đó hãy xây ngay một fire pit để đảm bảo mạng sống cho lính của bạn.

Ngoài ra bão tuyết cũng là trợ thủ của người chơi, lính của bạn sẽ khó bị phát hiện hơn và khi kết hợp với True sight bạn có thể sắp xếp những đợt phục kích khiến cho quân địch bất ngờ để dành lợi thế cho mình trên chiến trường.

Với sự cải tiến của engine Essensen 3.0 bản đồ trong game cũng có khá nhiều sự thay đổi, khi map được thiết kế thoáng hơn, có nhiều đường hướng để đánh thọc sườn hay những bụi rậm để lính của bạn có thể ẩn nấp. Các bản đồ giờ đây sẽ được chia làm hai mùa rõ rệt. Nếu như ở map mùa hè các trận đánh diễn ra khá nhanh và liên tục, thì đối với map mùa đông các trận đấu diễn ra có vẻ chậm chạp vì chịu sự ảnh hưởng của bão tuyết, cũng như đối với những khu vực tuyết dày khiến cho lính của bạn di chuyển chậm hơn. Đặc biệt với những con sông bị đóng băng sẽ giúp cho bạn tiết kiệm kha khá thời gian khi bạn có thể di chuyển xuyên qua sông mà không cần tới cầu hay những khu nước nông.

Tuy nhiên đó cũng là nơi đặc biệt nguy hiểm, lớp băng trên sông hoàn toàn có thể bị vỡ khi phải hứng quá nhiều đợt pháo kích hay những đợt nã cối điên cuồng của quân địch. Bạn sẽ chẳng vui vẻ tí nào khi thấy những chiếc xe tank hay lính của mình chìm sâu xuống lòng sông lạnh giá mà không thể làm gì để cứu vãn.

Trong phiên bản, người chơi còn có thể cướp xe của địch khi nó bị hư hỏng nặng và kíp lái phải nhảy ra ngoài để thoát thân. Đó sẽ là trải nghiệm khá thú vị khi dùng chính xe của địch để giết địch. Bản thân người viết cũng đã từng cướp được một chiếc panther, và điều đó cũng gây kha khá ức chế cho người bạn ở phía bên kia.

Đối với các unit ở bản này thì ngoại trừ tank thì các đơn vị còn lại khá dễ chết. Nếu như ở phiên bản trước thì cần phải hai đến ba lượt bắn thì mới có thể giết 1 chiếc halftrack hay scout car thì ở bản này chỉ cần một lượt bắn bạn cũng đã có thể tiễn chiếc xe của đối thủ tới tiệm đồng nát. Điều này cũng đồng nghĩa bạn phải có khả năng micro tốt hơn để kiểm soát cũng như tránh bị mất lính và xe một cách vô nghĩa.

Trải qua 3 đợt test từ Alpha cho tới Open Beta cùng với việc cập nhật kha khá các patch update thì giờ đây độ cân bằng của game cũng đã tốt hơn. Game thủ đã ít phàn nàn hơn về sự vô đối của tank Đức khi gần như giáp của nó được buff lên một cách hơi quá đáng. Người viết cũng đã rất ức chế khi 3 chiếc T-34 bắn không gây sát thương đối với 1 chiếc Panzer 4. Thật may là Relic đã có những điều chỉnh kịp thời và theo đánh giá thì game đã cân bằng hơn khá nhiều. Tuy nhiên việc đẩy cao giá xe của Đức cũng khiến cho những người chơi Đức cảm thấy thiệt thòi, khi khá là khó để có thể xuất hiện 1 chiếc panther trên chiến trường. Trong khi đó thì giá xe của Liên Xô có thể nói là rẻ hơn rất nhiều lần và thật sự là khó chịu nếu như để đối phương spam tank trong khi bạn chỉ có những khẩu pháo chống tank. Điều này cũng không mang lại quá nhiều hiệu quả khi chống tank khá bị động và có phần chậm chạp nếu như bị quây thì xác định là khẩu pháo chống tank của bạn sẽ bị mất hoặc bị phá hủy.

Company of Heroes 2 ngoài phần chơi đơn và chơi mạng thì còn có một phần chơi khá đặc biệt đó là Theatre of War.

Theatre of War có tổng cộng là 6 màn chơi trong đó được chia đều 2 màn dành cho Co-op, 2 màn để solo và 2 màn để bạn đánh cùng với AI.

Đây có thể xem như là một phần mở rộng của phần chơi đơn khi nó cũng có nhiệm vụ riêng cho từng màn. Các màn chơi ở phần chơi này khá là đa dạng từ những kiểu xây nhà cho tới thủ victory point hoặc là thủ cửa kiểu tower defend.

Chế độ chơi mạng có thể nói là phần hấp dẫn nhất của game. Ở phần này relic đã có khá nhiều sự thay đổi dành cho game thủ.

Thứ nhất là ở các doctrine. Company of Heroes 2 có tới 10 doctrine chia đều cho 2 phe, còn nếu như bạn sử dụng bản collection thì số doctrine sẽ lên tới con số 15. Ngoài ra còn có hệ thống load out, bulletins và hệ thống skin trang trí cho xe của bạn.

Các load out là một danh sách các doctrine đã được mặc định sẵn, tổng cộng có 5 load out cho phần chơi mạng và 1 load out dành riêng cho phần chơi Theatre of War. Trong các load out này sẽ gồm có 3 doctrine và các bulletine kèm theo.

Việc sử dụng load out và doctrine khá tiện khi bạn chỉ cần thao tác tháo ra lắp vào, và khi vào chơi thì chỉ cần chọn sẵn cho mình 1 trong 5 load out đó mà thôi. Tuy nhiên đối với người viết điều này là phiền hà vì khi đã vào game thì bạn sẽ không thay đổi được gì, ngoài ra sau khi chọn xong các doctrine, người chơi khi đủ exp cũng không được tự do chọn các ability như ở phiên bản đầu mà thay vào đó game sẽ mặc định cho bạn ability theo thứ tự có sẵn. Lấy ví dụ như ở bản 1 mỗi doctrine sẽ có 2 nhánh ability và dựa vào tình hình cũng như chiến thuật mà bạn sẽ chọn cho mình những ability phù hợp. Việc không cho người chơi chọn ability đã khiến cho game có 1 chút bó buộc khi mà cần phải thả pháo thì bạn còn phải đi qua tới 3-4 cái ability trước đó.

Việc thêm nhiều doctrine cũng không khiến chiến thuật của game đa dạng hơn bao nhiêu vì các doctrine đó nhìn chung không khác nhau mấy. Các ability cũng được sử dụng lặp lại khá nhiều. Tuy thế cũng có các doctrine khá hay như jaeger infantry của Đức khi chọn doctrine này lính của bạn sẽ có skill đó là "tra khảo" mỗi khi bấm "C" lên một người lính bị thương của địch, chúng sẽ tiết lộ vị trí, hướng chuyển quân cho bạn, giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng thủ cũng như quyết định tấn công nhằm giành lợi thế trên chiến trường.

Bên cạnh đó Relic còn giới thiệu tới người chơi hệ thống bulletins, có thể hiểu đây là các items trang bị cho lính cũng như xe. Các item này sẽ có được thông qua việc bạn lên level. Tuy nhiên lên level là một chuyện còn để có thể sở hữu các items này thì bạn cần phải thỏa các điều kiện mà mỗi item cần. Ví dụ như để sở hữu item tăng 5% damg của concript thì bạn phải sử dụng 100 lần ability "uurah!" của chúng. Điều này cùng với những trận đấu mạng nảy lửa giữ chân người chơi lâu dài hơn, khi họ cần khoảng thời gian khá dài để có thể unlock hết tất cả những bulletins dành cho cả xe lẫn lính.

Đồ họa trong game có thể nói là khá chi tiết và đẹp nhờ sử dụng engine Essense 3.0. Cây cối mặt nước tới các ngôi nhà đều được chăm chút khá tỉ mỉ, màu sắc cũng tươi sáng hơn. Hiệu ứng cháy nổ vẫn giữ được vẻ hoành tráng ngày nào thậm chí có phần đẹp hơn đặc biệt khi một quả đạn rail gun rơi xuống làm rung chuyển cả màn hình, đất đá khói bụi mù mịt, khiến bạn cảm nhận được đầy đủ hơn sự khốc liệt của cuộc chiến. Tuy thế việc sử dụng các màu sắc tươi sáng lại làm mất đi phần nào "chất lửa" mà game cần có. Mọi thứ trở nên khó quan sát hơn khi các màu cứ lẫn vào nhau chưa kể sự lòe loẹt một cách quá đáng của những chiếc xe sơn ngụy trang cũng khiến bạn nhức mắt chẳng kém. Việc thể hiện những icon cũng như chữ quá bé khiến người chơi có nguy cơ bị cận thị cao. Trong những trận chiến 4v4 thì đó thực sự là thảm họa khi bạn khó kiểm soát lính mình trên mini map. Nhưng cũng có sự may mắn khi Relic đã bố trí các tab lính ở phía trên bên phải mỗi khi lính của bạn đứng chơi hay đang có giao tranh đều có những icon thông báo rất trực quan, bạn có thể thu gọn lại để dễ nhìn hơn.

Nhắc tới đồ họa của Company of Heroes 2 có lẽ mọi người không thích nhiều nhất là UI của game, thay vì sử dụng những chất liệu cũng như màu sắc trầm hoặc tối để thể hiện thì Relic lại sử dụng tông màu khá chuối, thêm vào đó việc sắp xếp icon cũng không được hợp lý cho lắm cũng khiến cho game thủ phải mất thời gian để làm quen. Hi vọng Relic sẽ sửa lại cho hợp lý hơn.

Âm thanh của game vẫn đầy sự bi tráng như ngày nào, từ tiếng nhạc êm dịu lúc đầu game tới sự dồn dập thúc giục khi bước vào trận đánh khiến người chơi như hòa mình vào trận đánh thực thụ. Giọng lồng tiếng của game cũng bị xem như một khuyết điểm khi không thể hiện được chất giọng đặc trưng của từng nước như ở phiên bản 1. Thêm vào đó tiếng súng cũng không được đầu tư kỹ, khi nghe tiếng súng máy cứ như của một người bị nghẹt mũi.

Nhìn chung Company of Heroes 2 là một phần tiếp theo đáng chơi. Game vẫn giữ được những giá trị truyền thống cũng như đã thêm thắt những yếu tố mới để game trở nên hoàn thiện hơn. Tuy nhiên với việc phải chờ đợi 4 năm thì đây có lẽ là một khoảng thời gian khá dài.

Chủ Đề