Đường dây tải điện Bắc - Nam dài bao nhiêu

Có lẽ cũng vì vậy mà dù gặp khó khăn, trở ngại như địa hình đồi núi hiểm trở, thiên tai khắc nghiệt, cán bộ công nhân TTĐ luôn bám tuyến đường dây [ĐZ] để dõi theo từng dòng chảy của nguồn điện huyết mạch đường dây 500kV Bắc-Nam.

Cột 54 [xuất tuyến ĐZ 500kV Bắc - Nam mạch 1]

Những người công nhân TTĐ trên mặt trận tư tưởng

Năm 1994 đường dây 500kV Bắc Nam được đưa vào vận hành, Công ty Truyền tải điện 1 [PTC1] được giao nhiệm vụ tiếp quản vận hành 946 vị trí cột với chiều dài 404,983 km đường dây 500kV Hòa Bình - Hà Tĩnh 1 [ĐZ 550kV Mạch 1], đi qua địa bàn 5 tỉnh khu vực miền Bắc. Các vị trí cột và đường dây đi chủ yếu nằm ở địa hình phức tạp, đồi núi cao, đường ra vào tuyến hầu hết là những con đường mòn dân sinh.

Điều kiện phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí phát triển không đồng đều, tập quán canh tác lạc hậu, cuộc sống của người dân dọc tuyến đường dây chủ yếu bằng nghề săn bắn, khai thác đồi rừng, đốt nương làm rẫy, du canh, du cư...luôn tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ, đe dọa mất an toàn và sự cố đối với đường dây.

Đi dây kiểm tra, bảo dưỡng đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1

Tình hình an ninh trên các tuyến đường dây khó kiểm soát, do nhận thức về công tác PCCN của người dân dọc tuyến về an toàn cho lưới điện chưa cao. Từ những ngày đầu tiếp quản vận hành đường dây, những người “Lính” TTĐ trong độ tuổi mười tám đôi mươi hừng hực khí thế và niềm tin khi được giao trọng trách tiếp quản vận hành, giữ cho dòng điện huyết mạch của 3 miền Bắc - Trung - Nam được thống nhất.

Với tính chất quan trọng là một công trình trọng điểm về kinh tế của đất nước, ngày 24/3/1994 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị 110TTg về công tác bảo vệ đường dây 500kv Bắc Nam. 

Hướng về nguồn sáng

Nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, những trăn trở về nghề nghiệp luôn thường trực trong tâm trí mỗi người công nhân TTĐ, luôn thôi thúc họ phải vươn lên để tìm ra những giải pháp mới, nhằm đảm bảo cho đường dây vận hành an toàn liên tục. Vậy là, ngày mỗi ngày những người công nhân gắn bó máu thịt với đường dây, quần áo, chăn màn, lán trại...

Cứ thế thời gian trôi đi, họ đến với đường dây cần mẫn, kiên trì chặt cây phát tuyến, ngày này qua ngày khác và hy vọng một ngày nào đó, cây rừng hỗn tạp trong hành lang, sẽ phải nhường chỗ cho đường dây vươn xa và những bước chân của người công nhân truyền tải điện.

Nhưng nếu những người công nhân TTĐ thời bấy giờ chỉ biết khép mình trong cái khó thì việc giải phóng hàng ngàn m2 cây rừng gỗ tạp đang có nguy cơ cháy nổ đe dọa sự cố đối với đường dây điều có thể... và rồi cũng từ đây, những người công nhân TTĐ lúc bấy giờ bắt đầu tiến quân vào mặt trận tư tưởng. Với phương châm “Làm cho dân tin - nói cho dân hiểu” họ đến với dân, gần gũi với người dân, để tạo dựng mối quan hệ mật thiết, ngoài những ngày trên tuyến mọi người tranh thủ giúp dân, mài từng cây dao, tra từng cán cuốc, chia ngọt sẻ bùi, giúp người dân ổn định nơi ở, gặp gỡ từng người dân, đưa các cháu đến trường...

Dấu chân của những người công nhân truyền tải, đã in đậm trên từng nẻo đường, từ thôn bản đến thành thị, từng hộ gia đình, đến  gặp gỡ từng người dân và rồi người “Lính” TTĐ đã tạo được sự đồng thuận người dân trong công tác bảo vệ - PCCN an toàn hành lang lưới điện . 

Những sáng kiến kinh nghiệm được khởi nguồn từ gian khó trong công tác bảo vệ an toàn đường dây 500kV

Những ngày đầu khi quản lý đường dây 500 kV Bắc - Nam, hầu như tất cả những người công nhân đều choáng ngợp bởi địa hình rừng núi hiểm trở, cây cối bạt ngàn, đường ra vào tuyến chủ yếu là lối mòn, thậm chí bị chia cắt bởi sông ngòi, khe suối... quả thật “trong cái khó lại ló cái khôn”, những người lính truyền tải đã tự mình “tìm ra sáng kiến”. Phương châm “dựa vào sức dân, lấy dân làm gốc” được đội ngũ những người “lính thợ” của TTĐ thời đó vận dụng triệt để và đạt hiệu quả cao. 

Tất cả vì dòng điện thân yêu của Tổ quốc

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp là TTĐ Thanh Hóa. Năm 1997, bằng sự sáng tạo và quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của tập thể lãnh đạo TTĐ Thanh Hoá cùng với sự tham gia hỗ trợ tích cực của các Cấp uỷ Đảng, Chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân dọc tuyến đường dây, phong trào “Xã hội hoá công tác bảo vệ đường dây 500kV" được khởi xướng và áp dụng thực thi trên địa bàn huyện Như Xuân.

Với kết quả sau 2 năm thực hiện cuộc vận động đã chuyển đổi trên 100ha diện tích cây mía - cây luồng có nguy cơ cháy nổ trong hành lang sang trồng các loại cây ăn quả, cây dứa gai, cây lạc, loại trừ hoàn toàn nguy cơ cháy nổ do chủ quan của con người gây nên và trở thành cái “Nôi” của phong trào "Xã hội hoá công tác bảo vệ đường dây 500kV" trên địa bàn Thanh Hoá hôm nay.

Những năm tiếp theo, với mục tiêu tạo sự chuyển biến sâu rộng cả cách nghĩ, cách làm của người dân dọc tuyến, nhân rộng mô hình. Với sự chỉ đạo, định hướng của Đảng ủy, đoàn thanh niên PTC1 các TTĐ quản lý, vận hành ĐZ 500kV đã phối hợp với Đoàn Thanh Niên các tỉnh, thành phát động phong trào, tổ chức cuộc thi sáng tác kịch và tiểu phẩm với nhiều chủ đề “tích cực bảo vệ - PCCN lưới TTĐ Quốc gia”…

Những cuộc thi như vậy đã thu hút hàng ngàn người dân trên địa bàn có ĐZ cao áp đi qua tham gia hưởng ứng, cũng từ phong trào này hàng nghìn lượt Đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã tự nguyện tham gia hỗ trợ ngày công cùng với người công nhân TTĐ giải phóng hàng nghìn m2 cây rừng hỗn tạp trong hành lang đường dây, bồi đắp hàng ngàn m3 đất móng cột, đường ra vào tuyến bị xói lở cũng như hạn chế được vấn nạn thả diều trong hành lang lưới điện cao áp…

Không dừng lại ở bài học xưa, hình thức tuyên truyền vận động bằng văn nghệ - sân khấu hóa, kẽ vẽ các biển báo, pano, áp phích... nay đã được TTĐ Thanh Hoá kết hợp song hành cùng với các phương tiện truyền thông mang sắc màu của người công nhân TTĐ đến với công chúng thông qua các bản tin, phóng sự và các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật.

Điển hình như cuộc thi về an toàn điện và PCCN lưới TTĐ năm 2008 đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng sôi nổi với hơn 120.000 bài dự thi của người dân thuộc nhiều các đối tượng khác nhau.  

Vững tin trên những cung đường mới

Những nỗ lực không ngừng của người công nhân TTĐ trên cung đường truyền tải điện 500kV Bắc Nam 27 năm qua là sự khởi nguồn đáng tự hào, là tiền đề để người “lính” TTĐ hôm nay đã và đang kế thừa và vững tin trên con đường mới, sẵn sàng đón nhận QLVH đường dây 500kV Mạch 2, Mạch 3 và sự phát triển vượt bậc của hệ thống lưới TTĐ Quốc gia.

Đó không chỉ là sự kết nối các thế hệ mà còn là sự vươn lên làm chủ thiết bị, làm chủ khoa học - công nghệ, đoàn kết, chung sức, chung lòng, phát huy trí tuệ tập thể, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và Công ty Truyền tải điện 1, sự vào cuộc tích cực của các Cấp ủy Đảng, Chính quyền và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân các địa phương sẽ tạo niềm tin và là cơ sở vững chắc để PTC1 vững bước vươn lên hoàn thành xuất sắc  nhiệm vụ quản lý vận hành đường dây 500kV nói riêng và hệ thống lưới TTĐ nói chung, cung cấp điện an toàn liên tục, phục vụ đắc lực cho phát triển Kinh tế - Xã hội và An ninh - Quốc phòng của Đất nước.

Nhìn lại chặng đường 27 năm đã đi qua, hình ảnh từng đoàn quân hừng hực khí thế, háo hức tiếp quản đường dây 500kV, ngày đêm nằm rừng, giải phóng hành lang tuyến, vắt rừng lạo xạo dưới chân. Hình ảnh những người thợ đường dây, ngày ngày cheo leo trên cột miệt mài, xiết từng ê cu, sơn từng đốm rỉ... dưới cái nắng nóng đến rát bỏng, cái giá rét đến bầm da, tím thịt của khí hậu khắc nghiệt Bắc Miền Trung... gian nan, vất vả vì mục tiêu đường dây vận hành an toàn - truyền tải liên tục. Tất cả những hình ảnh đó như đang còn hiện hữu đủ để cảm nhận hết ý nghĩa của chiều dài đường dây 500kV Bắc-Nam hôm nay.

Sau 25 năm vận hành, đường dây tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc-Nam mạch 1 là “sợi dây” liên kết hệ thống điện theo cả hai chiều, nâng cao độ an toàn cung cấp điện và chất lượng điện cho hệ thống điện quốc gia. Công trình còn thể hiện tầm nhìn vượt thời đại, là bước ngoặt lịch sử của ngành Điện Việt Nam.

1. Ý tưởng táo bạo, đột phá quyết liệt

Đầu thập niên 1990, miền Nam thiếu điện trầm trọng, cứ 1 ngày có điện thì lại “cúp” 2 - 3 ngày. Làm cách nào để miền Nam không “đói” điện, đảm bảo thực hiện thành công chương trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội là trăn trở của lãnh đạo Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ.

Kỹ sư Trần Viết Ngãi - Phó Ban Chỉ huy Công trình đường dây 500 kV, người có nhiều kinh nghiệm “trận mạc” khi lãnh trọng trách thi công đoạn “xương” nhất của công trình, nhớ lại: Tết Tân Mùi năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp lãnh đạo Bộ Năng lượng và lãnh đạo các công ty xây lắp điện. Thủ tướng đặt vấn đề, miền Nam thiếu điện, miền Bắc thừa điện, Bộ Năng lượng phải tìm cách đưa điện từ Bắc vào Nam. 

Nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải đã cho thực hiện ngay các thủ tục cần thiết khẩn trương tiến hành xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam trong thời gian sớm nhất. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV với chiều dài lên tới khoảng 1.500 km. Thời điểm đó, trên thế giới, đường dây dài nhất cũng chỉ từ 700-800 km và thời gian xây dựng kéo dài 7-8 năm.

Có nhiều phương án lựa chọn, nhưng phương án đường dây chạy dọc theo dãy núi Trường Sơn là hợp lý nhất. Bộ Năng lượng mời Công ty Tư vấn PPI [Úc] làm tư vấn cho công trình này. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban quản lý triển khai xây dựng đường dây 500 kV Bắc - Nam. 

Mọi công việc đã được chuẩn bị một cách hết sức khẩn trương và đã thu được kết quả tốt đẹp. Bộ trưởng Bộ Năng lượng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai xây dựng công trình. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, công trình chỉ được phép xây dựng trong 2 năm vì miền Nam thiếu điện nghiêm trọng, sớm được ngày nào quý ngày đó.

Khi chủ trương được công bố, một số cán bộ cao cấp và một số nhà khoa học còn tỏ ra hoài nghi, vì có nhiều yếu tố vướng mắc về mặt kỹ thuật như bước sóng, điện áp cuối đường dây, vấn đề an toàn lao động khi phải thi công một đường dây quá dài, nhiều nơi địa hình vô cùng hiểm trở, nguy hiểm....  Tuy nhiên, với tư tưởng và quyết tâm lớn, sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, cộng với sự cố gắng không mệt mỏi của CBCNV Bộ Năng lượng, công trình đã hoàn thành xuất sắc sau 2 năm vừa thiết kế, vừa thi công. 

2. Xây dựng bằng cách nào trong thời gian 2 năm?

Để xây dựng đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam, một loạt giải pháp được đặt ra rất chi tiết và cụ thể, trong đó việc lập tiến độ triển khai xây dựng công trình, bố trí lực lượng từ khảo sát thiết kế, từ thi công, giám sát, thu xếp vốn, kí kết hợp đồng, mua sắm vật tư thiết bị được thực hiện một cách chặt chẽ, hợp lý với tinh thần hết sức khẩn trương.

Công trình được chia thành 4 cung đoạn thi công, mỗi cung đoạn do 1 công ty xây lắp điện đảm nhận. Trong 4 cung đoạn đó, khó khăn nhất là cung đoạn 2, từ Hà Tĩnh đến Kon Tum dài trên 600 km. Trong đó, có khoảng 400 km là đồi núi, rừng già cùng với nhiều sông suối phức tạp… do Công ty Xây lắp điện 3 đảm nhận. Trong nhiều cuộc họp giao ban, nói về tiến độ thi công, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều nhắc “Nếu cung đoạn của Công ty Xây lắp điện 3 xong thì toàn tuyến xong”.

Chia sẻ về những yếu tố quyết định đến việc đảm bảo đúng tiến độ thi công trong 2 năm, ông Ngãi cho biết: Toàn công trường đã huy động tổng lực với việc sử dụng quân chính quy [cán bộ, kỹ sư và công nhân lành nghề] kết hợp với nhân dân địa phương, bộ đội, công an, các doanh nghiệp... làm mọi công việc phục vụ mục tiêu đảm bảo đúng tiến độ đề ra. 

Một yếu tố không kém phần quan trọng, góp phần đảm bảo tiến độ thi công, đó là công tác động viên, khen thưởng kịp thời, tổ chức lao động hợp lý như, khoán công việc cho từng tổ, từng đội, từng tổng đội, từng xí nghiệp, kết hợp giữa lực lượng chính quy, lực lượng địa phương và các lực lượng lao động trưng dụng khác. Suốt 2 năm, không kể ngày đêm, chủ nhật, ngày lễ, mưa gió, bão lụt, rét thấu xương hay nắng như đổ lửa, tất cả đều vượt lên, dồn sức cho việc hoàn thành công trình đúng tiến độ với chất lượng cao. 

Để giải quyết vốn cho công trình quan trọng này, Ban quản lý công trình thường xuyên làm việc với các Vụ của Bộ Năng lượng, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, tạo cơ chế thuận lợi cho việc cấp phát vốn đầy đủ, kịp thời. Hàng tuần, Bộ Năng lượng đều tổ chức giao ban, kiểm tra tiến độ thực hiện công trình, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong thi công, trong đó, nhiều cuộc họp Thủ tướng trực tiếp tham dự và chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm mọi khó khăn, vướng mắc, nảy sinh trong quá trình thi công công trình.

Ngày 27/5/1992, Thủ tướng quyết định khởi công đúc móng tại một vị trí ở Mãn Đức [Hòa Bình], một vị trí ở Hòa Sơn - Hòa Vang [Đà Nẵng] và một vị trí ở Phú Lâm. Sau gần 1 năm thi công việc đúc móng trên toàn tuyến đã hoàn thành. Móng nhỏ nhất khoảng 300 m3 bê tông [móng cột đỡ], móng cột néo bình quân từ 1.000 - 1.500 m3 bê tông tùy theo từng loại cột, móng cột vượt thì cao hơn. Đồng nghĩa với việc công tác đào đất lên tới hàng chục triệu mét khối.

Nhờ nhân dân đồng tình, ủng hộ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, Bộ Năng lượng khẩn trương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, mọi khó khăn vướng mắc dần dần qua đi, việc thi công ngày càng khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ. 

Tháng 3/1993, việc dựng cột [khoảng 3.600 cột] trên toàn tuyến đã kết thúc thắng lợi. Việc thi công kéo dân dẫn, dây cáp quang lắp sứ, phụ kiện được hoàn thành vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1994. Tiếp theo là công việc thí nghiệm, hiệu chỉnh và công việc kiểm tra của cơ quan Điều độ điện quốc gia, chuẩn bị đóng điện, hòa vào lưới điện tại trạm Đà Nẵng vào ngày 27/5/1994 – ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành Điện Việt Nam.

Nguồn biên soạn

Video liên quan

Chủ Đề