Đời sống văn học của văn học trung đại năm 2024

Trong thời trung đại, các nước trong khu vực văn hóa chữ Hán có mối quan hệ đặc biệt về văn hóa và văn học. Việt Nam, bán đảo Triều Tiên [Triều Tiên - Hàn Quốc] và Nhật Bản đều có sự ảnh hưởng nhất định từ nền văn học Trung Hoa. Những quan niệm về Nho giáo, về thiên nhiên và con người đã phần nào chi phối đến cảm quan sáng tác của các thi nhân trung đại. Bên cạnh sự ảnh hưởng đó, mỗi nền văn học cũng có bản sắc riêng và dòng chảy riêng trong quá trình hình thành và phát triển. Trong đó, đề tài về thôn quê trong thơ trung đại khắc họa về thiên nhiên, con người thôn quê luôn tiềm ẩn giá trị đặc sắc văn hóa của mỗi dân tộc.

TS. Lê Thị Nương

Khoa Khoa học xã hội - Đại học Hồng Đức Thanh Hóa

DĐ: 0915 568 186; Email: lethinuong@hdu.edu.vn

1. Cơ sở hình thành đề tài thôn quê trong thơ trung đại ở các nước khu vực văn hóa chữ Hán

Theo tiến trình văn học trung đại, các giai đoạn trung đại ở các nước Đông Á dù có sự khác biệt về địa lý nhưng đều có sự tương đồng về thời gian hình thành và phát triển. Các nước trong khu vực văn hóa chữ Hán đều có giai đoạn phát triển văn học từ khoảng thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX. Văn học trung đại của Triều Tiên - Hàn Quốc được tính từ thời Cao Ly/Koryo cho đến cuối thời Triều Tiên/Choson [thế kỷ X- cuối thế kỷ XIX]; Nhật Bản: Từ thời Nara đến Minh Trị duy tân [thế kỷ VIII đến 1867]; Việt Nam: Từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX. Hơn nữa, một số thời điểm lịch sử của các nước Đông Á cũng có sự gặp gỡ: Các nước đều bị quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỉ XIII và kết thúc trước cuộc xâm lăng của phương Tây giữa thế kỷ XIX. Do điều kiện lịch sử xã hội có nhiều điểm tương đồng nên văn học Đông Á có những điểm chung tạo nên tiền đề phát triển của thơ ca, đặc biệt là mảng thơ viết về đề tài thôn quê.

Cũng như các nước khác trong khu vực Đông Á, văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng và chi phối của tư tưởng văn học Trung Hoa: “Cũng như văn học Nhật Bản và Triều Tiên, đây là một nền văn học nằm trong khu vực văn hóa Hán, trong đó văn học Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên đóng vai trò ngoại vi mà tâm điểm để chúng soi ngắm là văn học Trung Hoa” [1]. Trên cơ sở đó, mỗi nền văn học sẽ “soi ngắm” theo nhãn quan thẩm mĩ riêng, vừa tiếp thu bên ngoài vừa phát huy tinh thần dân tộc. Vì vậy, quan niệm thẩm mĩ của văn học trung đại Việt Nam cũng như các nước “ngoại vi” khác, vừa ảnh hưởng của văn học Trung Hoa, vừa thấm đẫm tinh thần dân tộc và mang yếu tố thời đại.

Bên cạnh đó, lực lượng sáng tác thơ trung đại chủ yếu là tầng lớp trí thức phong kiến, bao gồm vua quan, tăng lữ, nho sĩ, thiên hoàng... Một mặt, các thi nhân quen với lối sáng tác theo phong cách văn học chính thống, văn học hướng thượng, nhưng mặt khác ngòi bút của họ vẫn luôn hướng về mảng hiện thực thôn quê, với những cảnh quê, tình quê thật gần gũi. Đây là xu hướng văn học phát triển theo tinh thần dân tộc hóa văn học, khơi mở một dòng chảy cảm xúc trữ tình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, trong đó có mảng thơ viết về thôn quê. Hơn nữa, do đặc thù của nhà nho trung đại Việt Nam vốn đề cao gốc tích, dòng họ, tổ tiên nên ngòi bút luôn hướng về với làng quê biết bao gắn bó. Do đó: “So với các nước trong khu vực, nhà nho Việt Nam thiên về tính chất nông dân nhiều nhất, trong khi đó nhà nho ở Trung Quốc, người võ sĩ ở Nhật Bản có tính chất thương nhân, thị dân đậm nét hơn. Điều này cũng phản ánh rõ nét trong thơ văn mỗi nước” [2]. Thời trung đại, nhắc đến đặc sắc dân tộc thường gắn liền với nền nông nghiệp, những “yếu tố dung dị thay thế yếu tố xa hoa” [3]. Những vẻ đẹp thôn quê là đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc, ngay cả khi đất nước bị xâm lăng thì những yếu tố ngoại lai cũng không thể thay thế được những nét đẹp đã tồn tại hàng ngàn năm trước đó. Các thi nhân dù xuất thân ở tầng lớp nào cũng đều hướng ngòi bút khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và tâm hồn dân tộc qua những hình ảnh giản dị, dân dã nơi thôn quê. Đó cũng chính là lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của thơ ca trung đại của các dân tộc thời kì này: “Thi học của phương Đông, cụ thể là thi học của Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ và Nhật Bản đã cho thấy: thơ ca của mỗi nước đều bị quy định bởi không gian và thời gian mà nó xuất hiện” [4].

Như vậy, dù không phải là đề tài chính thống của văn chương nhà Nho nhưng đề tài về thôn quê đã có quá trình hình thành và phát triển trong tiến trình trung đại của mỗi dân tộc. Đó chính là bản sắc tạo nên sự đa dạng về văn hóa, mang tinh thần dân tộc hóa, dân chủ hóa của văn học.

2. Bức tranh thiên nhiên thôn quê phong phú, đa sắc màu

Văn hóa phương Đông coi thiên nhiên là một đối tượng thẩm mĩ quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Bởi đây là một trong ba yếu tố Thiên - Địa - Nhân tạo nên sự tồn tại hợp nhất trong vũ trụ. Các thi nhân tìm thấy sự bình yên, chia sẻ giữa thiên nhiên, coi thiên nhiên là bầu bạn để tỏ bày cảm xúc. Thiên nhiên luôn là chuẩn mực để thi nhân diễn tả vẻ đẹp ngoại hình cũng như vẻ đẹp nội tâm của con người. Con người trung đại gắn liền với đời sống nông nghiệp, với những hiện tượng thiên nhiên và cảnh quan thiên nhiên, và “tùy theo cảnh quan thiên nhiên ở từng đất nước, từng vùng miền mà hình tượng thiên nhiên nào được nhấn mạnh, xuất hiện với tần số cao trong thơ văn” [5]. Thiên nhiên trở thành cảnh giới nghệ thuật cao nhất trong cõi nhân sinh.

Thơ thiên nhiên là thơ viết về toàn bộ thế giới tự nhiên như đất trời, mây gió, cỏ cây, chim muông, hoa lá... và còn bao gồm cả những cảnh vật có bàn tay kiến tạo của con người như chùa chiền, thắng cảnh. Tất cả cảnh vật thiên nhiên đều có mối quan hệ tương giao với con người, là nguồn mĩ cảm vô tận của thi nhân mọi thời đại. Văn học phương Đông thường coi thiên nhiên trong sự hòa đồng, gắn bó. Hình ảnh núi, sông, thiên nhiên luôn liền kề, quấn quýt trong không gian cư trú của người trung đại. Trong mọi hoạt động sống của con người, khi cần những phong cảnh đẹp để thưởng ngoạn và gửi gắm tâm tình thì thiên nhiên là nơi để ẩn giấu, bao bọc che chở, kí thác tâm tình, là nơi hòa điệu với thế giới nội tâm của con người. Các tư tưởng tôn giáo đều đề cập và đề cao thiên nhiên. Ở mỗi dân tộc, mỗi thời kì, thiên nhiên mang giá trị thẩm mỹ khác nhau.

Là vùng lãnh thổ tiếp giáp Trung Quốc và nằm ở khu vực Đông Bắc Á, Triều Tiên - Hàn Quốc là nước cũng ảnh hưởng cái nôi văn hóa Trung Hoa. Thơ ca của vùng văn hóa này phần lớn thiên về biểu lộ các cung bậc cảm xúc của con người. Nhưng dù là nỗi nhớ, nỗi buồn hay niềm hứng khởi... thì các thi nhân vẫn phải mượn thiên nhiên làm bức tranh tâm cảnh. Những vần thơ thời điệu ra đời vào cuối thời Koryo cũng đã minh chứng cho sự xuất hiện của thiên nhiên với những vẻ đẹp đặc sắc riêng biệt. Những bài thơ ngắn của thơ thời điệu có khả năng phác họa thiên nhiên độc đáo:

Lê hoa, nguyệt bạch với ngân hà

Xuân về chim đỗ quyên ca hát

Bệnh đa tình giấc ngủ không yên

[Lee Cho Nyon - Lý Triệu Niên]

Chỉ ba câu thơ ngắn, nhưng thi nhân đã phác họa bức tranh phong cảnh mùa xuân bằng cả âm thanh của tiếng chim và hình ảnh của hoa lê khởi sắc. Các gam màu, đường nét hài hòa trong sắc sáng khi xuân sang.

Những vần thơ thời điệu đưa người đọc hòa mình vào một không gian khác lạ, không phải là thiên nhiên sinh động giản dị của đất Việt, cũng không phải là thiên nhiên hư tĩnh đậm màu thiền của Nhật Bản mà là sự hòa trộn kì diệu giữa tình - cảnh của xứ Koryo. Trong bài “Mây trắng suối xanh” của tác giả Chon Taek [Kim Thiên Trạch] ở thế kỉ XVIII viết về mùa thu ở khu vực Đông Bắc Á lại có nét đặc sắc riêng:

Mây trắng, suối xanh quanh thung lũng

Đan phong hơn cả sắc xuân thì

Thiên không ban tặng ta cảnh ấy

Như vậy: “Nhà thơ cho rằng hình ảnh ngọn núi mùa thu rực rỡ sắc màu của lá phong ấy là do ông trời đã trang trí dành riêng cho chính nhà thơ. Điều này cho thấy nhà thơ đã hòa mình vào tự nhiên, tự nhiên và tâm trạng của nhà thơ đã hòa nhập làm một” [6]. Thi nhân đã “miêu tả cảnh đẹp của lá phong vào mùa thu và ông cho rằng cảnh lá phong mùa thu đẹp hơn cảnh hoa nở mùa xuân” [7]. Cũng là sắc thu quen thuộc của thơ ca cổ phương Đông, nhưng ở bài thơ này chúng ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp riêng biệt, đặc sắc của vùng đất Koryo.

Với Nhật Bản, thơ ca phát triển phong phú, đa dạng và có nhiều thành tựu rực rỡ nhưng có cùng điểm chung là tính bình dị, mộc mạc mang nguyên lý thẩm mĩ Wabi. Nguyên lý này cho rằng cái đẹp chính là sự đơn sơ và thanh tịnh. Cả sự thô sơ cũng chứa đựng một nhiệm màu không ngờ. Từ những vần thơ renga đến thơ Haikư đều vọng lên âm hưởng thanh bình, yên ả của xứ sở Phù Tang. Các thi nhân Nhật Bản coi thiên nhiên là đối tượng thẩm mĩ của văn học: “Miêu tả quang cảnh miền núi vào mùa xuân sớm với sương mù, hương hoa mơ và bờ sông Minasi; sau đó chuyển sang mùa thu với trăng khuya và một buổi tàn thu trên đồng” [8].

Hình ảnh hoa anh đào được thể hiện rất phong phú trong thơ trung đại Nhật Bản, đó là biểu tượng của tâm hồn và niềm tự hào của người Nhật. Nếu như các thi nhân Việt đề cao hoa sen và hoa mai thì các thi nhân Nhật nâng niu, trân trọng hoa anh đào, bởi đó là biểu trưng cho sự cao khiết:

Lặng lẽ âm thầm trên núi vắng

Anh đào một nhánh với mình ta

Bỗng dưng đất trời như chợt lặng

Bạn cố tri âm này đây- ta và hoa

[Bài 66- Tiền chánh đại sư Gyouson]

Đến năm 1205, xuất hiện một kiệt tác thơ ca mới là Tân cổ kim tập [Shinkokinshu] có 1979 bài thơ mang tinh thần u huyền [Yugen] nhuốm màu sắc tâm linh nhưng vẫn thể hiện vẻ đẹp dung dị của thôn quê thanh bình. Đặc biệt, thể thơ Liên ca [Renga] ra đời từ 1356 với những bài thơ ngắn mà sâu sắc, tinh tế về một làng quê Minase nằm giữa Kyoto và Osaka. Tập thơ dài 250 câu và là sự liên hợp tài hoa của ba thi sĩ là Sogi, Shohaku và Socho:

Vẫn còn lại tuyết

Lưng núi sương mù

Một chiều mùa xuân

Sogi

Xa xa dòng nước

Qua làng mơ thơm

Shohaku

Gió từ sông đến

Liễu xanh một hàng

Chào xuân

Socho

Một quang cảnh miền núi vào mùa xuân sớm với sương mù, hoa mơ, liễu xanh và bờ sông Minase, cảnh vật thanh tĩnh êm đềm trong nền tuyết trắng tinh khiết. Cũng viết về sự thay đổi của các mùa trong năm, nhưng mỗi một dân tộc có biểu hiện của các mùa đều có nét đặc trưng riêng. Đặc biệt, với tập nhật kí thơ ca là Oino Kobun [ghi chép trên chiếc túi hành hương - 1688] và Sarashina Kiko [Nhật kí về thôn Sarashina -1688] thì Matsuo Basho đã thể hiện bức tranh thôn quê thơ mộng và giản dị. Tùy Vĩ Ba Tiêu đã “ca ngợi thiên nhiên vô cùng nồng nàn, là lời kêu gọi say đắm trở về với thiên nhiên” [9]. Basho [Ba Tiêu: Cây chuối] là nhà thơ sống trong một căn lều ở vùng Fukagawa do học trò xây và trong vườn có nhiều chuối. Về cuối đời, nhà thơ sống cô tịch: “Người ta nói rằng cánh cửa khép suốt ngày của ông chỉ thỉnh thoảng mở ra khi có một “biến cố” như hoa bìm bìm vừa nở ngoài hàng dậu” [10]. Thiên nhiên trong thơ Basho giản dị mang vẻ đẹp của cuộc sống đời thường dân dã:

Mái lều im

Một con chim gõ kiến

Gõ ngoài trụ hiên.

Thiên nhiên thôn quê Việt Nam vừa có những nét chung của thiên nhiên khu vực Đông Á nhưng cũng có những đặc sắc riêng biệt. Những tác giả tiêu biểu của văn học trung đại đồng thời là những tác giả viết về thiên nhiên một cách tinh tế và giàu giá trị nghệ thuật. Thiên nhiên thôn quê trong thơ trung đại vừa mang vẻ đẹp bình dị dân dã nhưng đồng thời mang vẻ đẹp tao nhã mĩ lệ. Những sáng tác chữ Hán và chữ Nôm của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và các thi nhân Hồng Đức, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Khuyến... là những bức họa đồng quê bình dị, dân dã mà nên thơ trữ tình.

Hình ảnh thiên nhiên của mỗi dân tộc mang nét đặc trưng phù hợp với khí hậu và phong thổ của mỗi vùng. Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi mang dấu ấn đậm đà phong vị Đại Việt thế kỉ XV. Đó là bè rau muống, lảnh mùng, cây núc nác, con cò, con hạc... rất gần gũi, thân thuộc ở nông thôn. Cũng viết về mùa xuân, nhưng không phải là tuyết trắng, lê hoa [Triều Tiên] và anh đào [Nhật Bản] mà là những bông hoa xoan nhỏ li ti trong mưa bụi cuối xuân:

Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn

Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan

[Cuối xuân tức sự]

Nguyễn Khuyến lại thể hiện đặc sắc vùng đồng quê Bắc Bộ Việt Nam thế kỉ XIX với những hình ảnh gần gũi, quen thuộc. Thi nhân khắc họa làng cảnh Việt Nam với bức tranh tứ thời đa sắc. Người đọc có thể cảm nhận được cảm giác nóng nực của mùa hè, cảm giác lạnh buốt của mùa đông và khí trời trong vắt của mùa thu:

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu

[Thu vịnh]

Mùa xuân được thi nhân cảm nhận từ hình ảnh “Tre giậu ngả chênh chênh, trời nửa mưa, nửa u ám”:

Hà xứ cô hồng thê dã thụ

Vô cùng thúy thảo nhập giang can

[Con chim hồng lẻ loi ở chốn nào về, đậu trên cây ngoài nội

Cỏ xanh mơn mởn ngút mắt, trải tới tận bờ sông]

[Xuân hứng]

Như vậy, thiên nhiên thôn quê là một đề tài quen thuộc trong thơ trung đại ở các nước ảnh hưởng nền văn học chữ Hán. Mặc dù thơ ca trung đại chịu ảnh hưởng quan niệm sáng tác nho giáo nhưng các thi nhân đã có những nét phác họa sơ khai về hình ảnh thôn quê. Thiên nhiên thôn quê được phản ánh ở các giai đoạn khác nhau, ở các vùng miền khác nhau và bằng nhiều thể thơ khác nhau với những nét đặc trưng riêng biệt. Điểm gặp gỡ ở những vần thơ đó là tình yêu quê hương và lòng tự hào dân tộc của các thi nhân trung đại. Bức tranh thiên nhiên thôn quê phong phú, đa sắc màu đã phần nào phác họa được cảnh trí và con người của mỗi nước khu vực Đông Á.

3. Cuộc sống thôn quê gắn liền với văn hóa, phong tục tập quán giàu tính dân tộc

Không gian thi ca của mỗi dân tộc có nét độc đáo riêng, cùng viết về đề tài thôn quê, nhưng hình ảnh thôn quê mỗi dân tộc lại mang bản sắc văn hóa riêng. Nền văn học quá khứ đã đem đến cho thế hệ hậu sinh những hiểu biết về văn hóa và con người qua những vần thơ mộc mạc, dân dã. Theo quan điểm của giai cấp phong kiến: “Khi viết về cuộc sống xã hội, mà trước hết là cuộc sống của nông dân, tác giả văn học trung đại thường đánh giá, phán xét về chính sự của thời đại. Ở một nước nông nghiệp như nước ta thời xưa, nói đến nhân dân thì cũng chủ yếu nhằm vào cuộc sống nông thôn bao gồm những sinh hoạt, lao động của nông dân” [11].

Chúng ta thấy được sự gần gũi với thôn quê xứ sở Phù Tang, cảnh vật và con người cùng hô ứng tạo nên một không gian yên tĩnh, thanh bình:

Quanh chiếc cối xay

Trên mình cúc trắng

Chút bụi cám bay

Trong lều ngư dân

Giữa đám tôm cá

Có con dế mèn

Áo bông tôi cởi

Quẩy lên vai trần

Mùa thay áo đổi.

Những hình ảnh được nhắc đến trong bài thơ thể hiện sắc thái hồn nhiên của thiên nhiên trộn lẫn sinh hoạt hàng ngày. Thơ Haiku mang trạng thái Wanbi [đà] “là cái đơn sơ bình thường mà ta bắt gặp ở những sự vật khiêm tốn nhất và dường như nghèo nàn nhất” [12. Những vần thơ về nơi thôn quê thanh bình đã cho chúng ta thấy được vẻ đẹp của con người và phong cảnh hữu tình của một xứ sở, một dân tộc. Đặc biệt, những vần thơ viết về thôn dã đã đem lại nét đặc sắc văn hóa riêng của tâm hồn người Nhật: “cái đẹp chính là sự đơn sơ và thanh tịnh” [13].

Cuộc sống lao động cần mẫn thanh bình hiện lên trong sương sớm:

Ban mai mờ sáng

Sương tan từng quãng

Đó đây những lờ cá sáng

Thấp thoáng hiện dần trên sông Uji

[Bài 64- Quyền phó nội các Sadayori]

Vượt qua những sáo mòn của công thức điển phạm Trung Hoa, các thi nhân Nhật Bản đã đưa những hình ảnh đời thường dung dị, mộc mạc vào trong thơ. Những hình ảnh đó đã trở thành nét đặc sắc văn hóa riêng của xứ Phù Tang.

Trên nền bức tranh thôn quê Việt Nam, không chỉ có thiên nhiên đa sắc mà còn xuất hiện người dân quê với tất cả đời sống lao động và đời sống tinh thần phong phú. Những hình ảnh quen thuộc của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường gắn với cuộc sống của “lão nông tri điền” cùng các thú vui tao nhã xuất hiện ở cả mảng thơ chữ Hán và chữ Nôm. Tuy nhiên, cuộc sống thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam chỉ được thể hiện một cách đầy đủ và sinh động nhất ở giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX. Trong đó, Nguyễn Khuyến là nhà thơ đã gắn bó gần suốt cuộc đời mình nơi thôn dã và là người am hiểu cuộc sống lao động, phong tục tập quán cũng như đời sống tinh thần phong phú của người dân quê. Ngày lên lão, ngày mừng thọ, Tết trung thu hay không khí đón mừng xuân gợi lên nét văn hóa truyền thống đầm ấm, quen thuộc của thôn quê:

Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng

Ngoài cửa bi bô rủ chung thịt

[Cảnh tết]

Hình ảnh phiên chợ cuối năm ở các làng quê là nét văn hóa độc đáo của văn hóa Việt, đây là nơi người dân quê tụ họp trong không khí quây quần ấm cúng ở gốc đa hay đình làng:

Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng

Năm nay chợ họp có đông không?

Dở trời mưa bụi còn hơn rét,

Nếm rượu tường đình được mấy ông?

[Chợ Đồng]

Với những vần thơ viết về thôn quê, thơ trung đại các nước trong khu vực văn hóa chữ Hán đã tạo nên một nền thơ ca đậm đà phong vị dân tộc và mang bản sắc riêng độc đáo. Bức tranh thiên nhiên thôn quê và cuộc sống của người dân quê được phác họa bằng đường nét và sắc màu thanh đạm, giản dị mà chân thực, gần gũi. Điều đó cho thấy tinh thần dân tộc cũng như lòng yêu quê hương xứ sở của các thi nhân. Thơ trung đại viết về thôn quê cũng minh chứng cho xu hướng phát triển chung của văn học theo hướng dân tộc hóa và hiện thực hóa thể loại, làm giàu thêm giá trị nhân văn cho văn học.

_________

Chú thích

[1] Nguyễn Huệ Chi: Văn học cổ cận đại Việt Nam - Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, Nxb GD VN, H, 2013, tr.997.

[2] Đoàn Lê Giang: “Văn học trung đại Việt Nam trong bối cảnh văn học Đông Á”, Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX, Trần Ngọc Vương chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.233.

[3], [8], [9], [10], [12], [13] Nhật Chiêu: Văn học Nhật Bản - Từ khởi thủy đến 1868, Tái bản lần thứ 5, Nxb GD VN, 2010, tr.147, 161, 265, 267, 273, 148.

[4] Nguyễn Hữu Sơn - tuyển chọn và giới thiệu: Nguyễn Trãi về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, 2007, tr.531.

[5], [11] Trần Nho Thìn: Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, 2009, tr.29, 130.

Chủ Đề