Đề cương ôn tập là gì

Công tác xây dựng đề cương ôn tập, tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng kì thi TN THPT năm 2021

CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP, TỔ CHỨC DẠY HỌC NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KÌ THI TN THPT NĂM 2021

I. PHẦN MỞ ĐẦU

Việc xây dựng đề cương ôn tập là một việc làm quá quen thuộc đối với mọi giáo viên đứng lớp trong đó có giáo viên dạy môn Lịch sử. Tuy nhiên lâu nay chúng ta chỉ quen với hình thức xây dựng đề cương theo hướng tự luận. Năm học 2020-2021 Bộ giáo dục và đào tạo quyết định tiếp tục đổi mới trong thi cử đó là hình thức thi trắc nghiệm với nội dung chương trình lớp 11 và 12. Đây là một sự thay đổi lớn gây khó khăn không nhỏ đối với thầy và trò.

Hiện nay, các em học sinh THPT phải đối mặt với lượng kiến thức quá lớn cần được tiếp thu để phục vụ cho kỳ thi TN THPT, nên đôi lúc làm cho các em cảm thấy bị áp lực trong học tập. Đặc biệt, trong tình trạng đổi mới phương thức thi như hiện nay càng làm các em thêm lúng túng. Bên cạnh đó, việc ôm đồm kiến thức của một số giáo viên đã gây cho không khí học tập và thi cử trở nên nặng nề từ đó dẫn đến chất lượng và hiệu quả không cao.Vì vậy, công tác xây dựng đề cương ôn tập cho phù hợp là một vấn đề hết sức cấp thiết và quan trọng.

Từ những hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân, tôi muốn trình bày một cách tổng hợp và khái quát nhất về một số vấn đề liên quan đến đề cương ôn tập, tiến trình để xây dựng một đề cương ôn tập chất lượng nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi TN THPT năm 2021.

II. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH

1. Thuận lợi:

+ Giồng Riềng là một huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông trồng lúa, đa số học sinh ở đây đều rất ngoan hiền chăm chỉ, siêng năng cần cù trong học tập và lễ phép với thầy cô giáo.

+ Được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo Sở GD & ĐT, sự quan tâm đến chất lượng ngay từ đầu năm học của BGH và các bộ phận chuyên môn của nhà trường.

+ Sự chỉ đạo của tổ chuyên môn tạo điều kiện cho giáo viên an tâm trong việc đổi mới thi cử của Bộ giáo dục và đào tạo

+ Được sự quan tâm của Hội đồng Bộ môn Lịch sử của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên dạy 12 giao lưu học hỏi kinh nghiệm tìm ra phương pháp dạy học tích cực góp phần nâng cao chất lượng Bộ môn và đảm bảo với việc đổi mới tình hình thi cử hiện nay.

+ Đội ngũ giáo viên phụ trách dạy lớp 12 có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, tận tâm với học sinh và có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy.

+ Đa số học sinh yêu thích môn học, nhiệt tình trong học tập, sẵn sàng hợp tác cùng với giáo viên hoàn thành tốt nội dung ôn tập.

2. Khó khăn:

* Đối với giáo viên:

+ Dung lượng kiến thức quá rộng hơn nữa đây là lần đầu tiên thay đổi hình thức thi đối với bộ môn từ tự luận sang trắc nghiệm nên ảnh hưởng không nhỏ trong việc biên soạn đề cương và tổ chức ôn tập của giáo viên.

+ Năng lực học sinh không đồng đều, đa phần học sinh đều là con em nông dân, nên gặp khó khăn trong việc xây dựng đề cương ôn tập và tổ chức ôn tập.

+ Thư viện chưa có nhiều đầu sách tham khảo để phục vụ cho giáo viên và học sinh nhất là tài liệu trắc nghiệm.

+ Đề thi phân hóa cao, nội dung kiến thức rộng nên học sinh vùng sâu khó đạt điểm cao

* Đối với học sinh:

+ Học sinh phải thi với quá nhiều môn học ít nhất 6 môn thi với 4 bài thi bắt buộc.

+ Học sinh đa số ở nông thôn nên chưa đặt nhiệm vụ học tập lên hàng đầu mà còn dành thời gian phụ giúp gia đình.

+ Đa số học sinh chưa có ý thức tự học còn phụ thuộc vào giáo viên. Ít chịu khó làm bài tập ở nhà.

+ Một số học sinh ngại làm việc theo nhóm trong quá trình ôn tập

+ Kỹ năng nhận thức về Lịch sử của các em còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc giải bài tập trắc nghiệm, làm mất nhiều thời gian.

III. KHÁI QUÁT VỀ ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP

1. Mục đíchyêu cầu của đề cương ôn tập

- Mục đích

Đề cương ôn tập là hệ thống các kiến thức trọng tâm và bài tập vận dụng được biên tập một cách logic và khoa học thành một tập tài liệu.

Đối với học sinh, đề cương ôn tập giúp các em học sinh có cái nhìn tổng quát về những gì mình đã học, từ đó có phương pháp học tập và phân bố thời gian ôn tập một cách hợp lí hơn. Bên cạnh đó, đề cương ôn tập cũng là một quyển bài tập bám sát chương trình ôn thi, giúp các em rèn luyện và ôn tập một cách hiệu quả.

Đối với giáo viên, đề cương ôn tập giúp giáo viên khái quát được nội dung ôn tập và nâng cao được hiệu quả ôn tập cho học sinh, tránh được tình trạng ôn tập cục bộ hoặc tràn lan. Đồng thời quá trình xây dựng đề cương ôn tập giúp cho giáo viên có thêm cơ hội tư duy, nghiên cứu nhằm nâng cao chuyên môn của mình.

- Yêu cầu

Một đề cương ôn tập chất lượng phải đảm bảo một số yêu cầu sau đây:

+ Cung cấp đầy đủ và chính xác các nội dung kiến thức đáp ứng mục tiêu của đề cương đề ra

+ Đảm bảo cấu trúc cơ bản của một đề cương ôn tập;

+ Đảm bảo tính phân hóa của bài tập, đầy đủ các mức độ nhận thức;

+ Có phần bài tập [kèm đáp án] để học sinh có thể tự rèn luyện;

+ Hình thức của đề cương cần thu hút và dễ nhìn.

2. Một số dạng đề cương ôn tập thường gặp

Đề cương ôn tập thường có hai dạng cơ bản:

+ Đề cương ôn tập tổng quát: thường sử dụng để ôn tập lý thuyết cho học sinh, bao gồm hệ thống các câu hỏi được phân chia theo các bài học, có bố cục đơn giản và ngắn gọn.

+ Đề cương ôn tập chi tiết: là dạng đề cương được sử dụng khá phổ biến hiện nay, thường dùng để rèn luyện bài tập cho học sinh, bao gồm hệ thống các bài tập trắc nghiệm theo bài học hoặc theo chủ đề, được bố cục tương đối phức tạp và dung lượng lớn hơn so với đề cương ôn tập tổng quát.

3. Cấu trúc của một đề cương ôn tập

Thông thường một đề cương ôn tập chất lượng cần có 2 phần chính:

a. Bố cục tổng quát của đề cương

Có thể xem đây là mục lục của đề cương, chi tiết đến từng dạng trong từng chuyên đề [chủ đề, bài học], thống kê số câu hỏi trắc nghiệm và bài tập theo từng dạng, nhằm giúp cho học sinh có cái nhìn tổng quát về nội dung của đề cương, giúp giáo viên phân bố thời gian và tổ chức dạy học một cách dễ dàng.

b. Nội dung của từng chủ đề kiến thức

Mỗi chủ đề kiến thức trong đề cương bao gồm các nội dung:

+ Các kiến thức được vận dụng trong mỗi chủ đề;

+ Các dạng bài tập vận dụng ứng với từng chủ đề, được phân hóa từ dễ đến khó, sẽ được giải thích và sửa bài trên lớp.

+ Các bài tập tự rèn luyện [kèm theo đáp án] để học sinh tự ôn tập ở nhà, giúp các em khắc sâu kiến thức được học trên lớp.

4. Tiến trình xây dựng đề cương ôn tập chất lượng

a. Xác định mục tiêu của đề cương

Việc xác định mục tiêu của đề cương là bước làm đầu tiên và cũng rất quan trọng. Bởi vì khi xác định được mục tiêu của đề cương thì giáo viên mới có thể chọn lọc các chủ đề kiến thức và biên soạn hệ thống câu hỏi trắc nghiệm phù hợp được.

Mục tiêu của đề cương được xác định bằng cách trả lời các câu hỏi:

+ Đề cương nhằm ôn tập nội dung gì?

Trả lời câu hỏi này, giáo viên sẽ biết được mục tiêu về kiến thức của đề cương. Từ đó lựa chọn nội dung kiến thức cho phù hợp.

+ Đề cương dành cho đối tượng học sinh nào?

Trả lời câu hỏi này, giáo viên sẽ biết được mục tiêu về mức độ câu hỏi, để lựa chọn câu hỏi phù hợp với năng lực của học sinh, hạn chế sự chênh lệch về năng lực của học sinh và mức độ câu hỏi, từ đó tránh được sự nhàm chám cho học sinh.

+ Đề cương sử dụng trong thời gian bao lâu?

Trả lời câu hỏi này, giáo viên sẽ biết được mục tiêu về số lượng câu hỏi trong đề cương, để chọn lựa đưa vào đề cương số lượng câu hỏi phù hợp với thời lượng tổ chức ôn tập của giáo viên và học sinh.

b. Thu thập và biên soạn các tài liệu để viết đề cương

Hiện nay, có rất nhiều các tài liệu hay và đa dạng được chia sẻ miễn phí trên internet, đây là nguồn tư liệu khá hữu hiệu để các thầy cô biên tập và hiệu chỉnh lại cho phù hợp với mục tiêu đề cương của mình.

Trong quá trình thu thập và biên soạn các tài liệu, giáo viên nên lưu các chủ đề thành từng file với tên tương ứng, việc này sẽ giúp cho giáo viên dễ dàng hơn trong công tác tổng hợp các chuyên đề thành đề cương hoàn chỉnh.

5. Biên tập đề cương

- Sau khi phân dạng và lựa chọn các đơn vị kiến thức phù hợp đưa vào đề cương, giáo viên nên sắp xếp các nội dung theo một cấu trúc thống nhất với tất cả các dạng.

Để đạt được hiệu quả tối ưu của đề cương, giáo viên nên bố cục các nội dung theo thứ tự như sau:

+ Thứ nhất, bảng thống kê đầy đủ tên các chuyên đề kiến thức và các dạng bài bài tập tương ứng, được gọi là đề cương tổng quát. Phần này thường được biên tập như một phân phối chương trình tổng thể, nhằm mục đích giúp cho người dạy và học sinh có cái nhìn khái quát về nội dung của đề cương, cũng như dễ dàng trong việc tra cứu từng chuyên đề, dạng bài khi cần thiết.

+ Thứ hai, tóm tắt kiến thức có liên quan ứng với mỗi chuyên đề hoặc bài học. Nội dung này nên cô đọng, dễ nhìn và dễ ghi nhớ.

+ Thứ ba, bài tập vận dụng cho từng chuyên đề, bài học bao gồm một số bài tập tự luận tổng quát và các câu hỏi trắc nghiệm được phân hóa từ dễ đến khó, đề cương đảm bảo tính phân loại theo từng đối tượng học sinh, không nên dễ quá cũng không nên khó quá, cần đảm bảo theo các mức độ nhận biết ,thông hiểu và vận dụng. Phần này sẽ được giáo viên hướng dẫn sửa trong lớp học trong các buổi ôn tập.

+ Thứ tư, bài tập tự rèn luyện, nhằm giúp học sinh củng cố lại kiến thức và kỹ năng đã được học, giúp các em khắc sâu và ghi nhớ kiến thức. Phần này nên kèm theo đáp án ở cuối, để học sinh có thể tự kiểm tra kết quả của mình.

+Thứ năm, giáo viên nên giao bài tập cho học sinh về nhà nhằm phát huy tính tự học và tìm tòi của học sinh.

IV. PHẦN KẾT LUẬN

Sau quá trình tìm tòi và trải nghiệm, về cơ bản tôi đã hoàn thành bài tham luận Công tác xây dựng đề cương ôn tập nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi TN THPT.

Bài tham luận đã góp phần giúp giáo viên có cái nhìn dễ dàng, bao quát hơn khi biên tập đề cương ôn luyện thi cho học sinh. Qua đó giáo viên có thể tham khảo phục vụ công tác chuyên môn, giúp học sinh cơ bản ôn tập một các hiệu quả, nâng cao được thành tích của học sinh, từ đó giúp các em có thêm tự tin với nền tảng kiến thức tốt bước vào kỳ thi TN THPT.

Tuy nhiên do kinh nghiệm trong giảng dạy chưa nhiều, hơn nữa đây là năm đầu tiên áp dụng chương trình thi mới, nên trong quá trình hoàn thành tham luận chắc hẳn còn nhiều thiếu sót.

Kính mong quí thầy cô chân thành góp ý để hoàn thiện chuyên đề, vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng kỳ thi TN THPT.

Video liên quan

Chủ Đề