Dạy tiếng việt lớp 1 theo chương trình công nghệ

Chương trình dạy tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục [TV1-CNGD] được Sở GD và ĐT triển khai thí điểm từ năm học 2013-2014 tại 100% trường tiểu học trong tỉnh. Mặc dù thời gian đầu khi mới đưa vào giảng dạy còn vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn cũng như lo lắng từ phía phụ huynh học sinh song với sự nỗ lực của toàn ngành, việc dạy môn tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ mới đến nay đã đi vào nền nếp và đem lại kết quả tốt.

Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Thịnh [Mỹ Lộc] trong một giờ học tiếng Việt lớp 1 - công nghệ giáo dục.

Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học [Sở GD và ĐT] cho biết: “Cùng với 42 tỉnh, thành phố trên cả nước, chương trình TV1-CNGD đã từng được dạy thí điểm tại một số trường học của tỉnh trước năm 2000 và đến năm học 2012-2013, tiếp tục được triển khai ở 58 trường tiểu học của 4 huyện là Vụ Bản, Nam Trực, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Nhận thấy đây là chương trình ưu việt, giúp học sinh nắm chắc kỹ năng đọc [đọc đúng và đọc tốt, rõ ràng], nghe và viết chính tả tốt hơn so với chương trình hiện hành, năm học 2013-2014, Sở GD và ĐT đã đề xuất với Bộ GD và ĐT cho địa phương tổ chức dạy TV1-CNGD tại tất cả 291 trường tiểu học trong tỉnh với tổng số 957 lớp và 29.983 học sinh. Đến nay sau 5 năm triển khai chương trình, qua đánh giá, học sinh tiếp thu kiến thức một cách vững chắc, nắm vững cấu tạo ngữ âm tiếng Việt, nắm chắc luật chính tả, đọc thông, viết thạo, phát âm tương đối chuẩn, qua thời gian nghỉ hè không quên chữ và hình thành các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tương ứng; chủ động chiếm lĩnh tri thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Hầu như không còn hiện tượng học sinh không biết đọc, nếu có chỉ là những trường hợp học sinh đọc chậm”. Để thực hiện chương trình, 100% số lớp 1 đã được ưu tiên các phòng học tốt nhất, được trang bị bàn ghế đúng quy cách. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các nhà trường lựa chọn giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm để dạy lớp 1. Hầu hết các giáo viên đều có đủ phẩm chất, năng lực, nhanh nhạy trong tiếp nhận những thay đổi về phương pháp giảng dạy để dạy lớp 1. Tất cả cán bộ quản lý cấp phòng, cấp trường và giáo viên trực tiếp đứng lớp, giáo viên dự trữ đều được tập huấn kỹ về nội dung và phương pháp dạy học theo tài liệu TV1-CNGD trước khi bước vào năm học mới. Ngành cũng đã xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán cấp huyện, thành phố và giáo viên cốt cán cấp tỉnh để hỗ trợ các đơn vị gặp khó khăn vướng mắc khi triển khai chương trình. Đồng thời phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ giáo dục tổ chức tập huấn, hỗ trợ cho các đơn vị và tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp huyện, hội thảo rút kinh nghiệm cũng như tổ chức khảo sát chất lượng học sinh khi triển khai thực hiện chương trình. Theo đánh giá, chương trình TV1-CNGD nhằm giúp học sinh phát triển năng lực nhận biết và phân tích cấu trúc ngữ âm tiếng Việt. Chương trình chú ý tới việc tự học thông qua hình thức tự luyện tập của học sinh; chú trọng cách viết chính tả qua việc đưa ra các luật chính tả, giúp học sinh phân biệt các hiện tượng chính tả thông qua các từ và cụm từ. Nội dung ngữ liệu phong phú, đa dạng và phù hợp, có tác dụng phân hóa học sinh, được trình bày rõ ràng trong sách TV1-CNGD. Tuy nhiên, thời gian đầu khi đưa vào triển khai, hầu hết các giáo viên đều rất lúng túng vì chương trình rất mới. Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng về kết quả học tập của con em mình trong những tuần đầu năm học. Tuy nhiên, cùng với sự giúp đỡ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, Sở GD và ĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên của tất các các trường, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để rút kinh nghiệm, tháo gỡ từng bước những vướng mắc. Cô giáo Lê Thị Hạnh, Trường Tiểu học Nam Đồng [Nam Trực] cho biết, đây là chương trình hay, với điểm nổi bật là giúp học sinh nắm chắc cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt. Bên cạnh đó các cháu còn được luyện chính tả ngay từ tiết đầu, nắm chắc tri thức cơ bản về tiếng Việt và hình thành đồng thời các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết một cách vững chắc. Các cháu cũng luôn được tham gia các hoạt động học tập một cách chủ động, tự tin; thông qua việc làm, các thao tác học, học sinh tự tìm ra và chiếm lĩnh tri thức, được phát huy khả năng tư duy và năng lực tối ưu của mình. Đồng thời quá trình dạy học theo phương pháp CNGD không chỉ giúp giáo viên nâng cao trình độ và năng lực nghiệp vụ sư phạm mà cách tổ chức dạy học theo quy trình công nghệ giúp giáo viên đổi mới phương pháp một cách triệt để. Còn chị Minh Hồng có con học tại Trường Tiểu học Chu Văn An [TP Nam Định] chia sẻ: Lúc đầu tôi rất lo vì thấy cháu đọc không đúng theo cách học trước kia, vì các chữ cái C, K, Q đều đọc là “cờ” trong khi cách đánh vần cũng khác trước. Nhưng khi bước vào năm học mới, cháu vẫn đọc tốt, viết chính tả chính xác, tôi rất yên tâm. Chương trình mới còn hay ở chỗ phụ huynh không cần phải dạy kèm con ở nhà. Cũng theo nhiều phụ huynh có con vào học lớp 1, thực sự ban đầu chương trình TV1-CNGD hơi phức tạp và khó đối với các em. Hơn nữa, trong quá trình đồng hành cùng các con học, các bậc phụ huynh thường dạy theo phương pháp truyền thống, cách phát âm theo CNGD lại khác nhiều so với trước, nên không có sự đồng nhất, dẫn đến nhiều phụ huynh lo lắng và mong muốn cho con được học theo chương trình cũ. Nhưng theo nhiều phụ huynh đã có con học xong lớp 1, thì hiệu quả của chương trình CNGD này là khá rõ: Học sinh viết đẹp, viết nhanh, đọc lưu loát hơn. Cùng với đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên còn hướng dẫn các em tham gia một số hoạt động như vỗ tay theo tiếng, vẽ hình theo tiếng, tạo cho các em sự hứng thú, thoải mái và tự tin, mạnh dạn trong quá trình học tập và vui chơi.

Theo đánh giá của Sở GD và ĐT, việc triển khai chương trình TV1-CNGD đến nay đã được 5 năm học và đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, giáo viên và các trường tiểu học trong tỉnh. Cho dù phải thay đổi nhưng giáo viên các nhà trường vẫn phấn khởi, quyết tâm thực hiện vì hiệu quả của chương trình được thể hiện rất rõ ở kết quả học tập môn tiếng Việt mà học sinh đạt được theo từng giai đoạn học tập. Học theo tài liệu TV1-CNGD, học sinh thấy thoải mái, học mà chơi, chơi mà học, mạnh dạn và năng động khi tham gia các hoạt động học tập. Tiến trình giờ dạy nhẹ nhàng, dễ thực hiện, học sinh được thực hành các kỹ năng nhiều hơn. Sau một thời gian triển khai chương trình cho thấy, học sinh tiếp thu ngữ âm tiếng Việt nhanh hơn, phát âm chuẩn hơn, đọc, viết chính tả cũng chắc hơn; chất lượng đọc, viết tiếng Việt được nâng cao hơn. trung bình đọc 60 tiếng/1 phút, tốc độ viết trung bình 45 chữ/15phút. Tỷ lệ học sinh hoàn thành môn tiếng Việt tăng cao so với các năm học trước, với trên 99% học sinh hoàn thành tốt môn tiếng Việt. Từ đó tạo tiền đề để các em học tốt các môn học khác, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục.

Bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ của chương trình TV1-CNGD, chương trình cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập: Đây là bộ sách giáo khoa được triển khai ở các tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng lại dùng quá nhiều từ địa phương; nhiều từ láy gây khó với cả người lớn. Nhiều câu thành ngữ, tục ngữ học sinh không hiểu mà chỉ học vẹt. Mặt khác, chương trình yêu cầu học sinh phải viết chính tả ngay từ khi bắt đầu học âm là rất khó khăn. Ở một số vần chưa thống nhất cách viết dẫn tới việc học sinh viết sai chính tả… Với những lớp có số học sinh đông và có học sinh yếu, giáo viên rất vất vả trong quá trình giảng dạy. Để chương trình phát huy hiệu quả và khắc phục những hạn chế, Sở GD và ĐT yêu cầu đội ngũ giáo viên phải bám sát chặt chẽ phương pháp giảng dạy, thực hiện đúng quy trình, có phát hiện, đóng góp những ý kiến để khắc phục, sửa chữa. Các bậc phụ huynh học sinh cần phối hợp với giáo viên và các nhà trường trong việc tổ chức giảng dạy và học tập nhằm phát huy tối đa hiệu quả phương pháp dạy học này trong các trường tiểu học./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

[Ảnh minh họa: PV/Vietnam+]

Bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục dành cho lớp 1 của giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo loại ngay từ vòng một. Theo đó, sách công nghệ giáo dục cũng sẽ bị dừng triển khai ở lớp 1 trong năm học 2020-2021.

Trong khi hội đồng thẩm định cho rằng việc sửa chữa [nếu có] cũng phải mất một năm, sau đó có thể tiếp tục thẩm định lại, thì giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng khẳng định bộ sách của ông đã hoàn thiện và ông sẽ không sửa chữa gì thêm. Điều đó đồng nghĩa với việc sách công nghệ giáo dục có thể sẽ bị dừng hẳn.

Vừa thiếu, vừa quá tải so với chương trình mới?

Chia sẻ thông tin với báo chí, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, việc thẩm định sách giáo khoa có ba mức kết quả: đạt, chưa đạt và không đạt. Các sách chưa đạt sẽ có một tháng để tác giả, nhà xuất bản sửa chữa, sau đó hội đồng sẽ thẩm định vòng hai. Sách giáo khoa không đạt vẫn có cơ hội được thẩm định lại từ đầu, sau khi tác giả, nhà xuất bản sửa chữa theo yêu cầu của chương trình mới.

Hiện Hội đồng đã thẩm định xong vòng một và đang thẩm định vòng hai với một số bản thảo sách giáo khoa. Trong số các bản thảo sách giáo khoa không đạt có sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hội đồng có tính đến kết quả thực nghiệm khi thẩm định vì sách giáo khoa công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại đã và đang được triển khai rộng rãi ở trên 40 tỉnh thành trên cả nước, có nhiều đánh giá tích cực, ông Thái Văn Tài cho biết, theo quy định, hồ sơ thẩm định tất cả các sách đều phải có kết quả thực nghiệm.

[99% trường ở Nghệ An dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 công nghệ]

Giáo sư Trần Đình Sử, thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 cho rằng, nói sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại lâu nay đã được sử dụng và sử dụng tốt thì cũng giống như sách lớp 1 hiện hành. Tuy nhiên, bây giờ, sách phải soạn theo chương trình mới nên sách của thầy Đại và các sách hiện hành đều phải được viết lại theo chương trình mới.

Bộ sách công nghệ giáo dục lớp 1 của giáo sư Hồ Ngọc Đại. [Ảnh: Chinhphu.vn]

“Với tính chất như thế, việc thực hiện và kết quả thực hiện từ lâu nay không phải là lý do để các sách đã sử dụng có thể đưa vào chương trình mới. Ở đây, chúng tôi làm việc theo Thông tư 33 [thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc thẩm định sách giáo khoa – PV], đánh giá sách viết theo nội dung, phương pháp và yêu cầu cần đạt của chương trình mới ban hành năm 2018. So với chương trình đó, những sách nào không đạt yêu cầu về nội dung, phương pháp thì chúng tôi đánh giá là chưa đạt,” giáo sư Trần Đình Sử nói.

Phân tích kỹ hơn, giáo sư Trần Đình Sử cho biết, chương trình mới yêu cầu dạy học sinh lớp 1 theo bốn tiêu chí đọc, viết, nghe, nói. Trong khi đó, sách giáo khoa của giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy âm, chữ, quy tắc chính tả. 

Sách cũng có điểm vượt quá yêu cầu như dạy học sinh lớp 1 kiến thức về ngữ âm tiếng Việt, cấu trúc ngữ âm của từ tiếng Việt, các khái niệm âm đầu, âm đệm, âm cuối, âm đôi. Chương trình mới chỉ yêu cầu học sinh lớp 1 phân biệt chính tả c –k, g- gh, nhưng sách giáo khoa của giáo sư Hồ Ngọc Đại phân biệt chính tả cả về ngữ âm, ngữ nghĩa, vượt lên ở lớp 2, 3, 4. Những điều đó có tính hàn lâm, quá tải.

[Cần Thơ: Nhiều phụ huynh hài lòng với Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục]

Giáo sư Trần Đình Sử cũng cho biết, hội đồng thẩm định có 5 giáo viên đang dạy lớp 1, một trưởng phòng giáo dục, một hiệu trưởng bậc tiểu học. “Họ cho biết để dạy theo công nghệ giáo dục đạt hiệu quả, giáo viên phải dành nhiều giờ khác để khắc phục những điểm yếu của sách. Hàng năm, họ có đề đạt các vấn đề này nhưng đáng tiếc những yêu cầu về khuyết điểm đó thường bị giấu đi nên xã hội không biết được tất cả những nhược điểm của việc thực hiện chương trình này. Thực tế này cần hỏi thêm các giáo viên khác. Chúng tôi chỉ căn cứ vào các tiêu chí của Thông tư 33, căn cứ vào yêu cầu của chương trình mới để thẩm định. Chưa đạt thì chúng tôi kết luận là chưa đạt,” giáo sư Trần Đình Sử nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, giáo sư Mai Ngọc Chừ, thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1, cũng nêu ví dụ, trong các trang sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại đều có các thành ngữ, tục ngữ như “thế chẻ tre”, “bé xé ra to”, “ “củ rủ cù rù”, “vắt chanh bỏ vỏ”...

“Những thành ngữ, tục ngữ ấy dạy cho lớp 1, chúng ta thấy thế nào? Rồi ‘Nam quốc sơn hà’, ‘Bình Ngô đại cáo’... Một bộ sách lớp 1 không thể ôm hết được. Hội đồng ở đây có các giáo sư ngôn ngữ học, các giáo viên dạy trực tiếp lớp 1 nhiều năm nay, các nhà quản lý, không phải ngẫu nhiên mọi người đều bỏ phiếu không đạt. Về đánh giá có nhiều cách tiếp cận, nhưng cái quan trọng nhất chúng tôi căn cứ vào chương trình mới, trong đó có giảm tải nội dung khó, đó là nguyên tắc. Chương trình mới có tính mở để giáo viên sáng tạo trong khi với sách công nghệ thì thầy cô làm việc như một cái máy. Chúng tôi không đồng ý thông qua bộ sách vì nó không bám sát chương trình mới,” giáo sư Mai Ngọc Chừ phân tích.

Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học theo sách giáo khoa mới, chương trình mới. [Ảnh: TTXVN]

Chương trình mới cần có sách mới

Giáo sư Trần Kiều cho rằng, nguyên tắc khi xây dựng chương trình mới là phải có sách mới phù hợp với chương trình mới đó. “Vì thế, thứ nhất, có lẽ không nên so sánh sách giáo khoa hiện hành, trong đó có sách của thầy Đại, khi thẩm định. Thứ hai, việc thẩm định phải áp dụng các tiêu chí mới của chương trình mới, sách phải thể hiện được năng lực cần đạt của chương trình, cách đánh giá của chương trình, phải tạo được cơ hội cho người thầy đổi mới phương pháp, nên không thể chỉ tính chuyện chữ nghĩa,” giáo sư Trần Kiều nói.

“Chương trình mới giáo dục toàn diện chứ không chỉ viết, đánh vần, ví dụ ngữ liệu phải mới, có hướng đến bảo vệ môi trường, bình đẳng giới..., trong khi bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại về cơ bản không có gì mới,” giáo sư Mai Ngọc Chừ chia sẻ.

Cụ thể hơn, Trần Đình Sử cho hay, bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại gửi tới hội đồng thẩm định không sửa gì so với bản hiện hành. “Sách giáo khoa lớp 1 của giáo sư Đại có ba tập thì giáo sư in y như vậy, rồi viết thêm một quyển thứ 4 là Tự học, tạo thành một bộ sách vá víu, cũ, không đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi không thể chấp nhận một sách giáo khoa như vậy để đem cho học sinh học, chúng tôi phải có trách nhiệm với học sinh. Tôi nghĩ giáo sư Hồ Ngọc Đại phải tôn trọng chương trình mới của Bộ, nếu không thì sẽ thành nhiều chương trình, nhiều sách giáo khoa, vi phạm Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về một chương trình, nhiều sách giáo khoa,” giáo sư Trần Đình Sử nói.

[Giấc mơ về một thế hệ tương lai của Giáo sư Hồ Ngọc Đại]

Cũng theo giáo sư Trần Đình Sử, ông rất tôn trọng giáo sư Hồ Ngọc Đại và đánh giá sách của giáo sư Đại dù đã trải qua hơn 40 năm vẫn có những kết quả tốt, những ưu điểm. Tuy nhiên, thẩm định sách thì vẫn phải căn cứ vào chương trình mới.

“Chúng tôi không phủ nhận tư tưởng của anh Đại. Tôi chỉ có lời khuyên anh Đại là nên theo chương trình mới của Bộ để viết lại, vẫn có thể giữ lại những mặt tích cực của anh. Anh Đại là người nghiên cứu rất cụ thể về công nghệ giáo dục, và là nhà tâm lý giáo dục tiểu học hàng đầu. Nhưng nếu anh nói anh không sửa thì tôi cũng không thể nói khác được. Bộ không thể thay đổi chương trình để đi theo anh Đại. Chương trình chỉ có một và là pháp quy, sách giáo khoa phải theo chương trình,” giáo sư Trần Đình Sử phân trần.

Hội đồng đã làm việc công tâm, khách quan

Theo ông Thái Văn Tài, qua vòng một, hội đồng đánh giá rất cao tâm huyết, tinh thần muốn cống hiến cho thế hệ trẻ của các tác giả, các sách đều được viết rất công phu. Hội đồng rất trân trọng nhưng hội đồng làm việc theo tinh thần của Thông tư 33 nên đánh giá khách quan.

“Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào đối với kết quả vòng một. Chúng tôi đánh giá trong giai đoạn vừa qua, hội đồng đã làm việc trách nhiệm, công tâm, tâm huyết với tinh thần tất cả vì sự nghiệp giáo dục, phục vụ công cuộc đổi mới,” ông Tài cho biết./.

Phạm Mai [Vietnam+]

Video liên quan

Chủ Đề