Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch làng bưởi năm 2024

Trong năm 2023, H.Vĩnh Cửu đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến công tác quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch của huyện.

Đoàn khảo sát, tư vấn phát triển du lịch tham quan vườn bưởi tại Làng du lịch sinh thái Tân Triều - Năm Huệ [xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu]. Ảnh: N.LIÊN

Đây là hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết về tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 của Huyện ủy Vĩnh Cửu đề ra.

* Xây dựng sản phẩm du lịch

Với phương châm xây dựng nên những sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, tạo ấn tượng để thu hút khách du lịch, trong năm 2023, H.Vĩnh Cửu đã có nhiều hoạt động kết nối, thuê đơn vị tư vấn và tham khảo các mô hình du lịch tại nhiều địa phương trong cả nước.

Trong năm qua, H.Vĩnh Cửu tham gia các đoàn công tác trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch tại một số địa phương như: Sơn La, Vĩnh Phúc, Trà Vinh để vận dụng, triển khai thực hiện tại Vĩnh Cửu. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Sở VH-TTDL, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch tổ chức khảo sát thực tế tại 7 điểm có tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp tại các xã: Tân Bình, Hiếu Liêm, Mã Đà để xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cho địa phương. Qua khảo sát, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, mô hình du lịch “Làng Văn hóa - du lịch Tân Triều” trên địa bàn xã Tân Bình được đề xuất và chọn triển khai thực hiện.

Theo TS Dương Đức Minh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, Vĩnh Cửu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Dựa trên những tiềm năng sẵn có về thế mạnh sinh thái tự nhiên, nông nghiệp và nhân văn, Vĩnh Cửu có thể khai thác sản phẩm “du lịch đỏ” đặc sắc tại khu vực Nam bộ. Bên cạnh đó, hình thái du lịch cộng đồng cũng là hướng đi độc đáo mà Vĩnh Cửu có thể triển khai ở quần thể canh nông làng bưởi Tân Triều.

* Sắp xếp lại trật tự cho du lịch địa phương

Bên cạnh những nỗ lực phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch địa phương, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành một số điểm đến hấp dẫn, chất lượng, dịch vụ du lịch được nâng lên, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch địa phương. Toàn huyện hiện có 4 điểm du lịch đang được khai thác khá hiệu quả là Du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều Năm Huệ tại xã Tân Bình; Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ở xã Mã Đà với các sản phẩm khám phá rừng xanh thu hút cả khách trong nước và quốc tế; Homestay Bà Đất và điểm du lịch sinh thái Colorland được đánh giá cao về chất lượng phục vụ du khách.

Theo thống kê của UBND H.Vĩnh Cửu, trong năm 2023, Vĩnh Cửu thu hút trên 135 ngàn lượt khách du lịch đến tham quan, lưu trú trên địa bàn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch cho địa phương nhưng H.Vĩnh Cửu vẫn thường xuyên kiểm tra, giám sát các dự án, sản phẩm du lịch. Đáng chú ý, trong năm qua, thực trạng du lịch tự phát nở rộ tại khu vực ven hồ Trị An đã tạo dư luận không hay, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng ngành du lịch địa phương. Để giải quyết vấn đề trên, UBND huyện đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện với tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch ven hồ Trị An để lắng nghe, giải đáp những thắc mắc và hướng dẫn tổ chức, cá nhân kinh doanh đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên mở các đợt hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh. Phối hợp với các đơn vị khảo sát, xây dựng 37 tuyến du lịch sinh thái rừng kết hợp đạp xe - đi bộ xuyên rừng, tập trung khai thác 7 tuyến du lịch sinh thái rừng, phục vụ khách du lịch.

Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết, huyện thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường giám sát, kiểm tra các cơ sở du lịch đang hoạt động nhằm bảo đảm đúng quy định như: tổ chức các cuộc kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cắm trại, cho thuê lều bạt, lưu trú…

Bà Lê Thị Ngọc Loan, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, việc làm này nhằm tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hình thành chuỗi điểm đến du lịch dựa vào cộng đồng, gắn với hoạt động canh tác nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo tiền đề cho các ngành khác phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội; từng bước xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đáp ứng một phần nhu cầu, xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.

Theo Kế hoạch, năm 2024, Đồng Nai đầu tư xây dựng mô hình “Làng văn hóa - du lịch Tân Triều” tiêu biểu phía Nam tại khu vực cù lao Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu. Từ đó, đưa làng bưởi Tân Triều trở thành Làng du lịch cộng đồng canh nông tiêu biểu phía Nam, đồng thời liên kết các nhà vườn trồng bưởi để hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng trong việc đáp ứng nhu cầu du lịch. Làng văn hóa - du lịch Tân Triều cũng được kỳ vọng sẽ là sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng đầu tiên của Đồng Nai.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, làng bưởi Tân Triều có đặc sản nổi bật là trái bưởi đường lá cam, đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Với đặc sản này, nhiều nhà vườn đã kết hợp việc sản xuất nông nghiệp với làm du lịch hiệu quả. Hoạt động du lịch cộng đồng canh nông tại làng bưởi Tân Triều hướng vào các giá trị cốt lõi của cây bưởi như: Tập trung giới thiệu hệ sinh thái cảnh quan nông nghiệp cây lâu năm [vườn bưởi], lan tỏa không gian bảo tồn các giống cây trồng bản địa [bưởi ổi, bưởi đường lá cam, bưởi đường hồng…]. Đồng thời, hoạt động này cũng nhằm xây dựng cấu trúc không gian sinh thái du lịch nông nghiệp, hình thành và khai thác hiệu quả chuỗi giá trị kép… để dẫn dắt du khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực từ nguồn nguyên, vật liệu địa phương, đặc trưng là bưởi; tạo ra nguồn dược liệu quý từ bưởi phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Chủ Đề