Đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam hiện nay

Tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường

11/12/2020 09:48:00

- Đơn vị chủ trì: Ban chính sách tài chính công

- Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Hồ Ngọc Tú

- Năm giao nhiệm vụ: 2019/Mã số: 2019 - 44

1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu

Cung ứng dịch vụ công cho xã hội là trách nhiệm vô cùng lớn và khó khăn của mọi nhà nước trong thời đại ngày nay, đây đồng thời cũng là một trong hai chức năng quản lý xã hội quan trọng của nhà nước. Ở các nước phương tây, thuật ngữ dịch vụ công được sử dụng khá sớm và việc cung ứng dịch vụ công cho xã hội luôn là vấn đề bức xúc đặt ra trước nhà nước. Còn ở Việt Nam, thuật ngữ dịch vụ công được đưa vào sử dụng tháng 8/1999 tại Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. Hiện nay, việc cung ứng dịch vụ đã đạt được những kết quả tích cực trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cũng như sự tham gia của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, một số vấn đề cần đặt ra để giải quyết những hạn chế trong phát triển cung ứng dịch vụ sự nghiệp công hiện nay mà đề tài này cần đi sâu vào nghiên cứu: i] Phân biệt từng loại dịch vụ sự nghiệp công nào có đặc điểm như hàng hóa công thuần túy mà nhà nước phải đóng vai trò là người duy nhất cung ứng loại dịch vụ này. Còn lại, loại dịch vụ sự nghiệp công nào không mang tính chất như hàng hóa công thuần túy thì có thể khuyến khích tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ để mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động và giảm thiểu số lượng viên chức đang làm việc trong lĩnh vực đó, góp phần giảm thiểu số lượng biên chế theo chủ trương của Chính phủ; ii] Làm rõ về vai trò của nhà nước trong tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cũng như hợp tác công tư, đặc điểm của các chủ thể trên thị trường cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, thực trạng phát triển trong quá trình cung ứng dịch vụ ở các lĩnh vực chủ chốt như giáo dục, đào tạo, văn hóa, giáo dục thể thao và du lịch, bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ; iii] Nhà nước có vai trò kiến tạo trên thị trường cung ứng dịch vụ sự nghiệp công như thế nào để tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa khu vực tư và khu vực công trong vấn đề tiếp cận thị trường, nguồn lực tài chính, đất đai, đấu thầu các hợp đồng dự án để mục tiêu cuối cùng đạt được là giảm giá thành nâng cao chất lượng dịch vụ trong quá trình cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cho người dân, nâng cao phúc lợi cũng như các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Do đó, việc nghiên cứu đề tài Tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường là thực sự cần thiết và có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn. Đề tài sẽ đi sâu vào nghiên cứu các chính sách tài chính để phát triển tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công như: Chính sách giá, chính sách tư nhân hóa, chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách chi ngân sách nhà nước.

2. Mục tiêu nghiên cứu

Tìm kiếm các mô hình và các kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, thực trạng về tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp của ở Việt Nam hiện nay để đề xuất giải pháp phù hợp trong đó có giải pháp về chính sách tài chính, nhằm phát triển dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu thế chung trên thế giới và bối cảnh thực hiện tái cơ cấu lại khu vực công, tinh gọn đội ngũ công chức, viên chức và đổi mới chính sách tài chính công đang đặt ra.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Dịch vụ sự nghiệp công; các chủ thể cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; các chính sách tài chính nhằm phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài: Tập trung vào kinh nghiệm về các chính sách trong đó có chính sách tài chính đối với cung ứng dịch vụ sự nghiệp công tại các quốc gia trên thế giới. Thực trạng về cơ chế chính sách cũng như thực tế cung ứng dịch vụ sự nghiệp công hiện nay ở Việt Nam.

4. Kết quả nghiên cứu

[1] Đề tài đã khái quát được một số cơ sở lý thuyết chung về dịch vụ sự nghiệp công và tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Theo đó, dịch vụ sự nghiệp công nhằm cung cấp các dịch vụ thiết yếu, cần thiết cho đời sống nhân dân hàng ngày cũng như phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, giảm thiểu bất công bằng. Cung ứng dịch vụ sự nghiệp công có thể do nhà nước đứng ra tổ chức cung ứng hoàn toàn, phối hợp với khu vực tư nhân cùng tổ chức cung ứng hoặc giao toàn bộ cho khu vực tư nhân. Phân loại các dịch vụ sự nghiệp công thì tuỳ từng quốc gia, thể chế chính trị để có cách phân loại khác nhau. Một số quốc gia thì dịch vụ sự nghiệp công thuộc các ngành lĩnh vực khác nhau và các bộ chủ quản các lĩnh vực đấy sẽ đứng ra tổ chức cung ứng cũng như có cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công. Tuy nhiên, một số quốc gia có uỷ ban quản lý về dịch vụ sự nghiệp công của tất cả các lĩnh vực thuộc nhà nước. Các chính sách tài chính cho tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công gồm có chính sách về giá, chính sách tư nhân hoá các đơn vị sự nghiệp công, chính sách tín dụng, chính sách chi ngân sách nhà nước. Trong đó, chính sách giá cần phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường, chính sách tư nhân hoá cần đảm bảo việc gia tăng hiệu suất trong cung ứng dịch vụ, chính sách tín dụng và chính sách chi ngân sách nhà nước cần phân bổ nguồn vốn hợp lý hiệu quả. Mục tiêu chung của tất cả các chính sách tài chính đều hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, giảm thiểu bất bình đẳng, cung cấp đầy đủ dịch vụ không bị gián đoạn, phân bổ tài chính khu vực tư nhân và nhà nước một cách hài hoà hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong các lĩnh vực chủ chốt.

[2] Đề tài đã phân tích được thực trang tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ở Việt Nam. Tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp của nước ta trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ về khả năng cung ứng dịch vụ từ cả khu vực công và khu vực tư. Từ những năm 1990, từ chỗ hầu như không tham gia cung ứng thì khu vực tư nhân đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trọng trên thị trường dịch vụ. Mặc dù, thực tế hiện nay tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp còn phụ thuộc chủ yếu vào các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều lĩnh vực dịch vụ như bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ, văn hoá thì sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung ứng còn rất hạn chế hoặc khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân đối với các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài còn yếu kém hơn. Về chính sách tài chính cho tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp thì nhà nước đã có đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho tổ chức cung ứng dịch vụ như chính sách chi ngân sách, chính sách xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công, chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách quản lý giá góp phần đưa thị trường dịch vụ sự nghiệp công ở nước ta phát triển đúng hướng cung ứng đầy đủ dịch vụ không bị gián đoạn. Tuy nhiên, các hạn chế chính sách tài chính trong thời gian qua vẫn tồn tại những nhược điểm như: Chưa khuyến khích được sự tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công, khả năng khuyến khích được khu vực tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công còn thấp so với tiềm năng, phát triển dịch vụ các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập với mật độ không đồng đều giữa các địa phương, chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu xu thế của thị trường dịch vụ

[3] Đề tài nêu ra yêu cầu đổi mới tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế hiện nay xuất phát từ quá trình hoạt động trong thời gian qua đòi hỏi cần tinh gọn sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao hiệu quả kinh tế trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, khuyến khích các khu vực tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công hơn nữa để nhằm tận dụng khu vực tư nhân thực hiện các mục tiêu chính sách công của nhà nước và xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế trong thời gian qua, tính giai đoạn của quá trình phát triển kinh tế đòi hỏi phải đổi mới dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong dân chúng. Do đó, cần đổi mới tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo hướng giảm dần các đơn vị sự nghiệp công hoặc tinh gọn bộ máy nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công cung ứng dịch vụ không mang tính chất thuần thuý. Trong tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cần đảm bảo các dịch vụ sự nghiệp công không bị gián đoạn, nguồn cung luôn đầy đủ. Cần khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ công hơn nữa so với thực tế hiện nay và xem các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân với mục đích phi lợi nhuân là những thành phần khu vực tư nhân quan trọng trong cung ứng dịch vụ ở những địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Ngoài ra, các chính sách tài chính về thuế, tín dụng, giá, tư nhân hoá, chi ngân sách cũng cần đổi mới để đạt được những mục tiêu trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công của Chính phủ.

Video liên quan

Chủ Đề