Cổ phiếu hut 2023

Trong bối cảnh thị trường đang trong giai đoạn sóng gió, thách thức phía trước được dự đoán cũng không hề đơn giản, lựa chọn đầu tư nào để phù hợp với giai đoạn mới là điều khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.

Theo nhà sáng lập FIDT, ông Huỳnh Minh Tuấn, thị trường chứng khoán thường phản ánh kỳ vọng, tức đã phản chiếu bộ mặt vĩ mô trong nước từ một đến ba quý trước. Việt Nam hiện đang có câu chuyện vĩ mô trong nước tốt trên nền tương đối thấp của năm trước và những điều này đã được phản ánh đâu đó giai đoạn cuối 2021.

Câu chuyện nằm ở hai quý tới với các vấn đề như sụt giảm xuất khẩu, tăng trưởng ở các ngành nghề chậm lại khi lãi suất tăng lên. "Rõ ràng thị trường đang phản ánh kỳ vọng nền kinh tế ít nhất nửa năm tới. Chi phí lãi vay tăng lên thì dòng tiền sẽ dễ dàng bị rút ra khỏi chứng khoán. Tiền ít cổ phiếu nhiều thì thị trường vẫn còn lình xình", ông Tuấn nhận định tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới” diễn ra ngày 27/9.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên bức tranh hiện tại màu xám lại thích hợp với nhiều nhà đầu tư, họ được lựa hàng tốt, giá hợp lý. Điều này tùy khẩu vị rủi ro của mỗi người, nếu người về hưu nên gửi tiết kiệm để an toàn nhưng nhiều nhà đầu tư có thể đổi đời nếu tìm đúng "long mạch". Quan trọng, nhà đầu tư hãy nhìn vào trung hạn và dài hạn, quay lại với câu chuyện phân bổ chiến lược và điều chỉnh lại kỳ vọng khi mà giai đoạn dễ dàng kiếm tiền từ chứng khoán đã qua và thị trường đã về với "mặt đất".

Theo dự báo của nhà sáng lập FIDT, giai đoạn quý 4 năm nay chỉ số VN-Index có thể trong khoảng 1.300 điểm. Ông Huỳnh Minh Tuấn khuyến nghị đầu tư cho năm 2023 gồm hai nhóm cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu phòng thủ được chia làm các chủ điểm: nhóm điện tiện ích, điện nước với các mã như PC1, REE, BWE...; nhóm bán lẻ thiết yếu với các mã như MWG, FRT... và cuối cùng là nhóm y tế, lương thực, thực phẩm.

Với câu chuyện phát triển hạ tầng và thu hút FDI, chia sẻ của ông Tuấn dành cho hai nhóm: Nhóm bất động sản khu công nghiệp với các mã như NTC, PHR, KBC... và nhóm xây dựng hạ tầng như HHV, VCG, C4G...

Các ngành như thủy hải sản, đồ gỗ, dệt may…. sẽ chịu tác động tiêu cực bởi xuất khẩu giao thương với thế giới sụt giảm. Đồng thời, khi giá của tiền mặt tăng lên, chúng ta sẽ suy giảm tiêu dùng và đầu tư.

Chuyên gia cũng cho biết, hiện thu hút đầu tư vốn nước ngoài Việt Nam đang có nhiều thuận lợi như đối thủ  lớn nhất trong lĩnh vực này là Trung Quốc vẫn đang thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19.  Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế chi phí đầu vào, mức tiền lương trung bình hay giá thuê bất động sản hay chi phí xây dựng khá cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... 

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài, theo ông Tuấn, Việt Nam rất "khéo" trong điều hành chính sách, đánh giá đúng tình thế và có các biện pháp phù hợp. Đây là nền tảng cho các yếu tố ổn định trong nước. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải làm sao chớp lấy cơ hội đầu tư hạ tầng bởi "hệ số lan tỏa lớn", đồng thời có thể giúp chúng ta đi qua cơn suy thoái một cách dễ dàng.

"Tôi rất tiếc là giai đoạn tiền rẻ toàn cầu năm 2020-2021, nếu chúng ta nhạy cảm và quyết tâm hơn đã có thể huy động được nguồn vốn quốc tế với giá rẻ và giờ có thể xây dựng được các siêu công trình hạ tầng, qua đó có thể dễ dàng lướt qua nỗi lo suy thoái như Trung Quốc giai đoạn 2008-2010.Tuy nhiên, giờ đã muộn bởi giá đã cao rồi", ông nhấn mạnh.

Hệ lụy khó lường

Những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới sẽ ít nhiều tác động đến tình hình trong nước, nhất là trên thị trường chứng khoán, nơi yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng. Lạm phát tại Mỹ, Fed tăng lãi suất và suy thoái toàn cầu hiện đang được đánh giá là mối nguy lớn, tiếp tục là "bóng ma ám ảnh" nhà đầu tư trong giai đoạn cuối năm nay và năm kế tiếp.

Ảnh minh họa

Dẫn trong báo cáo về triển vọng thị trường mới công bố, các chuyên gia SSI Research cho biết, những yếu tố rủi ro từ bên ngoài có thể sẽ là căn nguyên khiến tình hình vĩ mô trong nước thay đổi. Khả năng kim ngạch xuất khẩu giảm sút, gây áp lực lên tiền đồng VND và nhu cầu trong nước yếu đi do lạm phát. Sự kết hợp hài hòa giữa tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và mức tăng trưởng GDP cao [do trên mức nền thấp của năm 2021] được kỳ vọng giai đoạn cuối năm 2022 sẽ khó được lặp lại trong năm 2023.

"Trong nửa đầu năm 2023, nhiều khả năng chỉ số CPI sẽ bật tăng cao vượt mức mục tiêu 4%, trong khi đó tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu chậm dần lại. Áp lực tăng giá đối với nhiều nhóm hàng hóa/dịch vụ vốn thuộc nhóm Nhà nước quản lý về giá [như điện, nước, giáo dục, y tế…] là khó có thể tránh khỏi", SSI nhận định. 

Trong khi đó, Việt Nam đang ưu tiên hàng đầu cho kiểm soát lạm phát, sau đó là tăng trưởng khi lạm phát giảm. Các chính sách tiền tệ nhằm nắn dòng vốn, kìm lạm phát, cân bằng giữa tốc độ tăng lãi suất và chính sách tăng trưởng tín dụng sẽ là bài toán khó và trở thành "tâm điểm chú ý trong nửa cuối năm 2022".

Chỉ khi các rủi ro và bất ổn lớn được giải quyết, thị trường sẽ được nhìn nhận ở một kịch bản tốt nhất là VN-Index sẽ biến động theo xu hướng sideway. SSI kỳ vọng thị trường sẽ có thể phản ánh trước tương lai và tạo đáy sớm hơn do các đợt điều chỉnh gần đây đã phản ánh được một phần những thách thức này.

FDI va các gói kích thích kinh tế, chủ điểm đầu tư dài hạn

Hiện tại thị trường đang chứng kiến sự phân hóa rõ nét giữa cổ phiếu các nhóm ngành. Với các nhóm ngành đã đạt đỉnh lợi nhuận trong quý 2 thì cố phiếu đã bắt đầu điều chỉnh tăng giá. Tuy nhiên, tăng trưởng nhiều nhóm ngành vẫn chưa đạt đỉnh, và đây chính là cơ hội của nhà đầu tư trong giai đoạn tới.

"Chúng tôi khuyến nghị giảm tỷ trọng đối với những ngành mà lợi nhuận đã đạt đỉnh trong quý 2 hoặc quý 3 năm 2022", SSI khuyến nghị.

Theo các chuyên gia năm 2023 sẽ là một năm tăng trưởng dựa vào hoạt động đầu tư, do đó, "Các gói kích thích kinh tế có thể sẽ giải ngân mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022, nhưng chúng tôi dự đoán phần lớn các gói kích thích này sẽ được giải ngân vào năm 2023. Mặt khác, FDI vẫn là động lực quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam. Cả hai yếu tố này sẽ là chủ điểm đầu tư của Việt Nam trong dài hạn".

Các ngành được đánh giá tích cực trong giai đoạn cuối năm nay và sang năm 2023 là bất động sản khu công nghiệp, bảo hiểm, công nghệ thông tin và y tế. Ngành ngân hàng được đánh giá trên quan điểm tích cực trong ngắn hạn, với dự báo tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng cuối năm ở mức 38-39%.

Rủi ro của ngành sẽ thực sự hiện rõ trong chất lượng tài sản ngân hàng trong năm 2023 khi "một phần tư tổng số trái phiếu bất động sản đã phát hành sẽ đáo hạn vào năm 2022, trong khi 65% sẽ đến hạn vào năm 2023 và 2024", SSI cho biết.

Tính chung các nhóm ngành, lợi nhuận bình quân năm nay ước tính sẽ đạt 19,6% [giảm so với mức 21,3% trong báo cáo tháng trước] và 14,8% cho năm 2023 trong số 86 công ty trong phạm vi phân tích.

"Nếu không tính lĩnh vực ngân hàng, thì tỷ lệ P/E năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt là 14,5 lần và 13,1 lần, đây không phải là mức quá hấp dẫn so với mức trong quá khứ", SSI Research nhận định.

Chủ Đề