Chỉnh sửa lỗi tiếng nga trong crysis 3 năm 2024

Đáng lý ra, mình sẽ để dành bài viết này tới tận tháng 11, ngày Crysis chính thức ra mắt vào năm 2007, 13 năm về trước. Nhưng chỉ hai ngày nữa thôi, tức là 18/9, Crytek sẽ chính thức phát hành Crysis Remastered trên PC, PS4 và Xbox One, thế là ý định của mình đổ bể. Có lẽ không còn thời điểm nào hợp lý hơn để nói về một huyền thoại của làng game thế giới, thứ ra mắt hơn 1 thập kỷ mà đến giờ người ta vẫn còn nhắc đến.

Phải thừa nhận, ngay cả khi đã mua Crysis trên Steam với giá hơn trăm nghìn, game gần như rất khó để tự khởi động trên Windows 10 64-bit, vốn là tiêu chuẩn của năm 2020. Tác phẩm này được phát triển phục vụ những hệ thống 32-bit, và mình phải thử gần như 1001 cách mà mình tìm thấy trên mạng internet để khởi động được game: Từ thay đổi launch option trong Steam để ép game chạy ở chế độ DirectX 9, chỉnh cmd để game nhận diện chip xử lý 6 nhân [mình xài Ryxen 5 2600], đổi tên file bin trong thư mục cài game từ 32 thành 64bit, chạy game ở chế độ compatibility Windows 8, tải bản patch Crysis 1.2, tất cả đều không thành công.

Chỉ đến khi mình đọc trên Steam có anh bạn chia sẻ file fix để Crysis chạy trên nền hệ điều hành 64 bit, thì game mới chịu khởi động.

Ơ từ từ chờ chút? Nếu tải file fix để khởi động game thì khác quái gì mình đang chơi game cr@ck? Mình mua bản quyền 188 ngàn rõ ràng mà? Nhưng thôi điều đó không quan trọng, khi vào đến game, chỉnh chất lượng đồ họa lên very high và độ phân giải 1080p, Crysis chào đón mình bằng khung cảnh hòn đảo Lingshan giả tưởng, thứ mà mình tin chắc nhiều anh em không nghĩ rằng trò chơi này đã phát hành từ năm 2007:

Đáng sợ thay, ngay cả trên phần cứng của năm 2018, là Ryzen 5 2600 và card đồ họa RTX 2070, dù trung bình mình chơi game được từ 90 đến 100 FPS, nhưng đôi lúc những cảnh chiến đấu vẫn sụt xuống dưới 60 FPS. Có lẽ một cách giải thích dễ hiểu nhất về việc vì sao hơn 1 thập kỷ trôi qua mà Crysis vẫn là một trong những trò chơi sát phần cứng nhất, chính là mục tiêu mà ba anh em nhà Yerli đặt ra khi phát triển Crysis cũng như bộ công cụ CryEngine 2.

Năm 2007 là một năm vàng của ngành game, khi nhiều quả bom tấn cùng lúc xuất hiện: The Elder Scrolls IV: Oblivion, Call of Duty Modern Warfare, Bioshock, Assassin’s Creed, Mass Effect. Crysis cũng nằm trong số những trò chơi phát hành vào năm đó. Nhưng khác biệt hoàn toàn với tất cả những tác phẩm kinh điển kể trên, Crytek không chỉ muốn tạo ra một trải nghiệm game bắn súng xuất sắc về lối chơi lẫn cốt truyện, mà họ còn có tham vọng về mặt đồ họa ở mức đáng nể. Họ đã làm được điều đó 3 năm về trước với Far Cry, chạy trên nền CryEngine phiên bản đầu tiên. Và với Crysis, họ muốn đẩy tham vọng đó lên một tầm mới hoàn toàn.

Tại sự kiện SIGGRAPH 2007, Crytek có bài thuyết trình mô tả chi tiết những nghiên cứu và quá trình phát triển họ đã thực hiện để tạo ra CryEngine 2. Với bộ engine này, họ muốn cùng lúc thực hiện được những yêu cầu sau:

  • Render hình ảnh ở đẳng cấp điện ảnh
  • Ánh sáng và đổ bóng động
  • Render HDR
  • Hỗ trợ những hệ thống trang bị nhiều CPU hoặc GPU
  • Bản đồ game rộng 21x21 km
  • Môi trường động và có thể phá hủy tùy ý muốn

Tựa game đầu tiên phát triển trên CryEngine 2, Crysis chỉ đạt được đúng 1 trong số 6 mục tiêu kể trên. Bản đồ game bị giới hạn xuống chỉ còn 4x4 km, bé hơn 2,5 lần so với Oblivion. Nhưng nếu so với tác phẩm của Bethesda Softworks, Crysis ở một tầm đẳng cấp hoàn toàn khác. Những màn chơi đầu tiên đã chứng minh rằng lời hứa của Crytek tại SIGGRAPH hoàn toàn không phải nói giỡn cho vui. Biển khơi trong thế giới ảo là một hệ thống mesh phức tạp với khả năng mô phỏng sóng biển dưới dạng 3D, và mô phỏng vật lý khi ném đồ vật xuống mặt nước. Anh em có thể thấy tia sáng dưới mặt nước, phản chiếu và tiêu biến vô cùng đẹp mắt, khi những làn sóng đánh vào bãi đá trên bờ. Lạ một chỗ, cả game không bắt anh em ra bãi biển bắn nhau nhiều, mà chỉ toàn ở trong rừng, ấy vậy mà cảnh biển vẫn vô cùng ấn tượng.

Nhìn lên bầu trời sẽ thấy một thành tựu khác của Crytek: Họ giúp engine tính toán được, thông qua CPU, đường đi của ánh sáng mặt trời, tính được thời điểm trong ngày, vị trí mặt trời, cùng những điều kiện thời tiết khác. Kết quả của những phép tính này được lưu vào texture động, để GPU sử dụng và xử lý skybox. Những đám mây ở xa xa không phải bitmap 2D phẳng lỳ, mà chúng đều được tạo ra từ những hạt nhỏ hệt như mây thật ngoài đời, xử lý ray-marching để xác định mật độ hạt trong mỗi áng mây. Và vì mây cũng là vật thể được render đàng hoàng, nên nó cũng có bóng đổ xuống mặt đất.

Đó là những bước khám phá đầu tiên trong Crysis. Càng chơi, anh em sẽ càng thấy ấn tượng với môi trường của game, khi kết hợp khả năng của vũ khí, của bộ Nanosuit để phá hủy môi trường, chiến đấu với những đối thủ [người Triều Tiên nhưng mà nói tiếng Anh]. Địch ẩn nấp thì phá nhà, lấy ô tô cán cây, thậm chí lấy khẩu súng máy trên mỗi chiếc xe jeep quân sự anh em có thể lái trong game để càn quét. Lối chơi của Crysis trở nên tự do chính nhờ khả năng phá hủy môi trường cực kỳ tự do trong game.

Về đến cuối game, khi anh em khám phá hang động của người ngoài hành tinh, những công nghệ như mô phỏng cường độ ánh sáng và mô phỏng sương mù bắt đầu phát huy hết tác dụng. Nó không phải lúc nào cũng hoàn hảo, thỉnh thoảng gặp lỗi, nhưng engine game xử lý nhiều nguồn sáng song song vô cùng chỉn chu và tinh tế. Sau đó là cảnh rặng núi tuyết phủ, với những bông tuyết bay lơ lửng trong không khí, tạo ra những sự thay đổi đa dạng cho mặt hình ảnh của game.

Nhưng, cũng vì thế, phần cứng năm 2007 rất khó theo kịp với Crysis. Mà ngay cả bây giờ chơi game bằng chip Core i3 cùng GTX 1060 cũng chưa chắc lúc nào cũng đạt 60 FPS ở độ phân giải full HD. Thời ấy, Crysis với CryEngine 2 là một bước nhảy vọt quá xa về công nghệ đồ họa. Các nhà phê bình game đánh giá toàn 8 với 9 điểm, có lẽ nhờ vào sự ấn tượng của đồ họa thay vì phân tích sâu vào lối chơi chỉ có chạy và bắn, cùng cốt truyện âu cũng có phần dễ đoán, ít nút thắt và bước ngoặt gây ấn tượng mạnh như Bioshock.

Bốn năm sau, Crysis ra mắt trên PS3 và Xbox 360. Nhưng có lẽ, những công nghệ mà Crytek không “chùn tay” khi phát triển phiên bản PC như hệ thống render mây, số lượng đa giác trong mỗi màn chơi hay mức độ chi tiết của không gian màn chơi là quá sức chịu đựng cho hai cỗ máy chơi game ra mắt vào năm 2006.

Đó là câu chuyện của 13 năm về trước, còn bây giờ nhắc lại Crysis, có lẽ anh em chỉ nhớ đến những cái meme:

Khi ấy, Crysis không nhẹ một chút nào. Như benchmark của Techspot, những card đồ họa tầm trung vào năm 2007 chỉ cần chỉnh lên chất lượng hình ảnh High Quality là không chơi nổi rồi:

Vậy câu hỏi là, vì sao Crysis yêu cầu cấu hình kinh khủng đến vậy? Câu trả lời có thể được tìm ở chế độ “devmode” dành cho nhà phát triển game. Mỗi cảnh game bao gồm 2,2 triệu đa giác, hầu hết đều là dành cho cây cối trong mỗi màn chơi. Thay vì sử dụng texture đơn giản, Crytek chọn cách vẽ từng cái lá cây một. Ấn tượng, nhưng rất nặng. Tiếp tục với việc kết hợp những công nghệ lọc hình ảnh và đồ họa chỉ có Crysis mới có vào thời điểm ấy như ánh sáng động và đổ bóng động, gánh nặng đè lên GPU là rất lớn.

Một điểm trừ khác của Crysis chính là vì những giới hạn trong công nghệ phần cứng thời bấy giờ. Giờ này anh em có CPU 16 nhân 32 luồng, nhưng khi ấy 4 nhân đã là quá xịn rồi. Game không được phát triển để hỗ trợ những thế hệ CPU về sau hiệu quả. Ngay cả với Intel Core i7-9700 8 nhân, ở độ phân giải 4K, thỉnh thoảng game còn sụt xuống còn có 25 FPS. Mà thời ấy thì Crytek cũng chẳng cần phải lo về những chip xử lý 6 nhân hoặc hơn, vì những hệ thống đắt tiền nhất vào năm 2007 cũng chỉ dùng đến tầm CPU 4 nhân.

Vào năm 2007, mục tiêu của Crytek là biến Crysis trở thành tựa game đẹp nhất thế giới, nhưng cùng lúc vẫn phải chơi ổn, chí ít là ở tốc độ 30 FPS. Đến Crysis 2 và 3, chất lượng game được hạ xuống tương đối để Xbox 360 và PS3 còn chịu được. Ngay sau khi Crysis phát hành, Crytek bắt tay vào phát triển Crysis 2, và ngay sau khi Crysis 2 ra mắt, họ bắt đầu với Crysis 3, lấy hết tất cả những bài học kinh nghiệm trước đó để trau chuốt cho tác phẩm của mình. Hệ quả là, đến tận ngày hôm nay, Crysis 3 vẫn là một công cụ benchmark game 4K rất tốt để đánh giá sức mạnh của CPU và GPU.

Nhưng bù lại, cả hai hậu bản của cuộc chiến giữa các chiến binh mặc Nanosuit với tộc Ceph ngoài hành tinh hoàn toàn không tạo ra được cái chất ấn tượng khi mọi người lần đầu tiên được chiêm ngưỡng trò chơi phát hành vào năm 2007.

Đến ngày 18/9 tới, Crysis Remastered sẽ ra mắt, với chế độ đồ họa 8K tên là “Can It Run Crysis”. Có lẽ mình sẽ so sánh cả hai phiên bản 2007 và 2020, để xem công nghệ đồ họa phục vụ chúng ta đã tiến xa đến đâu, và những công nghệ mới như texture độ phân giải cực cao, hay ray tracing có khiến Crysis thực sự lột xác và tạo ra trải nghiệm hệt như hồi năm 2007 khi khởi động Crysis lần đầu tiên hay không.

Chủ Đề