Chết đi sống lại gọi là gì

Đại dịch COVID-19 lẽ ra đã cướp đi cuộc đời của những sản phụ này và những đứa trẻ mới chào đời tưởng không bao giờ được gặp mẹ. Nhưng với quyết định mang tính lịch sử của ngành y, những cuộc đời này không bị đánh mất.

Mấy ngày này, trong ngôi nhà trọ nhỏ ở Quận 12, TP.HCM đầy ắp tiếng nói cười của vợ chồng anh Vương Tiến và chị Ngọc Hoài [quê gốc Thừa Thiên – Huế] cùng cậu con trai hơn 6 tháng tuổi đẹp giai, mắt đen tròn, đã biết khua khoắng tay chân.

Vậy nhưng, mỗi lần nhắc đến dịch COVID-19, đôi mắt của chị Hoài và anh Tiến đều đỏ hoe. Bởi lẽ, mới chỉ cách đây 6 tháng, chị Hoài phải giành giật từng hơi thở, nhiều lúc chạm mặt “tử thần”. Trong khi đó, cậu con trai sinh non, được 2,2 kg ở nhà khát sữa mẹ, cô con gái đầu lòng Ngọc Linh [10 tuổi] đêm nào cũng khóc hỏi anh Tiến “Ba ơi, sao mẹ đi lâu về vậy ba?”.

Bé Ngọc Linh [con gái đầu của chị Ngọc Hoài] bế em trai Huỳnh Diệp Chung Ân.

Cháu Ngọc Linh – con gái bệnh nhân Ngọc Hoài gửi mẹ khi biết tin mẹ còn sống.

Tương tự vậy, tại căn nhà ấm cúng ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, chị Thu Trinh và anh Huỳnh Tâm cũng đang sống những ngày hạnh phúc và mừng vui sau cơn “bão dữ”. Trước đó, nằm trên giường bệnh ở Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175, chị Trinh không nghĩ còn có cơ hội được trở về đoàn tụ với chồng con.

Khát vọng được gặp con trai mới sinh chưa một lần được rõ mặt và tiếng gọi thì thầm động viên “Thu Trinh ơi, hãy cố gắng lên để về với chồng con” của các thầy thuốc bên giường bệnh đã giúp chị vượt qua “cửa tử”.

Bé Huỳnh Diệp Chung Ân trong vòng tay ấm áp của mẹ Thu Trinh.

Quyết định mang tính lịch sử của ngành y

Tiếng máy móc kêu tít tít liên hồi, tiếng bước chân vội vã của các điều dưỡng, y bác sĩ là những âm thanh đã quá quen thuộc với thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân – Phó Giám đốc Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175.

Từ ngày Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 đi vào hoạt động [19/7/2021] đến nay là hơn 7 tháng, bác sĩ Vũ Đình Ân chưa một ngày ngơi nghỉ. Anh cùng các y bác sĩ thường xuyên làm việc xuyên đêm để giành lại sự sống cho bệnh nhân vừa và nặng, trong đó có các sản phụ.

Với bác sĩ Ân, những ngày dịch bệnh COVID-19 khốc liệt nhất ở TP.HCM là những hồi ức không thể nào quên trong cuộc đời. Vào thời điểm đỉnh dịch, anh được phân công làm Phó Giám đốc Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175. Vinh dự nhưng cũng là một trọng trách rất lớn.

Thượng tá, BSCK 2 Vũ Đình Ân – Phó Giám đốc Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175.

Giữa cao điểm dịch COVID-19, Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận 6 sản phụ. Trong đó có sản phụ Thu Trinh [29 tuổi] từ Bệnh viện Hùng Vương và Ngọc Hoài [33 tuổi] từ Bệnh viện Từ Dũ. Tất cả các sản phụ nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch, không còn đáp ứng với điều trị tích cực thông thường, bị suy đa cơ quan [suy đa tạng] rất nhanh. Riêng bệnh nhân Ngọc Hoài, sau khi mổ sinh ở tuần thai thứ 33, hậu phẫu ngày thứ 4 ở Bệnh viện Từ Dũ thì bị suy hô hấp, viêm phổi nặng, không đáp ứng thở máy.

Qua hội chẩn và tham vấn các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, bác sĩ Ân và đồng nghiệp biết rõ, chỉ còn một cách cứu bệnh nhân là phải đặt ECMO [phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể hay còn gọi là tim phổi nhân tạo]. Đây là “vũ khí”, phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho những trường hợp nguy kịch do COVID-19.

Tuy nhiên vào thời điểm bệnh nhân Ngọc Hoài nhập viện ngày 6/8/2021, bệnh viện chỉ có 2 máy đang sử dụng cho Thu Trinh và một sản phụ nguy kịch khác.

“Mỗi 1 máy ECMO chạy cho một bệnh nhân. Trung tâm điều trị có 2 máy ECMO đều dùng cả rồi. Nếu không can thiệp ECMO kịp thời, Ngọc Hoài đối diện nguy cơ tử vong rất lớn”, thượng tá Vũ Đình Ân nhớ lại.

Trong hoàn cảnh nếu không làm gì thì chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong, bác sĩ Ân cùng các đồng nghiệp “đứng ngồi không yên” và nảy ra ý định chia đôi một máy ECMO cho cả hai sản phụ cùng sử dụng.

Ngay sau đó, bác sĩ Vũ Đình Ân xin ý kiến của Thiếu tướng, Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 và người đứng đầu bệnh viện đã đồng ý.

Sản phụ chạy ECMO tại Trung Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175
đang gọi điện về nhà trò chuyện với người thân. Theo bác sĩ Ân,
những cuộc trò chuyện này giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng nhanh.

20h25 đêm 8/8/2021, các bác sĩ bắt đầu chia đôi một máy ECMO cho cả hai sản phụ Thu Trinh và Ngọc Hoài cùng sử dụng. Đến 21h, ê-kíp vỡ oà hạnh phúc khi thực hiện thành công kỹ thuật chưa từng có tiền lệ. Thu Trinh – người đang dùng máy trước đó không bị ảnh hưởng điều trị. Tình trạng Ngọc Hoài cải thiện rõ rệt, chỉ số SpO2 [nồng độ oxy trong máu] tăng từ 80% lên 96-98%, về mức ổn định. Bác sĩ Ân là người khóc nhiều nhất vì hạnh phúc.

Chia sẻ về quyết định có tính lịch sử đối với nghề y và mang phần mạo hiểm khi thực hiện kỹ thuật tách đôi ECMO, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho hay: “Đây là sự đắn đo rất lớn của ê-kíp kỹ thuật và lãnh đạo bệnh viện. Chúng tôi chấp nhận búa rìu dư luận vì chưa có ai làm như thế bao giờ. Có thể có ý kiến cho rằng đó là sự khùng điên. Nhưng đối với người lính, việc làm thế nào để cứu được người bệnh là điều tiên quyết, quan trọng nhất. Tôi và ban lãnh đạo đã quyết định cho ê-kíp hồi sức của Bệnh viện 175 thử nghiệm tiến hành “tách đôi” ECMO. Và điều may mắn đã xảy ra. Các dấu hiệu lâm sàng, sinh học, sinh tồn của người bệnh chạy ECMO thứ 2 được cải thiện rõ rệt, người đang chạy ECMO còn lại cũng có dấu hiệu ổn định”.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn,”người lãnh đạo phải ủng hộ những ý tưởng sáng tạo và phải dám chịu trách nhiệm. Giống như trong các ca phẫu thuật, khi chỉ định phẫu thuật rồi sẽ có nguy cơ như thế này, như thế kia … thì bản thân phẫu thuật viên rất lo lắng. Người lãnh đạo lúc này phải trở thành điểm tựa để cho họ dám dấn thân thực hiện sự mạo hiểm cứu người”.

Chị Ngọc Hoài bật khóc khi lần đầu gặp con trai trong ngày được ra viện [10/10/2021].

Tuy nhiên, sóng gió chưa dừng lại ở đó. Quá trình điều trị cho sản phụ chạy ECMO rất gian nan, vất vả bởi việc duy trì kháng đông trên máu rất khó khăn. Bệnh nhân Hoài nhiều lần bị biến cố chảy máu trong ổ bụng và trên thành bụng do vết mổ cũ lấy thai. Các bác sĩ trải qua nhiều lần đại phẫu, mở ổ bụng lấy máu tụ, thám sát mạch máu tìm vị trí chảy máu để cầm. Trong thời gian nằm viện, chị Hoài được truyền 45,75 lít máu và chế phẩm máu – gấp 7 lần lượng máu cơ thể một người. Có những lúc kíp điều trị huy động gần như toàn bộ ngân hàng máu của bệnh viện vẫn không đủ, phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nơi khác trong thành phố.

Vậy nhưng, với sự nỗ lực của tập thể y bác sĩ, đặc biệt là nghị lực vượt lên chính mình với ước muốn thôi thúc được gặp con của sản phụ, chị Hoài đã cai ECMO thành công sau 45 ngày.

Bác sĩ Ân tâm sự, khi bệnh nhân an thần thở máy, anh và các đồng nghiệp thường xuyên nói với họ: “Thu Trinh ơi/Ngọc Hoài ơi/Thảo ơi/Trâm ơi… các em cố gắng lên để về gặp con nhé”.

Và chính những lúc đó, những bàn tay nắm chặt lấy bác sĩ, điều dưỡng cho thấy rõ sức mạnh tình mẫu tử, khát vọng ham sống tột cùng để gặp chồng con và người thân của các sản phụ.

“Chính những người thầy thuốc chúng tôi học hỏi ở các sản phụ -bệnh nhân COVID-19 rất nhiều. Họ cho chúng tôi sự quyết tâm, nghị lực để cứu sống họ”, bác sĩ Ân xúc động nói.

Thiếu tướng, PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn cùng Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 175
chúc mừng và trao giấy ra viện cho bệnh nhân Ngọc Hoài [áo đỏ] và Thu Trinh.

Tất cả vì người bệnh, vì màu áo trắng

Ngọc Hoài và Thu Trinh là 2 sản phụ mắc COVID-19 đầu tiên được áp dụng kỹ thuật “tách đôi” máy ECMO. Hiện tại, sau khi xuất viện về nhà, họ đều hồi phục sức khỏe, sinh hoạt bình thường dù chưa làm được việc nặng, các cháu bé đều phát triển lanh lợi, dễ thương.

6 sản phụ được can thiệp ECMO thành công ở Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện 175 là 6 câu chuyện, 6 cảnh đời. Trong đó không thể không kể đến sản phụ Lê Thị Thanh Thảo [33 tuổi, trú ở Quận 8]. Ngày con trai chào đời, cũng là ngày chị Thảo rơi vào nguy kịch vì mắc COVID-19. Đây là bệnh nhân COVID-19 đầu tiên can thiệp tại Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175.

Chị Thảo nhập viện 86 ngày [điều trị từ ngày 27/7 đến ngày 20/10] nhưng có đến 61 ngày phải can thiệp ECMO. Đây là bệnh nhân có số ngày nằm viện dài nhất tại đây, đồng thời có chi phí điều trị cao nhất, lên đến 2,3 tỷ đồng, tất cả đều được miễn phí.

Chị Thảo được chồng và bác sĩ dìu đỡ trong ngày ra viện.
Tổng số tiền điều trị sau 61 ngày ECMO của chị Thảo lên tới 2,3 tỷ đồng được miễn phí.

Theo bác sĩ Ân, chị Thảo thuộc trường hợp hậu sản, càng làm tình trạng rối loạn đông máu của bệnh COVID-19 nặng hơn, gây thuyên tắc mạch máu trong cơ thể đặc biệt là tắc mạch phổi, suy hô hấp, đông đặc phổi rất nghiêm trọng dẫn tới suy tạng đa cơ quan. Không những thế, Thảo còn bị nhiễm 4 loại vi khuẩn đa kháng thuốc, đồng thời nhiễm nấm. “Tiên lượng bệnh nhân lúc đó rất xấu”, bác sĩ Ân nhớ lại.

Cũng như Ngọc Hoài và Thu Trinh, Thanh Thảo nhiều lần “chết đi sống lại” nhưng vẫn mạnh mẽ vượt qua và giành giật từng phút giây được sống bởi mỗi lúc hoang mang, mất ý chí nhất thì các bác sĩ đã không ngừng động viên chị vượt qua để sớm về với gia đình.

Tại buổi gặp mặt tối 23/1/2022 tại Bệnh viện Quân y 175,
bé Huỳnh Diệp Chung Ân [6 tháng tuổi, con trai của sản phụ Thu Trinh] rất “bám” các bác sĩ .

Thu Trinh nhớ lại, khi vào giai đoạn cuối thai kỳ thì cả nhà chị mắc COVID-19, được đưa đi cách ly tập trung. Do sức khỏe yếu nên chị được chuyển về Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hùng Vương. Con trai chị chào đời vào ngày 29/7/2021, phải nằm trong lồng kính, may mắn âm tính, được xuất viện về nhà ông bà khi 5 ngày tuổi. Bé là quả ngọt của hai vợ chồng sau 4 năm cưới nhau, đúng lúc hai vợ chồng tưởng chừng hết hy vọng do bệnh buồng trứng đa nang.

“Em bệnh nặng rồi, nếu có vấn đề gì xảy ra, anh hãy thay em nuôi con”, Trinh nói với chồng qua điện thoại, rồi chìm vào mê man. Đến khi tỉnh lại, chị thấy mình đã nằm ở Khu điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Quân y 175.

Tâm sự chân tình với bác sĩ Đình Ân, anh Huỳnh Tâm – chồng Thu Trinh cho hay: “Thật sự những ngày đầu tiên vợ tôi nằm viện, tôi không dám gọi điện vì sợ vợ “đi”. Mỗi lần thấy số lạ gọi điện đến là tôi rất lo vì sợ thông báo tin xấu. Khi được thông báo vợ còn sống, tôi bật khóc vì vui mừng và thường gọi điện video call. Tôi động viên vợ luôn cố gắng vì con, không phụ ân tình của các bác sĩ”.

Vợ chồng anh chị Thu Trinh – Huỳnh Tâm đã quyết định đặt tên con trai mình theo tên, họ
của các bác sĩ đã giúp chị vượt qua “cửa tử”, tiếp tục được làm mẹ, làm vợ.

Cảm phục tài năng và để tri ân những thầy thuốc đã cứu sống mình sau cơn bạo bệnh, hai bệnh nhân Thu Trinh và Ngọc Hoài đã quyết định đặt tên con trai của mình theo tên, họ của các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 175 là Huỳnh Diệp Chung Ân và Vương Diệp Chung Ân dù trước đó dự định là tên khác. Đó là tên ghép của ba bác sĩ: bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung – kíp trưởng ECMO, bác sĩ Diệp Hồng Kháng – Trưởng Khoa Hồi sức và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và bác sĩ Vũ Đình Ân. Với gia đình hai chị, đó là một cách bày tỏ lòng biết ơn các bác sĩ không chỉ giúp họ được “sinh ra lần thứ hai” mà còn được hưởng niềm vui trọn vẹn với gia đình, được tiếp tục làm vợ, làm mẹ.

“Vợ chồng tôi mong sao Huỳnh Diệp Chung Ân sau này lớn lên noi gương các y bác sĩ phục vụ cộng đồng chứ không cần mong được là ông nọ bà kia”, anh Huỳnh Tâm nói.

Chia sẻ cảm xúc khi người bệnh đặt tên con theo tên, họ của các bác sĩ điều trị, bác sĩ Vũ Đình Ân tâm sự: “Được bệnh nhân tin yêu, thấu hiểu và trân trọng khiến những người làm nghề y như chúng tôi rất vui. Đây là món quà lớn, là động lực cho chúng tôi tiếp tục làm việc. Các sản phụ và người nhà không cần cảm ơn chúng tôi mà chính chúng tôi phải cảm ơn các bệnh nhân. Chính họ là tấm gương và nghị lực sống cho tôi và đồng nghiệp. Tôi và y bác sĩ, điều dưỡng phải cảm ơn họ vì đã cho chúng tôi những bài học về nghị lực sống cũng như cơ hội để triển khai kỹ thuật hiện đại như vậy”.

Mẹ con chị Ngọc Hoài và Thu Trinh gặp nhau tại TP.HCM ngày 22/2/2022 vừa qua.

Riêng với Thiếu tướng, Phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, trong cuộc đời làm nghề y, ông đã trải qua quá nhiều kỷ niệm, ca bệnh đặc biệt. Tuy nhiên, hình ảnh hai sản phụ cùng chia nhau 1 máy ECMO để lại ấn tượng sâu sắc không thể quên. Người tướng nhiều trải nghiệm và giàu lòng trắc ẩn ấy hiểu rõ nỗi đau đớn, lằn ranh sinh tử của bệnh nhân cũng như sự vất vả của đồng nghiệp. Ông cho biết, những sản phụ chạy ECMO như vậy, không phải bệnh nhân nào cũng suôn sẻ. Có bệnh nhân 6 lần phẫu thuật, tỉnh dậy sau những cơn mê man, họ không muốn sống. Có sản phụ mới hơn 20 tuổi, họ cảm thấy cuộc đời bị sụp đổ khi hình thể xinh đẹp bị thay đổi và những di chứng hậu COVID-19. Các thầy thuốc buộc phải động viên những sản phụ cố gắng vượt đau đớn, mặc cảm, tủi hờn để trở về cuộc sống, gặp những đứa con chưa biết mặt của mình.

Với Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, hình ảnh hai sản phụ cùng chia nhau 1 máy ECMO để lại ấn tượng sâu sắc không thể quên.

“Chúng tôi làm tất cả vì người bệnh, vì sự nhân văn chứ không phải vì bất cứ điều gì khác. Đó là tình thương, trách nhiệm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. Chính trong hoàn cảnh khó khăn ấy, người bác sĩ phải đắn đo, có nhận bệnh nhân này hay không. Nếu chúng tôi gạt đi là chấm dứt một cuộc đời. Chúng tôi phải ưu tiên những sản phụ này bởi phía sau họ còn là những cháu nhỏ, những gia đình.

Hơn 40 năm với nghề, tôi rất cảm ơn những đồng đội, đồng nghiệp, những con người thật sự dũng cảm. Họ thật sự là những người dâng hiến. Tôi thấy hạnh phúc và tự hào được chiến đấu bên cạnh họ. Nhân ngày thầy thuốc 27/2, tôi muốn gửi gắm đến những đồng nghiệp của mình: Cho dù cuộc sống này có như thế nào thì là người thầy thuốc, phải luôn giữ cho mình mãi mãi màu áo trắng“, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn xúc động nói.

Theo suckhoedoisong

Chủ Đề