Cảm nhận về sách Tất cả đều la chuyện nhỏ

Thể loại Kỹ Năng – Chuyên Ngành
Tác giả Richard Carlson
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 200
Ngày xuất bản 06-2016
Giá bánXem giá bán

Mỗi khi đối mặt với tin xấu, một người khó chịu hay một nỗi thất vọng nào đó – đặc biệt là nghịch cảnh – hầu hết chúng ta thường có thói quen phản ứng lại cuộc sống theo những chiều hướng không mấy tốt đẹp.

Và một cách đơn giản để chúng ta thay đổi cuộc sống của chính mình là thay đổi những thói quen “phản ứng” cũ bằng những thói quen nhìn nhận mới. Các thói quen này sẽ cho phép chúng ta có được cuộc sống trọn vẹn hơn sau khi đã giải quyết đủ loại vấn đề – stress, trục trặc trong các mối quan hệ, công việc, cũng như những nỗi chán nản nói chung.

Được khái quát thành 81 đề mục nhỏ với những mẩu chuyện, những lời khuyên, chia sẻ hoặc dẫn chứng về nội dung đang được đề cập, cuốn sách là một cẩm nang sống tuyệt vời. Qua “Tất cả đều là chuyện nhỏ”, Richard Carlson chia sẻ với các bạn lần lượt từng bí quyết nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn – những điều bạn có thể thực hiện ngay từ hôm nay – để có một cuộc sống nhẹ nhàng thư thái, không bị vướng bận bởi những chuyện vặt vãnh.

Khi bạn không chấp nhặt những chuyện nhỏ, cuộc sống của bạn không phải ngay lập tức trở nên hoàn hảo, nhưng bạn sẽ học được cách chấp nhận những điều tự nhiên đang diễn ra xung quanh bạn. Nếu bạn áp dụng những bí quyết này, bạn sẽ học được hai nguyên tắc để sống một cách hòa hợp:

1] Đừng chấp nhặt những chuyện nhỏ

2] Tất cả đều là chuyện nhỏ

ĐỪNG CHẤP NHẶT NHỮNG CHUYỆN NHỎ

Chúng ta thường bị tác động quá mức bởi những việc thực ra chẳng có gì to tát cả. Chúng ta hay tập trung vào những sự cố, những mối lo vụn vặt và thổi phồng chúng lên. Ví dụ, khi bạn đang đi xe trên đường thì một chiếc xe khác cúp ngang trước đầu xe bạn, thay vì bỏ qua, bạn lại nghĩ rằng mình có quyền nổi giận, rồi bắt đầu làm lớn chuyện với họ trong… chính đầu óc của mình. Thậm chí, nhiều người còn “ghim gút” trong lòng và kể lại chuyện đó với người khác thay vì quên phứt nó đi.

Tại sao chúng ta không thể cho qua vụ này? Tại sao chúng ta không bình tâm đủ để tìm ra một lý do nào đó để có cái nhìn cảm thông đối với hơn với họ? Như nghĩ rằng họ đang nhỡ một chuyến bay, lỡ một con tàu hay đang trên đường đi cứu một con người… nên mới có một hành động bất cẩn như thế. Bằng cách đó, chúng ta sẽ thấy lòng mình thư thái hơn và cuộc sống tươi đẹp hơn rất nhiều.

Những “chuyện vặt” như thế vẫn xảy ra hàng ngày: khi bạn phải xếp hàng chờ đợi, lúc nghe những lời chỉ trích bất công, hoặc phải hoàn thành một khối lượng công việc nhiều hơn một chút so với đồng nghiệp… Chắc chắn bạn sẽ thấy tốt hơn nhiều nếu không chấp nhặt những chuyện vặt vãnh như thế. Rất nhiều người phí phạm năng lượng sống của mình vào việc “chấp nhặt những chuyện nhỏ” đến mức quên đi cả sự kỳ diệu của cuộc sống xung quanh. Vì vậy, chỉ khi nào khi bạn cam kết hành động theo tiêu chí “vượt lên những chuyện nhỏ”, bạn mới có thể tận hưởng cuộc sống một cách tự tại, an nhiên.

ĐỪNG CẦU TOÀN THÁI QUÁ

Tôi chưa từng gặp một người vừa có óc cầu toàn thái quá vừa có một cuộc sống nội tâm thực sự bình yên. Khao khát về sự hoàn hảo và sự bình an trong tâm hồn luôn mâu thuẫn với nhau. Bất cứ khi nào chúng ta khăng khăng cho rằng việc này việc khác nhất định phải diễn ra theo một cách nào đó tốt hơn [theo suy nghĩ của ta] thì y như rằng chúng ta đang tham gia một trận chiến mà mình nắm chắc phần thua. Thay vì bằng lòng với những gì tốt nhất chúng ta hiện có, chúng ta lại nghĩ rằng chúng vẫn còn chút “sai sót” gì đó cần phải “sửa chữa” để hoàn hảo nhất. Rồi sau khi “săm soi” mọi khía cạnh mà không thấy gì, chúng ta lại cảm thấy thất vọng và không hài lòng về chính chúng ta.

Cho dù đó là công việc mang tính cá nhân – một căn phòng bừa bộn, một vết trầy xước trên xe, một kết quả công việc không như mong muốn, tình trạng sức khỏe không ổn định – hay liên quan đến “sự thiếu hoàn hảo” của người khác – diện mạo, cách cư xử, cách sống của họ… thì việc chăm chăm vào những thiếu sót đó sẽ làm cho chúng ta không thể trở thành người khoáng đạt. Thực ra, việc luôn có cách tốt hơn để giải quyết một vấn đề không có nghĩa bạn không thể tận hưởng và biết ơn những gì bạn có theo đúng bản chất của nó.

Giải pháp ở đây là bạn cần kiềm chế bản thân trước thói quen rằng mọi việc lẽ ra phải tốt hơn theo một cách khác. Một khi bạn không phán xét, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Và, khi bạn không còn tìm kiếm sự hoàn hảo đến mức chi li trong mọi vấn đề, bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống đã là một sự tổng hòa của vạn vật và các mối quan hệ bổ khuyết cho nhau, và nó đã hoàn hảo theo cách riêng của nó.

SỐNG AN NHIÊN

Một trong những lý do chính khiến nhiều người chọn cách sống nhanh là nỗi lo sợ rằng nếu sống ung dung và chậm rãi hơn, họ sẽ khó đạt được các mục tiêu đã đề ra, họ sẽ trở nên lười biếng và “tắt lửa” hành động.

Nhưng sự thật không phải như vậy. Lối suy nghĩ và cách sống ấy sẽ lấy đi rất nhiều năng lượng và rút cạn khả năng sáng tạo cũng như những động lực sống của chúng ta. Khi bạn sợ hãi hay mất bình tĩnh, đó là bạn đang kìm hãm những năng lực tiềm tàng của bản thân, bạn sẽ không thể tận hưởng trọn vẹn cuộc sống của mình. Bạn thành công vì bạn không e sợ gì, chứ không phải vì bạn sợ thất bại nên phải cố gắng để thành công.

Tôi có may mắn được ở bên cạnh những người biết cách sống an nhiên và đầy yêu thương. Họ là những tác giả nổi tiếng, những bậc cha mẹ đánh kính, những nhà cố vấn, chuyên gia máy tính hay giám đốc điều hành thành công… Tất cả họ, mỗi người mỗi lĩnh vực khác nhau nhưng đều yêu mến công việc mà mình đã chọn. Họ tìm thấy niềm vui và sự bình yên trong chính cuộc sống và nghề nghiệp của họ bằng những khả năng mà họ được ban tặng.

Tôi đã học được một bài học quan trọng: rằng chỉ khi bạn có sự bình an trong tâm hồn, bạn mới không bị phân tâm bởi những mong muốn, nhu cầu và ước vọng không chính đáng khác. Và chỉ khi đó, bạn mới dễ dàng tập trung sức lực và trí não của mình để đạt các mục tiêu mà bạn đang hướng đến cũng như sống chan hòa và chia sẻ với những người xung quanh.

“An” – Chỉ khi bạn có sự bình an trong tâm hồn, bạn mới không bị phân tâm bởi những mong muốn, nhu cầu và ước vọng không chính đáng khác.

Chúng ta vẫn thường có quan điểm sách kỹ năng - nghệ thuật sống chỉ là những lời nói suông, dành cho những người ít thực tế. Nhưng không, cuốn sách “Tất cả đều là chuyện nhỏ” [NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2021] đã được phát hành trên 25 triệu bản ở 135 quốc gia thì chắc chắn phải đủ sức hấp dẫn, hoặc ít nhất đủ để người đọc tin vào những điều tác giả Richard Carlson viết.

Richard Carlson [1961-2006] là một trong số ít nhà văn thành công với những cuốn sách self-help [kỹ năng]. Ngoài “Tất cả đều là chuyện nhỏ”, ông còn có cuốn “Hạt giống hạnh phúc” đã được dịch ra Tiếng Việt. Để mọi việc đều là chuyện nhỏ, tác giả cuốn sách không bắt đầu bằng việc “nên làm” mà là “đừng làm”. “Đừng chấp nhặt những chuyện nhỏ”, chúng ta hay tập trung vào những sự cố, những mối lo vụn vặt và thổi phồng chúng lên. “Đừng cầu toàn thái quá” vì việc khao khát về sự hoàn hảo và sự bình an trong tâm hồn luôn mâu thuẫn với nhau. “Đừng ngắt lời hay”nói hộ“người khác” vì hậu quả là, điều này xảy ra khiến cả hai dễ mất bình tĩnh, dễ nổi nóng và bực tức với nhau. “Đừng để những phiền muộn lừa mị bản thân”, bởi khi phiền muộn chúng ta thường đánh mất sự sáng suốt và bình tĩnh trong khi nhìn nhận và giải quyết vấn đề. “Đừng biện minh cho những hạn chế của bạn”, chỉ khi suy nghĩ hơn về những hạn chế của bản thân và tìm cách cải thiện chúng, đó là điều duy nhất chúng ta có thể làm để trở nên hoàn thiện [vì đó là lúc đầu óc bạn bị những giới hạn che lấp hay đe dọa sự nỗ lực của bạn].

“Đừng” là cách tiếp cận tâm lý của người đọc tưởng triệt để, kiên quyết, thậm chí rốt ráo, nhưng thực sự nó mang lại cảm giác yên tâm, tin tưởng. Hầu hết chúng ta đều có những suy nghĩ tiêu cực, cảm giác thất bại, tưởng như cả thế giới đang quay lưng lại với mình khi gặp những vấn đề xấu. Đó chính là phản ứng thái quá khiến mọi chuyện đều được trí tưởng tượng đẩy đi xa, rối càng thêm rối, phức tạp càng thêm nặng nề. Nên thay vì cách “cấp cứu” những ca đa chấn thương phức tạp, “khẩn cấp” giải quyết những tình huống không đáng có và đặt lệnh SOS thì chính việc chầm chậm cảm nhận, từ từ giải quyết, biến mọi chuyện to thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có, ắt mọi điều sẽ tốt đẹp hơn, cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn.

Và để làm được điều đó, tác giả Richard Carlson đưa cho độc giả những bí quyết nhỏ. “Cuộc đời quan trọng đến mức chúng ta không nên nghiêm trọng hóa nó”, để biết được giá trị và ý nghĩa của cuộc đời, hãy sống mỗi ngày như thể hôm nay là ngày cuối cùng của bạn trên thế gian này".

81 mục nhỏ, mỗi mục từ 2 - 4 trang, sau khởi đầu với mong muốn “đừng” thì cuốn sách dẫn dụ người đọc đến việc “hãy làm”. “Hãy nhìn vào mắt họ, cười và nói xin chào”, đặc biệt là với người xa lạ. Đó là “Những điều có vẻ đơn giản nhưng có ý nghĩa quan trọng không những thể hiện sự chân thành, hòa nhã mà còn thể hiện bạn là một người yêu đời, dễ mến”. “Hãy lựa chọn một cách sáng suốt” vì “nếu mục tiêu căn bản của bạn không phải lúc nào cũng đòi hỏi mọi việc đều hoàn hảo mà là tận hưởng một cuộc sống nhẹ nhàng, bạn sẽ thấy những mối bận tâm vặt vãnh sẽ không còn làm phiền bạn”. Rồi bạn “Hãy nói những lời yêu thương”: Tôi tự hỏi liệu có bao nhiêu người mỗi khi kết thúc một cuộc điện thoại được nghe câu nói: Tôi chỉ gọi để nói rằng tôi yêu bạn... Khi bạn cho đi yêu thương, bạn cũng sẽ nhận lại yêu thương, những thông điệp được gửi trao nhau như những món quà vô giá luôn mang chúng ta lại gần nhau hơn. Và “hãy có cái nhìn rộng lượng”, bởi “Thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể mở rộng lòng mình với tất cả mọi người, ngay cả với những người có hành vi làm tổn thương chúng ta”...

Dường như nhiều điều rất gần gũi đã khiến chúng ta dễ bỏ qua, tác giả đã gom nhặt lại, nói bằng sự nhẹ nhàng nhất, bằng sự trải nghiệm của một nhà tâm lý, nhà diễn thuyết... khiến chúng ta có thể ồ lên: Từ bao lâu rồi, mình đã quan trọng hóa mọi điều, vội vã sống, nhưng lại lơ là những biểu hiện của yêu thương.

Yêu thương không cần đến những điều to tát. Đơn giản là hiểu chính mình, là chấp nhận bản thân ở mọi khía cạnh, là lắng nghe cảm giác, là giữ tâm hồn bình yên, là sống với niềm vui mỗi ngày. Có yêu thương chính mình thì cũng mới thấu hiểu đối phương, biết được đối phương chờ đợi điều gì để mà trao đi những điều tốt đẹp. “Tình yêu thương có ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thường hay than thở về sự thiếu thốn tình cảm, mà không nhận thấy rằng thật ra chính mình không mở rộng lòng để mời gọi yêu thương đến. Hãy nhìn vào trong trái tim mình và nhận lấy trách nhiệm khơi nguồn cho tình yêu lớn lao. Yêu thương bản thân và yêu thương người khác. Một cánh cửa mở ra sẽ kéo theo những cánh cửa khác cũng mở và những làn gió mới sẽ ngập tràn trong tâm hồn bạn”.

Cuốn sách không đi theo một trình tự nhất định, mỗi mục nhỏ là một chủ đề khác nhau, nhưng cùng chung một logic hướng đến lối sống đơn giản. Cách viết đơn giản, nhưng thấm ngọt. Chỉ cần hiểu được một vài triết lý trong cuốn sách, tôi tin bạn thu hoạch được chính là một tâm hồn đẹp, một con người hoàn toàn mới, bạn sẽ gạt bỏ hết tất cả những chuyện vặt vãnh, tập trung vào những điều cần thiết để tận hưởng hạnh phúc một cách đúng nghĩa nhất.

Giống như “Đắc nhân tâm”, “Tất cả đều là chuyện nhỏ”, một cuốn sách nhỏ nhưng giá trị to. Cuốn sách như một người thầy, một người bạn của mọi người, khi cô đơn hay hạnh phúc để ít nhất chúng ta không cảm thấy mình lạc lõng, để chúng ta có một tâm thế bình tĩnh trước mọi va đập của cuộc sống. Có lẽ vì thế mà rất nhiều năm nội dung của các chương, mục trong cuốn sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy làm đề thi tham khảo tốt nghiệp môn Văn THPT.

Vì lẽ đó, “Tất cả đều là chuyện nhỏ” là cuốn sách bạn không thể thiếu trên kệ sách của mỗi người, mỗi nhà.

Bài và ảnh: Kiều Huyền

Video liên quan

Chủ Đề