Cách làm nhân bánh trung thu tiramisu

Bánh trung thu tiramisu là một món bánh được biến tấu từ bánh nướng truyền thống để góp phần cho mâm cỗ ngày Rằm của chúng ta thêm đặc sắc và phong phú. Với sự kết hợp độc đáo của hai thành phần chính là cacao và phô mai nên chiếc bánh có hương vị cực kỳ thơm ngon, có thể ăn bao nhiêu cũng không chán.

Món bánh này đã được rất nhiều trang mạng chia sẻ cách làm, bản thân Trang cũng tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm trên các trang mạng này rồi về biến tấu ra một công thức riêng phù hợp với khẩu vị của gia đình. Với công thức bánh trung thu tiramisu biến tấu của Trang, hi vọng sẽ giúp các bạn làm được những chiếc bánh thật ngon để cùng gia đình thưởng thức trong mùa Trăng sắp tới. Chúc các bạn thành công và ngon miệng ;]

Tham khảo thêm:

  • Bài đăng trên báo điện tửafamily.vn:Trung thu này học ngay cách làm bánh Trung thu tiramisu được chia sẻ bởi mẹ TuBi
  • Cách làm bánhtiramisu bằng bạt bánh bông lan ngọt ngào thơm ngon
  • Bánh tiramisu dành cho bé [phiên bản không rượu không cà phê]

Cách làm bánh trung thu tiramisu ngon lạ xuất sắc không đâu bằng

Độ khó: Cao| Phương pháp: Nướng | Xuất xứ: Món Á

[A] NƯỚC ĐƯỜNG

1. Nguyên liệu

  • Đường vàng: 1 kg
  • Nước lọc: 600 g
  • Chanh vàng: Nửa quả [vắt lấy nước cốt, lọc qua rây bỏ hột, giữ lại vỏ]
  • Thơm/ dứa vừa chín tới: 1/4 quả thơm đã gọt vỏ sạch sẽ [khoảng 150 g].

2. Cách làm

  • Cho đường và nước vào nồi, khuấy một lúc cho đường tan bớt.
  • Bật lửa lớn nấu đến khi nước sôi rồi cho nước cốt chanh, vỏ chanh và thơm vào.
  • Hạ lửa nhỏ vừa nấu liu riu đến khi cạn còn 3/4 là đạt [Nấu 1.6 kg nước + đường còn 1.2 kg nước đường], thời gian tầm khoảng 50 phút.
  • Hớt bọt thường xuyên để nước đường được trong.
  • Sau khi nấu xong thì để nguội hẳn rồi đổ nước đường vào hũ đậy kín nắp [đổ qua một cái rây để lược bỏ cặn bã từ vỏ chanh và thơm], nước đường khi nguội sẽ đặc hơn lúc còn nóng một chút.

Lưu ý để thành công:

  • Do đặc tính của nước đường bánh nướng là càng để lâu càng trở nên đậm màu và vị càng ngon hơn, có thể bảo quản từ 2 đến 3 năm. Thời gian có thể sử dụng nước đường là khoảng 2 tháng sau ngày nấu nhưng nếu các bạn dùng 100% đường vàng theo công thức này thì có thể sử dụng sau 15 ngày.
  • Hũ đựng nước đường phải thật sạch và khô ráo để nước đường không bị nổi váng.
  • Khi bật bếp lên nấu là ngừng khuấy để tránh tình trạng lại đường, lúc cho nước cốt chanh vô thì rưới đều và chỉ cầm tay cầm của nồi lắc lắc cho nước cốt chanh hòa đều với nước đường thôi chứ không khuấy.
  • Nếu nấu nước đường đặc quá thì vỏ bánh sẽ bị cứng, còn loãng quá sẽ làm vỏ bánh bị nhão nên nước đường cần phải có độ đặc loãng vừa phải thì vỏ bánh mới đạt chuẩn. Các bạn có thể kiểm tra nước đường đã ok chưa bằng cách nhỏ một giọt nước đường vào chén nước lọc, nếu nước đường rơi xuống đáy chén rồi mới lan ra là đạt, nếu nước đường rơi xuống đáy chén và không lan ra là quá đặc còn nước đường vừa chạm mặt nước đã tan ngay là quá loãng.
  • Nếu nước đường quá loãng thì các bạn chỉ cần bắt lên bếp nấu tiếp đến khi đạt là được thôi.
  • òn nếu nước đường bị đặc kẹo sau khi để một thời gian, các bạn chỉ cần ngâm hũ đựng nước đường vào nước ấm cho lỏng ra, sau đó hòa thêm ít nước nóng rồi cho vào nồi nấu lại cho loãng hơn là ok.
  • Trường hợp lỡ tay làm nước đường bị lại đường [xuất hiện một lớp hạt đường màu trắng dưới đáy hũ sau khi nguội hoặc sau khi để một thời gian], các bạn có thể khắc phục bằng cách ngâm hũ nước đường này vào nước nóng cho đường tan bớt rồi cho ra nồi, thêm nước lọc và nước cốt chanh vào nấu lại đến khi nước đường đạt.

B. NHÂN BÁNH TRUNG THU TIRAMISU

1. Nguyên liệu

  • Hạt sen tươi: 200 g
  • Muối: 1 g
  • Đường cát: 100 g
  • Dầu dừa: 45 g
  • Bột mì số 11: 25 g
  • Bột bánh dẻo: 5 g
  • Bột cà phê nguyên chất: 15 g [pha phin với 100 g nước sôi thu được khoảng 80 g nước cà phê]
  • Kem phô mai viên: 10 viên, mỗi viên 10 g

Lưu ý việc chọn phô mai:

  • Có thể dùng phô mai con bò cười dạng viên nhỏ hoặc cắt cream cheese thành những viên nhỏ như hình mẫu.
  • Nếu dùng phô mai con bò cười thì dễ tạo hình hơn và lúc cắt bánh ra đẹp mắt hơn do viên phô mai cứng và đều đặn, vị ngon chỉ ở mức chấp nhận được.
  • Nếu dùng creamcheese thì phải giữ lạnh đến khi dùng, tạo hình khó hơn và lúc cắt bánh ra thì creamcheese hơi vụn vỡ do creamcheese mềm hơn, nhưng vị ngon thì béo thơm hơn phô mai con cười rất nhiều.

2. Cách làm:

Bước 1: Luộc hạt sen

  • Rửa sạch hạt sen rồi cho vào nồi cùng với muối, đổ nước vào nấu ở lửa vừa đến khi hạt sen mềm nhũn rồi cho đường vào nấu đến khi đường tan.

Bước 2: Xay nhuyễn hạt sen

  • Cho hạt sen đã nấu mềm vào máy xay sinh tố, cho thêm nước cà phê và ít nước lọc sao cho phần nước xâm xấp mặt hạt sen [nếu cho nước cà phê vào mà xâm xấp mặt hạt sen rồi thì thôi không nước lọc nữa] rồi xay nhuyễn.

Bước 3: Sên nhân

  • Dùng rây lọc phần hạt sen xay nhuyễn vào chảo không dính rồi đảo đều tay đến khi hạt sen nóng lên.
  • Cho từ từ 15 g dầu dừa vào đảo, chia làm 3 lần cho, khi thấy dầu đã quyện đều vào hạt sen rồi thì mới cho tiếp. LƯU Ý: Phải cho dầu từ từ vào và phải đảo đến khi dầu quyện đều vào hạt sen thì mới làm bước tiếp theo, nếu không nhân thành phẩm sẽ bị tách dầu.
  • Cho bột mì và bột bánh dẻo vào chén, cho tiếp 30 g dầu dừa còn lại vào trộn đều đến khi hỗn hợp mịn mượt hoàn toàn rồi đổ hỗn hợp bột dầu này vào chảo nhân đảo tiếp đến khi nhân sánh đặc lại. LƯU Ý: Nên pha sẵn hỗn hợp bột dầu rồi để đó, khi trộn xong dầu dừa là có bột dầu để làm ngay.
  • Lúc này hạ lửa nhỏ vừa đảo liên tục đến khi nhân tạo thành khối dẻo không dính tay. Các bạn có thể vo thử 1 cục thấy nhân đứng không bị xệ xuống như hình mẫu là đạt. LƯU Ý: Phải sên nhân ở lửa nhỏ vừa, tránh việc tăng lửa lớn để tiết kiệm thời gian, điều này là nguyên nhân khiến nhân bị tách dầu.
  • Tổng thời gian từ lúc bắt đầu bắc chảo nhân lên bếp đến lúc sên nhân đạt chuẩn là khoảng 50 phút, thu được khoảng 500 g nhân thành phẩm.

[C] VỎ BÁNH TRUNG THU TIRAMISU

1. Nguyên liệu

  • Nước đường: 90 g [có thể tự nấu hoặc mua sẵn]
  • Dầu ăn: 20 g
  • Bột mì số 11: 125 g
  • Bột cacao: 25 g
  • Hỗn hợp quét mặt: 1 lòng đỏ + 20 ml sữa tươi không đường [trộn đều rồi rây mịn]

2. Cách làm:

Bước 1: Trỗn hỗn hợp nước đường

  • Cho nước đường và dầu ăn vào 1 thau lớn rồi trộn đều, để sang một bên.

Bước 2: Chuẩn bị bột

  • Rây bột mì và bột cacao vào thau rồi trộn đều, để sang một bên.

Bước 3: Nhồi bột

  • Cho hỗn hợp bột vào thau hỗn hợp nước đường, đeo bao tay nilon vào rồi nhồi đến khi bột quyện thành khối, có thể còn dính tay nhưng không nhiều lắm. Lấy màng bọc thực phẩm bọc cục bột lại rồi cho bột nghỉ 50 phút.

Lưu ý phần nhồi bột:

  • Tùy bột cũ mới mà độ hút nước khác nhau [bột mới thì khả năng hút nước kém hơn bột cũ] nên trước mắt cứ cho đúng theo công thức, trong quá trình nhồi thì quan sát, nếu thấy bột hơi bở, không dính vào nhau thì thêm chút nước đường, tầm 2 g một lần là đủ, nhồi xong chưa đạt thì thêm tiếp. Nếu thấy bột ướt thì cho thêm bột mì vì bột mềm ướt quá đóng bánh sẽ bị mất nét. Nói chung bước nhồi bột này cũng cần một chút kinh nghiệm để cảm nhận được bột thế nào là đạt, các bạn làm hai đến ba mẻ bánh là bản thân sẽ tự rút được kinh nghiệm cảm bột ngay thôi.
  • Không nhồi bột quá lâu để tránh bột bị chai, đóng bánh cũng sẽ bị mất nét.
  • Phải cho bột nghỉ đủ thời gian trước khi đóng bánh để vỏ bánh không bị nứt khi nướng và dáng bánh cứng cáp.

[D] TẠO HÌNH BÁNH TRUNG THU

  • Tạo hình theo nguyên tắc 1 vỏ 2 nhân. Ở đây Trang hướng dẫn cho các bạn làm bánh 75 g, nghĩa là 50 g nhân + 25 g vỏ. Một công thức này được 12 bánh.
  • Cân nhân và vo tròn nhân, dùng tay ép dẹp viên nhân đặt viên phô mai vào chính giữa, khéo léo bọc lại rồi vo tròn như hình mẫu, để sang một bên.
  • Cân vỏ rồi vo tròn vỏ như hình mẫu, để sang một bên.

[E] ĐÓNG BÁNH TRUNG THU

  • Phủ bột chống dính lên bàn, cán mỏng vỏ bánh, đặt cục nhân vào giữa rồi cũng bọc vỏ bánh lại và miết kín mép vỏ như hình mẫu.
  • Áo một lớp bột chống dính mỏng vô khuôn rồi cho viên bánh, tiếp tục ấn đè cho viên bánh áp sát vào khuôn, sau đó úp khuôn xuống rồi ấn mạnh và nhẹ nhàng lấy bánh ra. Cứ vậy cho đến hết.
  • Dùng tăm xâm thành bánh để hạn chế bánh bị phồng trong lúc nướng. LƯU Ý: Bước này chỉ làm khi kỹ thuật bọc bánh của các bạn chưa tốt. Nếu các bạn bọc bánh tốt, bột và nhân được áp sát nhau thì không cần làm bước này, thành bánh ra lò cũng sẽ đẹp hơn.

[D] NƯỚNG BÁNH TRUNG THU

Lần 1:

  • Nướng bánh ở rãnh giữa lò, nhiệt 190ºC trong 10-12 phút hoặc quan sát thấy bánh đục thì lấy bánh ra lò, xịt nước lên ngay lập tức để vỏ bánh nguội bớt.
  • Sau khi vỏ bánh nguội hẳn thì quét mặt bánh lần 1. LƯU Ý: Nên dùng khay lỗ không có viền xung quanh và lót giấy nến để thành và đáy bánh được chín đẹp. Lúc quét mặt không để bọt khí đọng lại và chỉ quét một lớp vô cùng mỏng để mặt bánh được đẹp, không bị mất nét.

Lần 2:

  • Nướng nhiệt 190ºC trong 7-8 phút, sau đó lấy bánh ra, chờ bánh nguội hoàn toàn thì quét mặt bánh lần 2, lưu ý như lần 1.

Lần 3:

  • Nướng nhiệt 190ºC trong 7-8 phút là xong.

Lần 4:

  • Sau khi nướng xong lần 3 thì lấy bánh ra ngoài, hạ cho nguội bớt, hạ nhiệt độ xuống còn 100ºC và sấy bánh trong 20 phút. Việc làm này giúp bánh được khô ráo, bảo quản bánh được lâu hơn và bánh không bị ướt sau khi nướng 2 ngày.

[G] BẢO QUẢN BÁNH TRUNG THU

  • Bánh nướng sau 1 ngày sẽ tươm dầu ra làm vỏ bánh bóng và lên màu rất đẹp.
  • Bánh để khô hoàn toàn rồi bỏ vào hộp kín kèm 1 gói hút ẩm.
  • Do nhân bánh là kem phô mai nên hạn sử dụng cũng ngắn hơn bánh nướng truyền thống, phải dùng hết trong vòng 3 ngày kể từ ngày ra lò nếu để bánh ở nhiệt độ phòng.
  • Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì hạn sử dụng lên đến 7 ngày.

Chúc các bạn thành công!

Nếu bạn thích bài viết này, hãy đánh giá, like, share và subscribe blog của TuBi Kitchen để thường xuyên cập nhật những công thức và chia sẻ hay nhất, mới nhất qua email nhé. Cảm ơn các bạn rất nhiều.:-]

Video liên quan

Chủ Đề