Cách hoạch toán tk theo thông tư 107

Trong những năm gần đây, pháp luật liên quan đến công tác kế toán tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp [HCSN] đã được thay thế, sửa đổi, bổ sung, cụ thể như: Luật Kế toán số 88/2015/QH13; Luật Ngân sách nhà nước [NSNN] số 83/2015/QH13; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập [SNCL]; Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước...

Trong khi đó, chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị HCSN được Bộ Tài chính ban hành theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC từ năm 2006 đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Do vậy, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 107/2017/TT-BTC với nhiều quy định mới được điều chỉnh theo hướng đầy đủ, chặt chẽ hơn cho các đơn vị trong quá trình thực hiện công tác kế toán, đáp ứng yêu cầu mới trong công tác tài chính nhà nước hiện nay và tuân thủ thông lệ quốc tế.

Các đối tượng được áp dụng theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị SNCL [trừ đơn vị SNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư], tổ chức, đơn vị khác có hoặc không sử dụng NSNN theo 4 nội dung chính: Hệ thống chứng từ kế toán bắt buộc; Hệ thống tài khoản kế toán; Hệ thống sổ kế toán và Hệ thống báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán. So với chế độ kế toán cũ, Thông tư số 107/2017/TT-BTC đã kế thừa những ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế của Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 185/2010/TT-BTC, đã hướng dẫn chi tiết hơn một số tài khoản, bổ sung nhiều tài khoản mới, phương pháp hạch toán thay đổi, nhằm phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh mà các quy định trước đó chưa đề cập đến. Với những điểm thay đổi căn bản về phương pháp hạch toán sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị HCSN ghi nhận và quản lý tài chính một cách đầy đủ và chặt chẽ hơn. Đây là cơ sở quan trọng để các đơn vị hành chính, sự nghiệp hoàn thiện công tác kế toán.

Bài viết trao đổi một số vấn đề về kế toán xuất kho vật tư theo quy định tại Thông tư 107/2017-TT-BTC. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện kế toán xuất kho vật tư, nâng cao chất lượng thông tin phục vụ quản lý.

Từ khóa: nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Abstract

The article discusses some issues of accounting for issuing raw material, tool inventory as prescribed in Circular 107/2017-TT-BTC, proposing some solutions to improve the quality of information for management

Keywords: raw materials, tool, non business and administrative unit.

JEL Classifications: M40, M41, M49.

DOI: //doi.org/10.59006/vnfa-jaa.06202328

  1. Quy định hiện hành về kế toán xuất kho vật tư

1.1. Đối với nguyên liệu, vật liệu:

– Khi xuất kho nguyên liệu, vật liệu ra sử dụng [nguyên liệu, vật liệu mua bằng nguồn ngân sách nhà nước] ghi:

Nợ tài khoản [TK] 611 – Chi phí hoạt động

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

– Khi xuất kho nguyên liệu, vật liệu ra sử dụng [mua bằng nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài] ghi:

Nợ TK 612 – Chi từ nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

– Khi xuất kho nguyên liệu, vật liệu ra sử dụng [mua bằng nguồn phí được khấu trừ, để lại] ghi:

Nợ TK 614 – Chi phí hoạt động thu phí

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

– Cuối năm, kế toán tính toán kết chuyển từ TK các khoản nhận trước chưa ghi thu sang các TK thu [doanh thu], tương ứng với số nguyên vật liệu hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp; phí được khấu trừ, để lại hoặc nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài đã xuất ra sử dụng trong năm, ghi:

Nợ TK 366 – Các khoản nhận trước chưa ghi thu [36612, 36622, 36632]

Có các TK 511, 512, 514

1.2. Đối với công cụ, dụng cụ

– Khi xuất kho công cụ, dụng cụ ra sử dụng [mua bằng nguồn ngân sách Nhà nước] ghi:

Nợ TK 611 – Chi phí hoạt động

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ

– Khi xuất kho công cụ, dụng cụ ra sử dụng [mua bằng nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài] ghi:

Nợ TK 612 – Chi từ nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ

– Khi xuất kho công cụ, dụng cụ ra sử dụng [mua bằng nguồn phí được khấu trừ, để lại] ghi:

Nợ TK 614 – Chi phí hoạt động thu phí

Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ

– Cuối năm, kế toán tính toán kết chuyển sang các TK thu [doanh thu] tương ứng với số công cụ, dụng cụ hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp; phí được khấu trừ, để lại hoặc nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài đã xuất ra sử dụng trong năm, ghi:

Nợ TK 366 – Các khoản nhận trước chưa ghi thu

Có các TK 511, 512, 514

  1. Nhận xét

2.1. Ưu điểm

Các khoản thu nhập tương ứng liên quan nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất dùng trong năm được phản ánh một lần duy nhất tại thời điểm cuối năm, giúp tiết kiệm thời gian phản ánh nghiệp vụ.

2.2. Nhược điểm

– Chi phí ghi nhận khi xuất kho, thu nhập ghi nhận tại thời điểm cuối năm, do đó trường hợp trong năm cần số liệu kế toán phân tích liên quan hiệu quả thu nhập, chi phí đối với hoạt động hành chính sự nghiệp phục vụ hoạt động quản trị không được cung cấp kịp thời.

– Cuối năm, phải tập hợp giá trị xuất kho để phản ánh thu nhập tương ứng, công việc cuối năm sẽ bị dồn; mặt khác, có thể dẫn đến nguy cơ tập hợp bị thiếu sót số liệu.

– Đối với các khoản chi phí phát sinh đủ điều kiện, đã thanh toán ngay bằng tiền hoặc rút dự toán khi phát sinh được phản ánh bút toán, đồng thời ghi nhận thu nhập tương ứng. Cụ thể:

Theo quy định tại Thông tư 107/2017/TT-BTC, khi chi cho các cho hoạt động thường xuyên, không thường xuyên; cho hoạt động viện trợ, vay nợ nước ngoài; cho hoạt động thu phí, lệ phí bằng tiền mặt, từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài; nguồn phí được khấu trừ, để lại ghi:

Nợ các TK 611, 612, 614

Có TK 111 – Tiền mặt

Đồng thời, ghi:

Nợ TK 337 – Tạm thu [3371, 3372, 3373]

Có các TK 511, 512, 514

Trong khi, đối với nguyên liệu, vật liệu xuất kho, thu nhập theo quy định hiện hành được ghi nhận tại thời điểm cuối năm. Điểm này đôi khi gây khó cho người học và người thực hành công việc kế toán một cách không cần thiết, do việc xử lý không đồng nhất.

  1. Kiến nghị

Theo tác giả, đối với nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ khi xuất kho phục vụ cho các hoạt động hành chính, sự nghiệp kế toán, đồng thời ghi nhận thu nhập tương ứng. Cụ thể:

– Khi xuất kho nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ ra sử dụng, dùng cho các hoạt động hành chính, sự nghiệp ghi:

Nợ TK 611, 612, 614

Có TK 152, 153

– Đồng thời, kế toán kết chuyển sang các tài khoản thu [doanh thu] tương ứng với số nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp; phí được khấu trừ, để lại hoặc nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài đã xuất ra sử dụng, ghi:

Nợ TK 366 – Các khoản nhận trước chưa ghi thu

Có các TK 511, 512, 514

– Cuối năm, kế toán không phải tập hợp giá trị xuất kho để phản ánh thu nhập tương ứng, công việc cuối năm không bị dồn; mặt khác, hạn chế việc tập hợp bị thiếu sót số liệu. Do thu nhập được phản ánh cùng thời điểm ghi nhận chi phí.

– Với cách ghi nhận như trên, trường hợp trong năm cần số liệu kế toán phân tích liên quan hiệu quả thu nhập, chi phí đối với hoạt động hành chính, sự nghiệp phục vụ hoạt động quản lý được cung cấp kịp thời.

Tài liệu tham khảo

Bộ Tài chính. [2017]. Thông tư 107/2017/TT-BTC, hướng dẫn các đơn vị hành chính, sự nghiệp.

Bộ Tài chính. [2021]. Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 01/09/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam đợt 1.

Bộ Tài chính. [2022]. Quyết định số 1366/QĐ-BTC ngày 06/07/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về công bố 06 Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam đợt 2.

Chủ Đề