Các điểm đậu xe thu phí như thế nào năm 2024

[Thanhuytphcm.vn] - Qua hơn 1 năm thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô theo Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của HĐND TP, đã đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên, nguồn thu vẫn chưa như kỳ vọng đặt ra và còn nhiều vấn đề bất cập trong công tác triển khai thu phí cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Vẫn còn nhiều tồn tại

Những ngày đầu tháng 2, dạo quanh các tuyến đường sử dụng tạm thời lòng đường để thu phí đỗ xe ô tô như Lê Lai, Phan Chu Trinh… chúng tôi nhận thấy lượng xe đậu rất ít so với thời điểm trước khi triển khai theo Nghị quyết 01/2018/NQ-HDND. Anh Nguyễn Văn Dũng, tài xế ô tô 4 chỗ đậu xe ở điểm đỗ xe có thu phí trên đường Lê Lai, Quận 1 cho biết: Trước đây, khi thu phí trực tiếp trả bằng tiền mặt mỗi lần vào đậu xe rút tiền ra trả cho nhân viên thu phí là xong. Nhưng nay thu qua app nên không có app không đặt được, dù hệ thống phần mềm có hướng dẫn nhưng do điện thoại không xài mạng Viettel nên không đặt được và mỗi lần vào đậu xe là phải nhờ người khác đặt dùm. Mặt khác, về mức phí 25.000 đồng/giờ là quá cao nên với những xe đậu nhiều giờ người ta vô bãi giữ xe gửi cho rẻ. Vì vậy, anh Nguyễn Văn Dũng mong muốn thay đổi mức thu phí là 25.000 đồng/lượt; cũng như hệ thống phần mềm thanh toán phí đậu xe nên triển khai rộng rãi cho các mạng di động thay vì chỉ mạng Viettel như hiện nay.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải [GTVT] TPHCM Trần Quang Lâm cho hay: Việc thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô theo Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 của HĐND TP, tình hình trật tự an toàn giao thông trên 23 tuyến đường có thu phí đã có nhiều chuyển biến tích cực, lòng đường trở nên thông thoáng hơn. Đồng thời, tăng cường nhận thức của người dân về phí phải thanh toán khi sử dụng tạm thời kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Luật Phí và lệ phí, từ đó cân nhắc việc sử dụng phương tiện ô tô cá nhân khi lưu thông vào khu vực trung tâm TP; tác động phần nào đến tâm lý người dân về hạn chế thói quen sử dụng tiền mặt.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là về công nghệ, tiện ích, thiết bị đi kèm, ứng dụng My Parking và một vài thiết bị điện tử còn xảy ra lỗi trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện; đến nay, các lỗi này phần nào đã và đang từng bước được khắc phục. Việc cung cấp các thông tin liên quan đến tổ chức giao thông, tích hợp dữ liệu các tuyến đường, vị trí cấm dừng, đỗ xe, vị trí trông giữ xe… chưa được kết nối và cập nhật. Do đó, ứng dụng chưa thu hút được sự quan tâm của người dân, người điều khiển phương tiện.

Đồng thời, công tác phối hợp giữa các đơn vị tại hiện trường chưa tốt dẫn đến nhiều nhiệm vụ đạt kết quả chậm. Đặc biệt, trong giai đoạn nhân sự tại hiện trường do các quận phụ trách, xuất hiện một số tình trạng như: thu sai mức phí, đăng ký không đủ thời gian, không nộp tiền vào hệ thống; chưa tuân thủ thời gian thực hiện thu phí; sử dụng thiết bị chưa thông thạo, còn chậm trong việc hướng dẫn người điều khiển phương tiện.

Mặt khác, cá nhân, tổ chức có công trình tại mặt tiền các tuyến đường cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện khi chính quyền địa phương ở một số nơi vẫn chưa hỗ trợ. Người điều khiển phương tiện không hợp tác, không thực hiện việc đặt chỗ và thanh toán theo quy định. Một số phương tiện không đỗ xe tại vị trí có thu phí mà di chuyển sang các tuyến đường khác [kể cả các tuyến đường cấm dừng đỗ xe] gây mất trật tự an toàn giao thông nhưng công tác xử lý chưa được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, về tổ chức giao thông khu vực thu phí chưa xem xét tổ chức hợp lý tổng thể giao thông khu vực.

Nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức thu phí phù hợp

Đề cập về nguyên nhân của những tồn tại trong thu phí đỗ xe ô tô theo Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho rằng: Đây là hình thức quản lý đỗ xe và thu phí sử dụng tạm thời lòng đường mới lần đầu triển khai áp dụng tại Việt Nam; đơn vị thực hiện thu phí [Viettel TPHCM] vẫn đang tổ chức thí điểm, vừa làm, vừa ghi nhận các khó khăn và hoàn thiện dần về các giải pháp công nghệ.

Đồng thời, việc thanh toán bằng hình thức nhắn tin đến đầu số 1008 chỉ thực hiện được đối với người sử dụng thuê bao mạng viễn thông Viettel, các nhà mạng khác vẫn chưa kết nối. Cùng với đó, công nghệ quản lý đỗ xe và thu phí cũng chưa kết nối được với các nhà mạng khác dẫn đến hạn chế khách hàng sử dụng dịch vụ mạng viễn thông không phải Viettel.

Ngoài ra, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến. Các hành vi vi phạm như đỗ xe vào ô đỗ nhưng không nộp phí hoặc nộp không đúng, không đủ được điều chỉnh theo Luật Phí và lệ phí, thẩm quyền xử phạt thuộc UBND các cấp ở địa phương, thanh tra, công chức trong lĩnh vực thuế, tài chính. Tuy nhiên, do đây là hình thức mới nên các lực lượng lúng túng trong quá trình thực hiện. Lực lượng tại hiện trường không có thẩm quyền xử lý vi phạm; không có giải pháp chế tài buộc người vi phạm phải chấp hành hay cưỡng chế phương tiện vi phạm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết: Trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức thu phí phù hợp, nhằm thực hiện hiệu quả công tác thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô. Đồng thời, nghiên cứu thí điểm lắp đặt bổ sung thiết bị cảm biến dưới lòng đường ghi nhận lượt phương tiện vào, ra từng ô đỗ xe, thời gian đỗ và thông báo đến thiết bị quản lý nâng cao độ chính xác. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng phương án xử phạt nguội đối với các hành vi, phương tiện vi phạm trên phạm vi đỗ xe có thu phí.

Mặt khác, Sở tiến hành rà soát và tổ chức cấm đỗ xe ở các tuyến đường xung quanh. Mở rộng phạm vi tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đỗ xe khu vực trung tâm TP và lân cận; đồng thời, tổ chức cấm dừng, đỗ xe đồng bộ trên các tuyến đường quanh phạm vi tổ chức thu phí. Bên cạnh đó, phối hợp Viettel TPHCM xây dựng kế hoạch thực hiện công tác truyền thông rộng rãi, hiệu quả.

Theo Sở GTVT TPHCM, số phí thu từ tháng 8/2018 đến giữa tháng 1/2020 là 2,191 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 1 [từ tháng 8/2018 đến tháng 4/2019] do Đội Trật tự đô thị các quận thực hiện, số phí thu được 776,888 triệu đồng, trung bình khoảng 2,8 triệu đồng/ngày. Giai đoạn 2 [từ tháng 5/2019 đến tháng 1/2020], số phí thu được là 1,387 tỷ đồng, trung bình khoảng 6,608 triệu đồng/ngày.

Chủ Đề