Bổ túc văn hóa gia lai kon tum

Ngày đăng: 19-11-2013, 08:00 - Lượt truy cập: 1094

​ Đội ngũ nhà giáo Việt Nam là một tập hợp phần lớn tầng lớp trí thức nước ta, họ đã được đào tạo một cách bài bản cả trong và ngoài nước, có những cống hiến nhất định cho nền giáo dục quốc gia qua các thời kỳ khác nhau tạo nên một diện mạo mới cho sự phát triển giáo dục-đào tạo kể từ khi nước nhà được độc lập.

​Trong những năm chiến tranh ác liệt với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến…”, cả dân tộc lên đường đánh giặc nhưng chúng ta vẫn luôn duy trì sự học một cách kiên trì và sáng tạo với một góc nhìn hết sức hiện đại và nhân văn, đó là học để phục vụ kháng chiến; học để xây dựng đất nước thời hậu chiến. Chính vì vậy trẻ em ở hậu phương cũng như chiến sĩ ở mặt trận, nhân dân ở các vùng căn cứ, vùng tạm chiếm… cũng đều nô nức cắp sách đi học dưới mưa bom bão đạn.

Người thầy giáo lúc này vừa cầm súng vừa cầm phấn và dạy học ở mọi nơi mọi lúc, có khi trong hầm tối, địa đạo, khi thì dưới bóng cây ở một khoảnh rừng nào đó, khi thì trong những lán trại tạm bợ… thế nhưng vẫn đào tạo nên những lớp người yêu nước, có tri thức và biết xả thân vì đại cuộc. Nhiều người thầy trong kháng chiến chống Mỹ kể lại rằng, vì hoàn cảnh, hầu hết trẻ em ở các vùng giải phóng, vùng căn cứ đều thất học, đa phần thanh niên không biết chữ, thấy mà thương! Mình là thầy giáo đi làm cách mạng nên phải tìm mọi cách để mở trường mở lớp cho các em học cái chữ; thanh niên tham gia các lớp bổ túc văn hóa… Không có chương trình, sách giáo khoa thì thầy tự đề ra mục tiêu rồi soạn bài giảng để dạy với yêu cầu hết sức “thời chiến” là, dạy cho các em biết đọc, biết viết, làm các phép tính cộng-trừ-nhân-chia; biết viết thư, làm báo cáo… thế là được.

Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành từ những lớp học bình dân như thế này. Tất nhiên, sau này các em đã phấn đấu học lên trong những trường đào tạo chính quy hơn. Không những thế, từ sau những năm bảy mươi của thế kỷ trước, từ trong khu căn cứ cách mạng ở Đak Tô-Tân Cảnh [tỉnh Kon Tum] chúng ta đã chủ trương mở các lớp sư phạm để đào tạo giáo viên nhằm phát triển giáo dục ở những vùng giải phóng phía Bắc Tây Nguyên. Chính vì “tầm nhìn xa” này, chúng ta đã tạo được một đội ngũ giáo viên mới ở địa phương sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục trước và sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, sự nghiệp giáo dục-đào tạo được chú trọng và mở rộng, đội ngũ giáo chức được tăng cường và nhanh chóng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các cơ sở trường lớp được triển khai đại trà từ các vùng sâu, vùng xa đến vùng nông thôn, thành thị; quy mô các cấp học, bậc học được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em các tầng lớp nhân dân.

Chính nhờ sự quan tâm đầu tư một cách thiết thực cả về nhân tài, vật lực cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo ngay từ buổi đầu nên trình độ dân trí từ chỗ đa phần người dân trong độ tuổi không biết đọc, biết viết, chúng ta đã nhanh chóng xóa được nạn mù chữ rồi tiến đến phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở…

Nhiều mô hình giáo dục phát triển trong giai đoạn này như: bổ túc công nông, bổ túc văn hóa tập trung, vừa học vừa làm, phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, đưa song ngữ vào giảng dạy ở các vùng dân tộc thiểu số có chữ viết… Một số những loại hình giáo dục đặc thù này đến nay vẫn còn áp dụng rộng rãi và thành công ở các vùng dân tộc ít người, miền núi. Đó là công lao và sự sáng tạo không mệt mỏi của các thế hệ nhà giáo tâm huyết với nghề nghiệp cao quý.

Nói đến nhà giáo là nói đến chữ tâm và sự sáng tạo. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã từng nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý; nghề sáng tạo bậc nhất trong những nghề sáng tạo. Có lẽ, nó được đánh giá là cao quý nhất bởi vì cái nghề ấy luôn gắn với chữ tâm không tách rời. Người ta lý giải rằng sự sơ ý của người thầy thuốc có thể làm hại một số ít người nhưng sự tắc trách của người thầy giáo có thể làm hư hỏng cả một thế hệ.

Nghiệm lại thực tế, trong một chừng mực nhất định, những năm qua với bao lần cải cách giáo dục ở nước ta đã chứng minh điều ấy. Còn nói đến sự sáng tạo thì đó là sự sáng tạo vô chừng nếu người thầy dành hết tâm huyết cho sự tiến bộ của học trò. Mỗi con người là một cá thể đặc biệt, có những tiềm năng riêng biệt. Khám phá, khơi dậy những tiềm năng ấy, hoàn thiện một nhân cách thì quả là điều diệu kỳ. Chỉ những người thầy giáo có tình yêu lớn và kỹ năng nghề nghiệp tốt thì mới có thể chạm đến cửa ngõ của tâm hồn của học sinh, khơi dậy cho các em niềm đam mê học tập và đi vào nghiên cứu, sáng tạo phục vụ cuộc sống sau này.

Nhiều thế hệ học sinh khi trưởng thành trên đường đời thường hay nhớ về, biết ơn những người thầy đã phát hiện và “hướng đạo” cho các em đi đúng con đường đã chọn. Đó là những người thầy không quá câu nệ vào khuôn phép, biết phản biện, luôn luôn đi tìm cái mới và sáng tạo.

Ngày nay, trong cơ chế thị trường, trước những cám dỗ vật chất nhưng đa phần những người thầy giáo chúng ta vẫn còn giữ được những phẩm chất cao quý, luôn xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nhiều trường học cũng đang xuất hiện những người thầy thiếu chuẩn, họ mượn danh môi trường sư phạm để trục lợi, biến học trò và phụ huynh học sinh thành “đối tác” để khai thác làm giàu cho chính mình. Nhiều cấp quản lý giáo dục không còn là người “cầm cân nảy mực” mà buông lỏng các nguyên tắc, tiêu chuẩn của ngành để xảy ra những tiêu cực và tham nhũng, coi thường kỷ cương phép nước…

Để đáp ứng với yêu cầu đổi mới một cách căn bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục-đào tạo như nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI [tháng 9-2013], đội ngũ nhà giáo hiện nay cần nâng cao hơn nữa về tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, luôn học hỏi và sáng tạo hơn nữa nhằm hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình.

Chủ Đề