Bộ phận nào của con người là vô dung nhất

Một điều mà chúng ta có thể chắc chắn là cơ thể của con người hiện đại đã có nhiều tiến hoá và thay đổi so với tổ tiên loài người khi xưa. Chính sự tiến hoá này đã dẫn đến một số bộ phận trên cơ thể từng đóng vai trò rất quan trọng trong sự sống còn của con người nhưng ngày này chúng trở nên vô dụng, số khác thì biến mất và chỉ còn để lại một chút dấu vết làm bằng chứng cho quá trình tiến hoá của con người.

Nhà nhân chủng học tiến hoá tại Đại học Boston, Dorsa Amir gọi điều này là sự dư thừa của tiến hoá. Amir cho rằng nếu một đặc điểm không còn hữu ích, nhưng lại vô hại với con người, thì chúng vẫn tiếp tục tồn tại cùng quá trình tiến hoá. Dưới đây là 9 bộ phận còn sót lại trên cơ thể con người dù chúng chẳng còn tác dụng gì.

1. Ruột thừa có thể được xem là bộ phận vô dụng nhất

Trong quá khứ, ruột thừa có thể đã từng giúp con người tiêu hoá các loại thực vật giàu Cellulose hay còn gọi là chất xơ. Hiện nay nhiều động vật có xương sống vẫn dựa vào ruột thừa để xử lý thức ăn trong quá trình tiêu hoá, thế nhưng đối với con người, bộ phần này lại không giúp ích gì, lại dễ mắc các bệnh viêm nhiễm. Amir cho hay “Khi chúng ta bắt đầu chuyển sang chế độ ăn uống thực phẩm đa dạng hơn và có thịt, cơ thể ta không còn cần đường ruột siêu dài và phức tạp nữa.”

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho rằng ruột thừa chứa một số lợi khuẩn cho đường ruột, nhưng vẫn chưa rõ liệu đây có phải là chức năng thật sự của ruột thừa hay là nó đang tìm cách thay đổi để phù hợp với cơ thể con người hơn.

2. Cơ Palmaris longus, khoảng 10% dân số con người không có loại cơ này.

Để kiểm tra xem liệu mình có loại cơ này, bạn hãy để ngửa cổ tay, chạm ngón cái và ngón út lại với nhau để kéo căng phần cổ tay, nếu bạn nhìn thấy một dải cơ trên cổ tay lõm xuống, thì đó chính là cơ Palmaris longus. Đây là loại cơ rất hữu dụng trong quá khứ, nó giúp con người có thể leo trèo lên cây bằng chi trước. Ngoài ra, nó còn giúp tăng lực cầm nắm. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở các loài linh trưởng thường xuyên leo trèo như khỉ, vuợn,… có phần cơ này rất dài và rõ, trong khi ở các loài khỉ đột, tinh tinh, phần cơ này ngắn hơn. Loài người đã bắt đầu đi bằng 2 chân từ khoảng 3,2 triệu năm trước, vì thế loại cơ này trở nên không còn giúp ích gì.

3. Răng khôn

Con người không còn cần đến hàm nhai mạnh bởi vì trong chế độ ăn uống hiện nay, thức ăn đã khá mềm và được nấu chín. Vì thế hàm của con người cũng trở nên nhỏ hơn, do đó không phải nướu ai cũng có đủ chỗ cho chiếc răng “ngu ngốc” này. Mấy ai ngờ được rằng chiếc răng gây đủ đau khổ cho chúng ta lại đóng vai trò quan trọng khi xưa đến thế nhỉ.

4. Hiện tượng nổi da gà

Phản ứng nổi da gà là do những sợi cơ Arrector pili co lại. Đối với các loài động vật sở hữu bộ lông dày, phản xạ này còn được gọi là dựng lông, giúp chúng bảo vệ cơ thể khỏi nhiệt độ. Hiện tượng này còn giúp chúng trông có vẻ lớn hơn, chẳng hạn như nhím để tự vệ hay đe doạ đối thủ. Ngày xưa, tổ tiên chúng ta sở hữu rất nhiều lông trên cơ thể, vì thế phản ứng này rất cần thiết để sinh tồn. Thế nhưng trong ngày nay chúng chẳng có tác dụng gì mấy.

5. Xương cụt

Ngoài là bằng chứng cho thấy loài người từng có đuôi, xương cụt thật sự không còn tác dụng gì cả. Hiện nay, đuôi vẫn hình thành trong phôi thai trong giai đoạn từ 5-8 tuần tuổi, sau đó biến mất khi con người sinh ra, và tạo nên xương cụt. Loại xương này đã giúp tổ tiên chúng ta thăng bằng và di chuyển tốt hơn. Nhưng con người đã học được cách đi 2 chân, do vậy qua thời gian chúng tiêu biến đi chỉ còn lại xương cụt.

6. Cơ auricular giúp tai có thể ngọ nguậy

Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao một số người lại có thể ngọ nguậy tai chưa? Câu trả lời là bởi họ vẫn còn loại cơ auricular thừa hưởng từ tổ tiên ta. Ở các loài động vật có vú, cơ này giúp chúng có thể điều chỉnh tai để tập trung thính giác với nơi có tiếng động. Dễ dàng nhìn thấy ở các loài động vật như chó, mèo,… hay vểnh tai để lắng nghe. Giờ thì chúng ta đã có phần cơ cổ linh hoạt, không còn cần di chuyển tai về phía âm thanh nữa. Thế nên, cơ này chỉ giúp một số người trông có vẻ hay ho hơn mà thôi.

7. Nhóm cơ ở bụng dưới

Đó chính là cơ pyramidalis có hình tam giác, nằm ở bụng dưới. Có người có 1 hay 2 hoặc chẳng có, điều này cũng chẳng gây ảnh hưởng gì vì chúng hoàn toàn vô dụng. Có khoảng 20% người không hề sở hữu một cơ pyramidalis nào. Cơ pyramidalis giúp linea alba [đường trắng] ở bụng co lại, nhưng điều này cũng không ảnh hưởng gì đến chức năng của cơ bụng.

8. Núm vú ở nam giới

Trong giai đoạn thai nhi trong bụng mẹ, nam nữ đều có phát triển như nhau, đến khi testosterone xuất hiện kích thích quá trình hình thành cơ quan sinh dục, tạo nên sự khác biệt giữa 2 giới. Nhưng trước giai đoạn này, núm vú đã hình thành. Khác với nữ giới, thông thường núm vú nam dường như là vô dụng chỉ để trang trí, chỉ trừ một số trường hợp khi mức độ prolactin [loại hormone giúp sản sinh sữa] tăng cao, nam giới vẫn có thể tiết ra sữa.

9. Mí mắt thứ 3

Hay còn được biết đến là plica semilunaris, một nếp gấp ở phía khoé mặt gần tuyến lệ nên nhiều người thường hay nhầm lẫn. Đây là dấu vết còn sót lại của mí mắt thứ 3, thường có ở chim, bò sát và một số loài động vật có vú, mí mắt này giúp chúng có thể phủ kín để bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn, ánh sáng mặt trời, giữ mắt luôn ẩm ướt hoặc có tác dụng như kính bơi khi chúng xuống nước. Tuy nhiên, con người hiện tại không còn điều khiển được mí mắt này và đây chỉ còn là dấu vết của quá trình tiến hoá mà thôi.

Chủ Đề