Bình định có tường nào trong quân đội không

Đến giờ, những người như ông: Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Sỹ, Trần Đình Trắc…[ở thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định] vẫn vẹn nguyên hồi ức tươi đẹp và xúc động về “cái ngày Đại tướng đi công tác ghé qua làng mình”. Tuy ở cùng thôn nhưng tuổi cao sức yếu, chỉ quanh quẩn trong nhà với con cháu, nhưng tin bác Giáp ra đi khiến những ông bạn già này sang nhà tìm nhau, bởi họ cùng lưu giữ những kỷ niệm về sự kiện đáng nhớ ấy.

Đều ở tuổi 85, cả ông Nguyễn Văn Tiên và Nguyễn Sỹ vẫn không thể nhớ chính xác ngày, tháng, năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến làng mình. Nhưng cả hai đều đinh ninh: “Năm đó, khoảng 1946, 1947, phương tiện đi lại là bằng ngựa. Bác Giáp đi cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều người nữa trong đoàn công tác của Trung ương từ Ba Tơ, Bồng Sơn đi ngang, ghé lại ở nghỉ tại nhà sau của Đình Tri Thiện một ngày một đêm, trời chưa sáng là đi. Lúc đó, tôi và cha tôi - cụ Nguyễn Vị - là thủ thừa đình Tri Thiện, được giao nhiệm vụ vừa canh phòng bên ngoài vừa lo cơm nước, chỗ ngủ nghỉ bên trong cho đoàn. Tôi chỉ nhớ cha dặn mình chơi quanh quẩn trước cổng đình, không để ai tự tiện ra vào, còn ông chuẩn bị cơm nước chu đáo. Những chuyện này mãi sau khi đoàn công tác rời khỏi địa phương chúng tôi mới được biết”, ông Nguyễn Sỹ nhớ lại.

Mốc thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn công tác của Trung ương về Tri Thiện được xác định là trong thời gian diễn ra Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn tỉnh. Đó là kỳ đại hội kéo dài mấy ngày đêm liền, tổ chức cắm trại ngay tại khu Vườn Xoài rộng lớn của thôn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế sát gần sân khấu để xem thanh thiếu nhi Bình Định ca hát, diễn kịch.

Những thanh thiếu niên ưu tú của Tri Thiện lúc đó như Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Vĩnh Lợi, Nguyễn Ngọc Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Trần Đình Ân, Nguyễn Mai, Trần Đình Lý, Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Sỹ, Nguyễn Thị Tài, Huỳnh Thị Lịch… ở chung một trại và phụ trách phần văn nghệ cho kỳ cắm trại. “Chúng tôi tổ chức các cuộc thi sáng tác nhạc, kịch nhanh cổ vũ khí thế đấu tranh và sau đó biểu diễn tức thời phục vụ. Chúng tôi hát vang các bài hát vừa sáng tác như “Thiếu niên ca”, “Chiến sĩ thi đua”; nhảy điệu múa “Kinh - Thượng kết đoàn”; diễn vở bài chòi tự biên “Tam tứ diệt”… Đâu biết được rằng trong số những người khách lạ chăm chú, mỉm cười xem chúng tôi diễn dưới kia có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, ông Nguyễn Văn Tiên xúc động lau nước mắt.

Những thanh thiếu niên Tri Thiện ngày ấy còn được phân công một nhiệm vụ đặc biệt là vẽ một bức tranh về Bác Hồ để gửi tặng Bác. Nhóm trại thanh thiếu nhi Tri Thiện đã tập trung tại nhà anh Phạm Thị [đã mất] để thực hiện bức tranh. Nguyên liệu làm tranh là một tấm nan tre khoảng 1m2, phết dầu rái lên, lấy cát mịn từ sông Tân An trải đều, dùng chai thủy tinh ép chặt, lại phủ lên một lớp dầu thường dùng làm nón lá để kết dính và sau cùng là đính lên đó các loại đậu trắng, nành, xanh, đen tạo chân dung Bác. “Bức tranh hoàn thành, chúng tôi đã rất lo không biết gửi đường nào để đến tận tay Bác Hồ, đâu biết được rằng món quà của thiếu nhi Bình Định này ngay trong đêm đã được chính tay Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang về tặng Bác”, ông Trần Đình Trắc góp thêm câu chuyện.

Cứ thế, những câu chuyện cũ bên lề nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghé qua Tri Thiện trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp được họ nhắc nhớ, xen lẫn nỗi bùi ngùi tiếc thương…

Được gặp gỡ, nói chuyện, nhận những lời căn dặn thân tình mà vô cùng sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đối với nhiều sĩ quan quân đội, ấy là một vinh dự lớn lao, thôi thúc họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao cả để mang lại độc lập tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Thiếu tá Vũ Thừa Khương [80 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn], nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 889 [Bộ CHQS tỉnh], có vinh dự hai lần được gặp Đại tướng. Ông Khương kể: “Tôi nhớ nhất là lần vào năm 1954, Trung đoàn 120 Liên khu 5 chúng tôi đóng quân ở Thọ Xuân, Thanh Hóa được đón Đại tướng đến thăm. Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ đơn vị, Đại tướng dặn dò: “Trước đây trong kháng chiến, từng vùng, từng nơi đẻ ra những “ông tướng con”, vì vậy không để xảy ra hiện tượng này từ nay về sau”. Đại tướng dẫn chứng: “Sở dĩ chúng ta đánh thắng các đế quốc sừng sỏ là nhờ cán bộ, chiến sĩ ta giữ vững kỷ luật, đoàn kết”. Lời căn dặn của Đại tướng đã đi theo suốt cuộc đời binh nghiệp của tôi và những cán bộ, chiến sĩ khác”.

Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suy nghĩ và cảm nhận của nhiều CCB không chỉ lớn lao, vĩ đại khi Đại tướng đến thăm, chỉ đạo và “tiếp lửa” tinh thần cho các đơn vị quân đội, mà còn rất đỗi gần gũi, thân thương. Thượng tá Chung Lực [80 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn], nguyên Trưởng ban Quân lực [Bộ CHQS tỉnh] kể, một lần vào tháng 5-1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Sư đoàn 324. Chiến sĩ Chung Lực vì cao to nên phải xếp hàng tận phía sau, cứ tưởng không được bắt tay Đại tướng, vậy mà Đại tướng đi đến từng hàng để bắt tay cán bộ, chiến sĩ cả Sư đoàn. Ông Lực tự hào: “Có lẽ Đại tướng là vị chỉ huy duy nhất trên thế giới làm được điều đó”.

Thượng úy Nguyễn Đức Tảng [80 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn], nguyên Trưởng ban Quân lực Trung đoàn 811 [Sư đoàn 342] và trung tá Võ Ngọc Quỳnh [67 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn], nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 739 [Bộ CHQS tỉnh], nguyên Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, đều kể về những lần được Đại tướng đến thăm khi đang an dưỡng, điều trị ở bệnh viện. Lần nào, Đại tướng cũng rất ân cần dặn dò các chiến sĩ cố gắng điều trị để có sức khỏe tốt, tinh thần lập trường vững vàng, tiếp tục vào Nam chiến đấu để giành độc lập cho dân tộc.

Trung tá Võ Ngọc Quỳnh xúc động kể: “Năm 1969, trong một trận đánh tôi bị thương ở mắt được chuyển ra Bệnh viện Quân y 108 điều trị. Tôi vừa mổ mắt được một ngày thì hay tin Đại tướng đến thăm bệnh viện. Lúc đó, mọi người tập trung ở hội trường để đón Đại tướng, tôi và một số thương binh nặng phải nằm tại giường bệnh. Cứ tưởng không được gặp Đại tướng, bất ngờ cuối buổi Đại tướng đã đến từng giường bệnh để hỏi thăm mọi người. Đại tướng hỏi tình hình sức khỏe của tôi và trước khi rời phòng bệnh, Đại tướng vỗ vai động viên: “Đồng chí cố gắng điều trị để mau bình phục tiếp tục công tác, chiến đấu”.

Đại tá Trần Thanh Gió [81 tuổi, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn], tâm sự, ông từng gặp Đại tướng nhiều lần nhưng lần ấn tượng nhất là vào năm 1964, lúc đó ông đang là thuyền trưởng của tàu phóng lôi thuộc Trung đoàn 172 [Bộ Tư lệnh Hải quân]. “Đại tướng đến thăm đơn vị và xuống tận tàu bắt tay tôi, căn dặn: Tàu chiến và khí tài của Liên Xô giúp đỡ, đồng chí phải cố gắng giữ gìn thật tốt. Nếu kẻ thù xâm lấn vùng biển mình thì đánh thắng ngay trận đầu”.

Anh Trần Việt Dũng [33 tuổi], con trai đại tá Trần Thanh Gió cũng có vinh dự nhiều lần gặp Đại tướng. Anh Dũng hiện là Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng quốc tế - Hà Nội Amsterdam [Học viện Kiến trúc Hà Lan]. Anh Dũng cho biết: Duyên cớ để tôi có hân hạnh gặp Đại tướng là khi tôi thực hiện các đồ án thiết kế có liên quan đến Đại tướng như: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên, Bảo tàng Võ Nguyên Giáp… Năm 2004, lần đầu tiên tôi được vào gặp Đại tướng để trình bày về các đồ án thiết kế. Tôi rất vinh dự bởi một doanh nhân - kiến trúc sư trẻ như tôi nhưng vẫn được Đại tướng tiếp rất nghiêm trang.

Đại tướng mặc quân phục và lúc đầu trợ lý của Đại tướng dặn tôi chỉ được thuyết trình 15 phút. Nhưng khi gặp rồi thì Đại tướng cho tôi thuyết trình không hạn chế thời gian, cả hai vợ chồng Đại tướng lắng nghe say sưa. “Qua nhiều lần tiếp xúc, tôi nhận ra Đại tướng là người rất coi trọng thế hệ trẻ và người tài”, kiến trúc sư Dũng đúc kết. Ngày 12.10 này, anh Dũng vinh dự được chọn có mặt trong Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia viếng Đại tướng.

Chủ Đề