Bia Phủi là gì

Bia Phủi là gì

Chuyện xưa của phủi Hà thành gắn liền với mùi rượu bia. Hễ đá bóng về là phải bia, đêm đến chuyển rượu đỡ đứng lên ngồi xuống nhiều. Các anh hào sân phủi ở đất Hoàng Thành gần như không ai không có tửu lượng cỡ Võ Tòng. Nhân tiện nhắc đến phủi cũ, mời các anh em đọc lại bài viết của Nhà báo Dưa Góp với mạch viết về các đội bóng mà ai đó… ngửi đã say rồi!

Chính chuyên nhất thì phải kể đến Bia Đỏ, CLB từng dự giải hạng Nhì toàn quốc. Nhưng cách vận hành của đội bóng này lại rất buồn cười, nó còn… bừa hơn tất cả các đội phong trào khác.

Phủi nặng thì nổi hẳn lên với bia Cường hói 19C Hoàng Diệu và Halida của quận Hai Bà. Cũng ở quận này, đứng sau một nấc là Rượu Hà Nội. Quận Thanh Xuân sinh sau đẻ muộn rồi thì cũng giới thiệu được Rượu Toàn.

Xin thưa ngay cho rõ, đến giờ mới chỉ có Bia Đỏ là đã chính thức bị giang hồ “xoá số”. Halida và Rượu Hà Nội hơi chìm do thiếu giao lưu, còn Cường hói (tên “giao dịch” là FC Cường Quốc) với Rượu Toàn (nay là FC Thành Đồng) đang nổi lên như là 2 thế lực uy mãnh không đội trời chung.

Nhắc đến Bia Đỏ là phải nhắc đến một người đặc biệt, ông bầu Bình Moka. Gọi ông như thế là bởi ông sở hữu quán café Moka khá nổi danh ở gần phố Nhà Thờ.

Sau này, ông nhảy sang làm Bia Đỏ và vận dụng tuyệt chiêu kinh doanh bằng bóng đá. Nói không ngoa, tư duy ấy của ông rất thức thời và sớm sủa chẳng kém gì bầu Kiên hay bầu Đức.

Nhưng ông Bình khác người ở chỗ một tấc đến giời. Và Bia Đỏ cũng khác các đội bóng quy củ ở chỗ vụt loé lên rồi vội tắt. Dân trong nghề bảo ông Bình còn chưa kịp thuộc tên cầu thủ nhà thì đã giải thể CLB rồi.

Bia Đỏ ngày ra mắt ở giải hạng Ba (2004) hoành tráng không thua gì một đội tuyển thu nhỏ. Những gương mặt cựu trào của Thể Công và Công an Hà Nội tụ về đây hết: Hồng Sơn, Tuấn Thành, Vũ Quang Minh, Hoàng Trung Phong, Bùi Đặng Huy Hoàng, cả thủ môn lừng lẫy Đỗ Thành Tôn…

Lực lượng khủng như thế nên Bia Đỏ thoắt một cái thăng ngay hạng Nhì. Ông Bình Moka mừng công bằng việc tổ chức một Festival nho nhỏ: thi uống bia Đỏ.

Người thắng cuộc là tay chơi nào đủ khả năng tu một hơi hết vại bia 2 lít trong thời gian nhanh nhất. Nghe đâu nhà vô địch ngay khi được xướng tên đã ộc ra một bãi lênh láng cả “chiến trường”.

Cuộc thi sau đấy bị báo chí mổ xẻ tơi bời là… thô thiển, là thiếu thuần phong mỹ tục…, nhưng thương hiệu bia Đỏ thì cũng kịp vang xa. Và với ông Bình Moka, có lẽ thế là vừa đủ.

Giải hạng Nhì 2005 không có đội xuống hạng. FC Bia Đỏ chẳng có mục tiêu tranh đấu. Bài toán đặt ra ngay: nuôi quân để làm gì? Thế là gánh xiếc tan.

Bù vào vị trí của những hảo thủ Sơn “công chúa”, Thành “gà tre”, Minh “bạc” hay Phong “chéc”…, bầu Bình tuyển về hầu hết là dân phủi hoặc ăn tập không đến nơi đến chốn.

Hồi đó, Bia Đỏ đá giải hạng Nhì với cặp tiền đạo “chân gỗ” Đào Việt Hà, vốn được nhặt ra từ giải sinh viên toàn quốc và diễn viên Hải Anh xỏ giày đinh như đi trên sàn catwalk. Chưa kể đôi lần cao hứng, đích thân ông bầu Bình Moka cũng mặc áo số 10 để vào sân.

Tớ còn nhớ HLV lúc ấy của Bia Đỏ là ông Phan Văn Mỵ, một người cũng rất tiếng tăm của Thể Công. Ông Mỵ về sau có nói vui là cầm đội Bia Đỏ chẳng khác nào cầm một đội bóng phường.

Có một truyền thuyết về bầu Bình, do đích thân các cầu thủ kể lại, mà đến tận bây giờ tớ vẫn chưa tin là thật. Đá xong giải hạng Nhì, các cầu thủ bị nợ lương. Năm lần bảy lượt điện thoại đòi, cuối cùng họ nhận được một cái hẹn đến thẳng quán bia giải quyết.

Họ đến quán bia, chờ dài cổ mà ông chủ vẫn bặt tăm. Mãi đến cuối ngày, khi khách đã về gần hết, mới thấy bầu Bình xuất hiện, trên tay cầm nắm tiền còn ướt nhẹp. Ông hồn nhiên: “Anh phải đợi mãi mới thu hết tiền bia để trả cho chúng mày đấy”!

Sau đó không lâu, Bia Đỏ bị bỏ quên khi ông Bình Moka chuyển hướng đầu tư cho thời trang (NEM). Lộ trình lên chuyên của ông chủ bia mãi mãi chỉ là câu chuyện tiếu lâm cho dân phủi Hà Nội cười nghiêng ngả.

Dưa Góp 

Bia Phủi là gì

Nhiều người hỏi tôi, bầu chuyên còn chả thích thì bầu phủi thú vị ở điểm gì? Xin thưa, bầu Cường “hói” thú vị nhất trong số các ông bầu thú vị mà tôi từng biết. Ít nhất, ở Việt Nam làm gì có ông bầu… ít tóc mà làm bóng đá đoạt nhiều danh hiệu?

Cái thú vị thứ hai của Cường “hói” là việc ông ấy trở thành Bầu (có khi) sớm nhất nước. Từ thời bao cấp, Hà Nội chồng chất xích lô, xe đạp Phượng Hoàng là phương tiện phổ biến, thương hiệu Thống Nhất  xếp thứ hai, sau rồi mới đến mini Nhật và xe địa hình, bầu Cường “hói” đã là ông chủ của dàn quân thiện chiến.

Nếu tôi nhớ không lầm, người đàn ông có vẻ ngoài rất dễ nhận ấy có đội phủi từ ngày Thể Công dưới trướng Sếp Hà Quang Liêm (cầu thủ hay gọi là Bố Liêm) vô địch quốc gia năm 1998. Ngót hai chục năm rồi chứ chả ít!

Người ta nể bầu Đức về tiềm lực kinh tế, bầu Hiển về khả năng thâu tóm, bầu Đệ về “vũ khí”, nhưng tất cả các ông bầu ấy cũng chưa chắc hơn bầu Cường về mức độ ham mê bóng đá.

Gần 20 năm trên sân phủi, bầu Cường chọn cho mình con đường khó đi nhất trong số các lựa chọn. Làm bóng đá chuyên nghiệp thì nổi tiếng nhanh, có thể đánh đổi cái nọ cái kia, có thể làm giàu, có thể lên quan. Mà ở Việt Nam, chuyện ông bầu cầm đội để làm kinh tế, thực hiện sứ mệnh bản thân chẳng ít. Thế mới có chuyện trào lưu giải tán và một mớ cầu thủ ra đường nở rộ như những năm trở lại đây.

Nhưng bầu Cường – đại diện cho sân phủi – miệt mài như con ong thợ, chừng ấy thời gian bỏ tiền túi nuôi quân đá phong trào… cho thỏa đam mê.

Bia Phủi là gì

Bầu Cường thú vị nữa ở cách tiếp cận “cái sang” khác hẳn các ông bầu cùng vị trí. Trong đám đông trên dưới trăm người hoặc nhiều hơn, bầu Cường nổi bật không chỉ bởi mái tóc thề đã “gọt” nhẵn thín, mà còn bởi trang phục ăn vận như tài tử điện ảnh.

Bầu Cường có hàng trăm cái áo đẹp, hàng trăm cái quần hàng hiệu và chừng đó thắt lưng da cá sấu (tôi đoán thế). Điều ngạc nhiên là bầu Cường cập nhật tình hình “Fashion” rất nhanh, rất chi tiết và không lỗi mốt.

Thiên hạ đồn, nếu bầu Cường mua bẫy chuột thì cái bẫy chuột ấy chắc cũng phải thời trang, dát vàng hoặc gắn kim cương. Cái nào bằng sắt thì chắc chả phải của bầu Cường!

Bầu Cường có nét thú vị nữa là yêu cái đẹp, vị nghệ thuật mà coi nhẹ vinh hoa. Cái này, giới “men lỳ” trẻ trâu của Hà thành muốn học cũng khó theo kịp bổn lĩnh đàn ông của ông bầu U50!

Có tích kể rằng, trong một bữa bia được tổ chức giữa mùa Thu, bầu Cường đứng phắt dậy chỉ để cúi chào một mỹ nhân, trao cho nàng một nụ cười, nhưng nhất định chẳng thèm chạm cốc với đại gia ngồi cạnh, bất chấp đại gia ấy tha thiết muốn giới thiệu với bầu Cường chiếc dây chuyền vàng to như dây xích ở cổ tay đang dùng để chặn… hóa đơn tính tiền.

Bia Phủi là gì

Bầu Cường “hói” khi bước chân vào kinh doanh đồ uống có cồn lấy luôn thương hiệu nhà trồng được để đặt tên quán. Chuỗi cửa hàng bia Cường “hói” lâu nay nổi bật bởi địa điểm đẹp, đồ ăn đồ uống hạp miệng dân nhậu và quan trọng là phục vụ nhanh. Cứ kêu là có, cứ hò là ra.

Trong chuỗi cửa hàng bia từng làm nên thương hiệu Cường “hói” phải kể đến điểm 19C Hoàng Diệu, tức nền sân Cột Cờ cũ. Chẳng hiểu vì yêu Thể Công, thích bóng đá hay hợp mệnh với khu đất vàng giữa Thủ đô mà bầu Cường chen được vào chỗ ấy.

Sau này, giới phủi mỗi khi bóng banh về, biết tiếng bia 19C Hoàng Diệu lại tụ về uống với “anh Cường”, vừa được cụng ly tanh tách, vừa được nghe những câu chuyện bất tận về trái banh.

Có thời, người đân tỉnh lẻ ghé Hà Nội có 3 điểm phải đến: Một là Lăng Bác, hai là Hồ Gươm, ba là bia Cường hói. Nếu thiếu một trong ba điểm, coi như chưa ghé Thủ đô lần nào!

FC Cường Quốc hiện nay được khán giả phủi không chỉ ở Hà thành “định vị” là đội bóng của bia Cường “hói”.  Nó như một thương hiệu không lẫn lộn của sân chơi phong trào, như trước kia người ta nhớ đến Trà Dilmah, Thoát nước, Vườn Thú hay Ngọc Hà là những tổ ban bật sân nhỏ tuyệt hay của dân không chuyên.

Trước, khi còn cầm đội máu me cạnh tranh và giành giải, bầu Cường được ví như Vua tuyển quân ở sân phủi. Hễ ngôi sao nào to to, bự bự là anh tiếp cận mời về bằng được. Có thời, bầu Cường còn sở hữu một đội hình sao số mà hễ mở sách giáo khoa là có tên như Minh “bạc”, Tú “khỉ”, Tuấn Anh “xiếc”, Hoàng “bu”, Tuấn “ếch”…

Nhưng cái thời ấy, Cường Quốc đá giải từ Đông sang Hè với… vô số đội hình khác nhau, mà đội hình nào cũng Hổ báo theo nghĩa đen sì của từ này. Một dạo, hễ nghe đến quân Cường “hói” là cả BTC lẫn đối thủ đều sởn da gà. Ngay như mấy sao số chuyên nghiệp về nghỉ ngơi quá độ được mời ra chơi với đội Cường “hói” cũng còn phải tính, nhỡ may bó bột thì phiền.

Sau này, khi đã trải can qua và thấm thía bầm dập, bầu Cường thay đổi cách cầm quân khi “không lấy thành bại để luận anh hùng”, mà là xây dựng đội bóng chơi cống hiến, tập thể đặt lên đầu, ngôi sao ngồi hàng thứ ba, thứ tư chứ chả được thứ nhì. Từ dạo ấy, Cường Quốc trở nên dịu dàng và được yêu hơn trong giới phủi.

Cho đến giờ, khoác áo Cường Quốc có khi cũng là một vinh dự với sao phủi Hà thành.

++++++++

Bầu Cường còn thú vị bởi sự nhạy cảm về ngôn từ, trong khi những ông chủ bia khác thường nhạy cảm về mùi vị. Bầu Cường biết thế nào là một câu hay, và một câu ngày mai sẽ hay để từ đó mà chiêm nghiệm.

Bầu Cường ăn nói có khiếu, ngoại giao có tố chất. Có lần, bầu Cường hào sảng, mình có thể đi 100 bàn nói 100 câu chuyện khác nhau đủ mọi chủ đề, đủ mọi thành phần, từ truyền thuyết Khổng Tử, triết học Mác Lê Nin, Picassco vẽ tranh cho đến kỹ năng làm nông nghiệp. Câu nào bầu Cường cũng chỉn chu khúc triết, thấm thía và thuyết phục. Chỉ có điều, trong số 100 bàn bia, bầu Cường chỉ uống 99 cốc rưỡi, nửa cốc còn lại được thiết kế thành “long đen”, để có ai trách thì… uống nốt gọi là giao lưu!

Hôm trò chuyện với bầu Cường, ông bảo: Bóng đá – Quán bia – Báo chí tưởng không liên quan mà lại liên quan không tưởng. Bóng đá cần khán giả, Quán bia cần đông khách, Báo chí cần người đọc. Cả ba thứ ấy – suy cho cùng – đều là sản phẩm giải trí.

Xem ra, đúng như thế thật!

Bảo Thắng