Bài văn kể về bà mẹ việt nam anh hùng năm 2024

Chiến tranh đã qua đi, dù nỗi đau không thể nào nguôi nhưng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Ky [93 tuổi], ngụ ấp Tạ Quang Tỷ, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao [Kiên Giang] luôn tự hào về chồng, con đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Dù tuổi cao, có chuyện nhớ, chuyện quên nhưng những câu chuyện thời chiến về chồng, con, cách mạng thì mẹ Ky vẫn nhớ như in. Những câu chuyện qua lời kể của mẹ như những thước phim quay chậm tái hiện một phần lịch sử dân tộc.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Ky, ngụ ấp Tạ Quang Tỷ, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam [Gò Quao] trò chuyện cùng cán bộ xã.

Hồi tưởng về quá khứ, mẹ Ky kể: “Tiếp bước truyền thống cách mạng của gia đình, đi theo tiếng gọi của đất nước, chồng và hai con trai tôi lần lượt lên đường tham gia cách mạng, ở nhà tôi làm ruộng tiếp tế lương thực cho bộ đội. Lúc đó hai con tôi chưa tròn đôi mươi nhưng ý thức trách nhiệm với quê hương, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc”.

Thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, hai con của mẹ Ky là Trần Sang Anh, Trần Sang Em động viên mẹ đừng khóc, mẹ Ky lại động viên chồng và các con yên tâm lên đường, rồi lặng lẽ khóc thầm.

Một lần đưa bộ đội qua sông, mẹ Ky bị địch tấn công, thoát chết nhưng tay trái bị thương, đến giờ vẫn còn hằn vết sẹo. Biết chiến tranh ác liệt, mẹ Ky luôn tâm niệm sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhưng khi nhận được tin dữ chồng Trần Văn Sang, con trai Trần Sang Em hy sinh cùng ngày trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mẹ Ky như chết lặng.

Ngày giải phóng miền Nam, hòa bình lập lại, mẹ vui với niềm vui chung của đất nước nhưng lại đau nỗi đau riêng vì chồng, con vĩnh viễn không về. Biết bao đêm mẹ không tròn giấc vì nhớ chồng, thương con. Mỗi lần nhắc đến chồng, con, mẹ Ky rất đỗi tự hào nhưng cũng không ít lần mắt mẹ rưng rưng, giọng lạc đi vì xúc động.

“Cuộc đời mẹ đã chịu nhiều đau thương, mất mát nên hiểu được giá trị của hòa bình. Những hy sinh, mất mát của riêng mình mẹ xem đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam trong lúc đất nước đang cần”, mẹ Ky nói. Trở về sau chiến tranh, con trai Trần Sang Anh của mẹ Ky không còn lành lặn, sức khỏe suy giảm, là thương binh hạng 3/4.

Trong căn nhà tình nghĩa ấm áp nghĩa tình, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Gần, ngụ ấp Mương Đào B, xã Vân Khánh, huyện An Minh [Kiên Giang] vẫn khỏe mạnh, minh mẫn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cuộc đời mẹ với những vất vả, hy sinh khi chồng, con ra đi bảo vệ Tổ quốc, sau đó vĩnh viễn không thể trở về.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Gần, ngụ ấp Mương Đào B, xã Vân Khánh [An Minh] vui mừng khi cán bộ xã đến thăm.

Chồng mẹ là liệt sĩ Nguyễn Văn Ngãi, hy sinh năm 1967 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con trai thứ hai là liệt sĩ Nguyễn Văn Tâm, hy sinh năm 1988 ở chiến trường Campuchia. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, mẹ Gần tích cực tham gia tiếp sức cho bộ đội, làm hậu phương vững chắc cho chồng, con yên tâm lên đường chiến đấu.

Mẹ Gần chia sẻ: “Hồi xưa, chiến tranh, nghèo khổ, lúc nào cũng mong hòa bình để gia đình sum họp. Ngờ đâu khi đất nước được độc lập, cha, con thằng Tâm không còn sống để hưởng thanh bình”.

Qua lời mẹ Gần, chúng tôi cảm nhận trọn vẹn niềm tin vào lý tưởng cách mạng của mẹ và chồng, con đã chọn, cùng bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Sau khi chồng, con hy sinh, nén đau thương, một mình mẹ vừa làm cách mạng vừa lo kinh tế gia đình, nuôi dạy các con và luôn tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình.

Tuổi xế chiều, mẹ Gần sống vui vầy, thanh thản trong tình yêu thương, chăm sóc của con cháu, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.

Truyền thống đấu tranh giữ nước, giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do được đánh đổi bằng xương máu của các thế hệ cha anh, sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó là bài học quý báu nhắc nhở các thế hệ hôm nay phát huy, trân trọng và tự hào.

Mẹ Tạ Thị Ky, mẹ Nguyễn Thị Gần là hình ảnh đại diện cho hàng trăm, hàng triệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước kiên cường, bất khuất, sẵn sàng nhận lấy nỗi đau cho riêng mình để mang lại hòa bình cho đất nước. Thế hệ hôm nay rất đỗi tự hào về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Chiến tranh kết thúc đã 45 năm. Những rừng cây cháy trụi vì bom na pan, vì chất độc da cam trên dãy Trường Sơn nay đã xanh lại; những hố bom khoét sâu trên những cánh đồng và làng mạc ở nhiều miền của Tổ quốc ta đã được bao phủ bởi màu xanh của lúa, ngô, khoai sắn; những vết đạn xuyên thân cây dừa, cây đước, cây xà nu hay vách đá đã phai mờ đi bởi lớp bụi thời gian; những khu phố, nhà máy, những cây cầu, cung đường bị bom Mỹ phá huỷ đã được được dựng xây lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…

Chiến tranh kết thúc đã 45 năm. Những rừng cây cháy trụi vì bom na pan, vì chất độc da cam trên dãy Trường Sơn nay đã xanh lại; những hố bom khoét sâu trên những cánh đồng và làng mạc ở nhiều miền của Tổ quốc ta đã được bao phủ bởi màu xanh của lúa, ngô, khoai sắn; những vết đạn xuyên thân cây dừa, cây đước, cây xà nu hay vách đá đã phai mờ đi bởi lớp bụi thời gian; những khu phố, nhà máy, những cây cầu, cung đường bị bom Mỹ phá hủy đã được được dựng xây lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…

Nhưng có một điều rất khó khỏa lấp: Đó là vết thương lòng trong mỗi gia đình có người đã ngã xuống, đã hiến dâng một phần xương máu cho độc lập dân tộc. Mọi hy sinh, mất mát đều gây nhói đau trái tim đồng loại, thức tỉnh cả lương tri của những người từng ở bên kia chiến tuyến, nhưng chắc chắn những người phải gánh chịu hy sinh, thiệt thòi nhiều nhất chính là người phụ nữ phải trực tiếp cầm súng và những người phụ nữ có chồng, con cầm súng ra trận mãi mãi không về.

Đã có hàng triệu triệu ngôn từ dành cho người mẹ, người chị, người em gái nơi tiền phương cũng như ở hậu phương trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Nhưng có lẽ mọi ngôn từ đều khó vượt lên trên được cụm từ riêng có ở nước ta: "Mẹ Việt Nam anh hùng". Nhắc tới những từ này là nhắc đến sự hiến dâng những gì quí báu và thiêng liêng nhất của đời người, của con người, của gia đình, dòng tộc mà người phụ nữ Việt Nam đã viết nên những huyền thoại trong trang vàng lịch sử dân tộc.Trong bài nói chuyện nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam [20/10/1966], Bác Hồ kính yêu đã dạy: "Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ ở cả hai miền Nam - Bắc đã sinh và nuôi dậy những thế hệ anh hùng của nước ta".

Đội quân tóc dài trong phong trào Đồng Khởi Bến Tre

Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi "nam nữ bình quyền". Đảng đặt ra phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng [công hội, nông hội] và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng. Chính vì vậy mà ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chính thức thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đó cũng là sự ghi nhận của đất nước với vai trò của những con người được Bác Hồ phong tặng 8 chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".

Với lòng kính trọng sâu sắc chúng ta mãi ghi nhớ hình ảnh những người phụ nữ kiên trung, dũng cảm, can trường, tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Minh Khai, nữ đảng viên đầu tiên của Đảng; bà Hoàng Thị Ái ở Quảng Trị ba lần bị địch bắt giam tra tấn vẫn giữ vững khí tiết; bà Nguyễn Thị Thập trực tiếp lãnh đạo phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa giành chính quyền tại Mỹ Tho năm 1940, người phụ nữ đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao vàng; bà Hà Thị Quế phụ trách quân sự hai huyện Yên Thế, Việt Yên [Bắc Giang] khi mới 23 tuổi, quân địch kính nể gọi bà là "Tướng Việt Minh đàn bà". Các nữ du kích tiêu biểu như Mạc Thị Bưởi ở Nam Sách, Hải Dương; Phạm Thị Vân [Hoàng Ngân] ở Nam Trực, Nam Định, tên của bà được đặt cho các đội nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên, là nỗi khiếp sợ của giặc Pháp; bà Nguyễn Thị Chiên là Trung đội phó nữ du kích xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình chỉ huy đội du kích xã đánh 40 trận, diệt và bắt sống nhiều tên địch…

"Nụ cười chiến thắng" của bà Võ Thị Thắng trong ngày bị kết án 20 năm tù khổ sai năm 1968

Phụ nữ luôn có vai trò quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Song có thể nói, chưa có thời kỳ nào hoạt động quân sự của phụ nữ lại sôi nổi, mạnh mẽ như ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Phụ nữ miền Nam không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong các lực lượng dân quân, du kích ở các xã ấp mà còn tham gia quân chủ lực. Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào Miền Nam thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, phụ nữ các vùng nông thôn đã tham gia tích cực phong trào "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt" biến ý định lập "vành đai trắng" của Mỹ thành những "vành đai diệt Mỹ". Lực lượng nữ du kích thời kỳ này phát triển vượt bực, nhiều trung đội nữ đã lập công xuất sắc như trung đội nữ du kích Củ Chi "đất thép thành đồng" liên tục chiến đấu ác liệt với kẻ thù, ngày nào cũng diệt được Mỹ, người nào cũng diệt được Mỹ, toàn đơn vị được bầu là "dũng sĩ diệt Mỹ". Phong trào đặc biệt sôi nổi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, toàn miền Nam có hơn hai triệu phụ nữ vũ trang nổi dậy bao vây, tiêu diệt, bức rút, bức hàng hơn 500 đồn bốt địch, làm tan rã hàng vạn binh sĩ ngụy. Theo tư tưởng "vũ trang toàn dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ Miền Nam đã đánh địch bằng mọi vũ khí có trong tay. Nhiều đơn vị nữ pháo binh đối diện với các phương tiện chiến tranh hiện đại của địch mà không hề thua kém. Trung đội Rạch Giá bắn chìm và phá hỏng 7 thuyền chiến, diệt một xe bọc thép, 7 lô cốt và tiêu diệt hơn một trăm tên địch. Đơn vị nữ pháo binh [Trương Thị Quân, Sài Gòn] trong cuộc Tổng tiến công Xuân 1968 đã đấu pháo với địch buộc chúng phải câm họng. Những nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn với những trận đánh xuất quỷ nhập thần tiêu diệt các cơ quan đầu não của kẻ thù. Điển hình là "Đội quân tóc dài" đã trở thành nỗi ám ảnh, khiếp sợ của kẻ thù trong kháng chiến chống Mỹ mà Bác Hồ từng khen ngợi: "Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là "đội quân tóc dài".

Chị Út Tịch, AHLLVTND, một mình với 6 con nhỏ vẫn tích cực tham gia kháng chiến với tinh thần "còn cái lai quần cũng đánh". Nữ tướng Nguyễn Thị Định, thủ lĩnh của đội quân tóc dài trong phong trào Đồng Khởi Bến Tre năm 1960, nữ tướng huyền thoại của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris về Việt Nam [1969-1973] là người phụ nữ có tinh thần thép trong các cuộc đấu trí trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu hiên ngang cất tiếng hát trên đường ra pháp trường đã trở thành huyền thoại bất tử sống mãi với thời gian, sống mãi trong hồn dân tộc. Dù đã yên giấc ngàn thu tại Nghĩa Trang Hàng Dương nhưng chị Sáu vẫn khiến cho quân thù khiếp sợ. Chị Võ Thị Thắng nổi tiếng với "nụ cười chiến thắng" trước tòa án quân sự của chính quyền Sài Gòn dược cả thế giới ngưỡng mộ. Tên của chị đã được đặt cho hai trường học ở Cu Ba là Trường Võ Thị Thắng và Trường nụ cười chiến thắng. Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm với những trang nhật ký rực lửa tuổi 20, nồng nàn tình yêu con người, yêu cuộc đời, yêu gia đình, quê hương, đất nước đã thắp sáng lý tưởng người phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973

Trong chiến tranh chống Mỹ, hàng vạn người mẹ, người vợ ở miền Bắc đã không ngần ngại hy sinh hạnh phúc cá nhân, động viên chồng con, anh em lên đường vào Nam chiến đấu thực hiện nghĩa vụ của hậu phương miền Bắc, hết lòng chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Và trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người vẫn nhớ tới và khẳng định công trạng của phụ nữ Việt Nam: "Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Phụ nữ thực sự trở thành hậu phương vững chắc để các anh nơi trận tuyến yên tâm chiến đấu thắng giặc.". Có biết bao người mẹ, người vợ đã hi sinh hạnh phúc cá nhân, lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt để tiễn chồng, tiễn con, tiễn cháu những người thân yêu nhất của mình ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc. Chính họ, những người mẹ, người vợ kiên cường, dũng cảm, giàu đức hy sinh, rộng lòng độ lượng, bao dung đã trở thành biểu tượng cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, nhiều cô gái trẻ đã dành những năm tháng đẹp nhất của đời mình chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hàng vạn cô gái đã tình nguyện lên đường bảo vệ non sông, trong đó vẻ đẹp của các cô gái thanh niên xung phong đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bài hát về họ: "Cô gái miền quê ra đi cứu nước, mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn". La Thị Tám được phong tặng Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 20 tuổi. Cô đã đếm và cắm tiêu 1.205 quả bom do địch trút xuống để lực lượng công binh đến phá bom, đảm bảo thông suốt cho tuyến đường tiếp vận vào Nam. Sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, 12 cô gái Truông Bồn... là những hình ảnh đẹp đẽ nhất, biểu tượng cho khí phách anh hùng, gan dạ, vì nước quên thân của người phụ nữ Việt Nam.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định [1920-1992]

Từ địa đầu Móng Cái đến đất Mũi Năm Căn, tất cả mỗi phụ nữ Việt Nam đều chung gánh nặng giang sơn, tay cày tay cuốc, dậy sớm thức khuya lo gieo trồng gặt hái và chăn nuôi để chu cấp lương thực thực phẩm cho bộ đội; không chỉ vậy, những người phụ nữ còn phải cầm súng bảo vệ quê hương, sẻ chia tình đồng bào đồng chí cho thương binh, liệt sỹ, sẵn sàng đem vận mệnh để bảo vệ sự sống còn của cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong lòng địch.

Người phụ nữ miền Bắc bám ruộng đồng, nhà máy và phụng dưỡng cha mẹ già, chăm nuôi con thơ cho các anh yên tâm vào Nam đánh giặc. Người phụ nữ miền Nam tiễn chồng con tập kết ra Bắc, đêm đêm hướng về nơi Bác Hồ mong ngày đoàn tụ núi sông, luôn sống xứng đáng với danh hiệu thành đồng Tổ quốc - dám đánh giặc và quyết thắng giặc. Mẹ Suốt với chiếc thuyền mộc đầy ắp nghĩa tình quân dân đưa bộ đội qua sông ra chiến trường diệt giặc. Những bà má miền Nam có chồng con tập kết ra Bắc hay vào chiến khu, bị Mỹ - Ngụy tù đầy, tra tấn, bắt "ly khai Cộng sản" mà vẫn kiên trung hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu… Đất nước này dường như mang số phận một dân tộc kiên trung với bao mất mát hy sinh. Bên lũy tre làng, dưới bóng cây đa hay ở bến đò xưa…đâu đâu cũng ăm ắp những câu chuyện bi hùng, thấp thoáng trong đó dáng hình và thân phận người phụ nữ, không chỉ có một vọng phu mà là vô số hình vọng phu phải vượt lên số phận. Có những người phụ nữ đã 50 năm tìm mộ cha nơi chiến trường Campuchia mà nay vẫn chưa thấy, có những người phụ nữ tuổi đã ngoài 90 mà vẫn chưa thấy bóng người chồng từ chiến trường trở về, lại có những người vợ tuy được đón chồng sau ngày toàn thắng nhưng lại đau đớn khi chồng mình bị nhiễm chất độc da cam, những đứa con của họ sinh ra giữa thời bình mà không ra hình người, có những làng lầm lũi những người phụ nữ cô đơn vì chiến tranh đã cướp đi cơ hội hạnh phúc của họ.

Huyền thoại Mẹ Việt Nam anh hùng được hun đúc từ những huyền thoại về hàng triệu người phụ nữ trên khắp mọi miền quê đất nước.

Mẹ Suốt

Đóng góp vào sự nghiệp thống nhất đất nước có những hy sinh âm thầm và vô cùng vĩ đại của những người mẹ đã hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc. Ghi nhận sự hy sinh cao cả đó, ngày 24/9/1994 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra pháp lệnh ban hành Danh hiệu Vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Danh hiệu cao quý này được tặng cho những phụ nữ có ba con trở lên là liệt sĩ, có người con duy nhất là liệt sỹ, có con cùng chồng hoặc bản thân là liệt sĩ. Bà Nguyễn Thị Thứ [1904-2010] là người được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà sinh tại thôn xóm Rừng, xã Điện Thắng Trung, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà có chồng, 9 người con trai, một con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ kéo dài gần 30 năm [từ năm 1948 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975]. Bà trở thành bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, được lấy làm nguyên mẫu xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Bà mất vào lúc 01 giờ 40 phút sáng ngày 10 tháng 12 năm 2010 tại Đà Nẵng.

Theo gương các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thế hệ phụ nữ ngày nay vẫn đang giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nhà giáo, bác sĩ, công nhân, nông dân… phụ nữ Việt nam đã và đang ngày đêm cống hiến vì vinh quang của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.Chúng ta rất tự hào đất nước ta có nhiều phụ nữ đang đảm nhiệm nhiều doanh nghiệp lớn, họ đã và đang góp phần xây dựng quốc gia thịnh vượng sánh vai với năm châu.

Phụ nữ Việt Nam là như thế. Một số nhà sử học đã viết rằng "Phụ nữ Việt Nam quyết định sự tồn tại giống nòi Việt Nam, quá khứ lịch sử và hiện tại họ đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, họ là nhân tố quan trọng tạo nên các giá trị và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, không lẫn vào đâu được". "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" là giá trị cao đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam và cũng là những giá trị cao đẹp nhất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Nó sẽ sáng mãi trong lòng dân tộc ta, nâng bước cho mọi thế hệ chúng ta trong những chặng đường xây dựng đất nước hùng cường trong giai đoạn sắp tới.

Mỗi người chúng ta hãy cống hiến thật nhiều cho sự tiến bộ của phụ nữ, hãy giành cho phụ nữ các quyền cơ bản để người phụ nữ cống hiến cho xã hội, để người phụ nữ có cuộc sống hạnh phúc trong gia đình mình. Chúng ta mong muốn phụ nữ Việt Nam đẹp nhất thế giới, phụ nữ đẹp đất nước sẽ nở hoa./.

Chủ Đề