Bài giảng nguyên tắc tập trung dân chủ năm 2024
Tập trung dân chủ là nguyên tắc đặc thù của mô hình nhà nước và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa nói chung. Ở Việt Nam, nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hành ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1945), nhưng cho đến nay, nhận thức và thực hành nguyên tắc này trong tổ chức và hoạt động vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá, bổ sung để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn và quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Khái quát về nguyên tắc tập trung dân chủ Nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của nguyên tắc tập trung dân chủ (TTDC), trên cơ sở các giá trị của chế độ dân chủ, V.I.Lênin đã vận dụng và phát triển thành một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Ông cũng cho rằng chế độ tập trung dân chủ phải thích ứng với các hình thức tổ chức nhà nước theo kiểu Xô-viết. Từ đó, TTDC trở thành nguyên tắc có tính quy luật, được áp dụng phổ biến đối với các nhà nước và hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa (XHCN) nói chung. Ở Liên Xô trước đây, nguyên tắc TTDC được ghi nhận, khẳng định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Liên Xô và Hiến pháp Liên Xô. Nguyên tắc TTDC có thể xem xét trên hai khía cạnh cơ bản sau: Thứ nhất, về bản chất và mục đích. Trong bản sơ thảo bài Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô-viết, V.I.Lênin viết rằng: “Chúng ta chủ trương theo chế độ tập trung dân chủ. Nhưng cần phải hiểu rõ rằng chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa và mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ. Những kẻ phản đối chế độ tập trung đều luôn đưa ra chế độ tự trị và chế độ liên bang, xem đó là những biện pháp để chống lại những sự bất trắc của chế độ tập trung. Kỳ thực, chế độ tập trung dân chủ không mảy may loại trừ chế độ tự trị, mà trái lại còn bao hàm sự cần thiết phải có chế độ tự trị”(1). Một số nghiên cứu đã chỉ ra nội dung cơ bản, bản chất của nguyên tắc hay chế độ TTDC từ những thể hiện khác nhau như: là sự kết hợp hữu cơ hay chặt chẽ, hài hòa giữa tập trung và dân chủ; tập trung và dân chủ là hai mặt của một nguyên tắc, có quan hệ biện chứng, không thể tách rời, là một chỉnh thể hữu cơ… Một cách thể hiện đơn giản nhưng chặt chẽ, nguyên tắc TTDC được hiểu là sự kết hợp giữa tập trung dựa trên cơ sở dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung. Trong đó, yếu tố tập trung và dân chủ gắn kết nhau ngay cả khi tách ra từng khái niệm trong nguyên tắc hoặc ngay từ trước khi kết hợp. Tuy nhiên, nếu chỉ bàn về tương quan giữa hai khái niệm hay thuật ngữ tập trung và dân chủ mà không chỉ ra “môi trường”, mục đích của nguyên tắc TTDC thì không thể thấy hết được bản chất của nguyên tắc này. Trước hết, tập trung và dân chủ theo nghĩa đen là các nguyên tắc đối lập nhau, trong đó một khái niệm là tập trung, khái niệm kia là phi tập trung. Sự xác lập, kết nối hai khái niệm như vậy với hàm nghĩa trong tập trung có yếu tố dân chủ và ngược lại trong dân chủ có tập trung, chỉ có thể thực hiện được khi chúng được đặt trong và xem xét từ phương diện tổ chức và hoạt động của một tổ chức xã hội nói chung nhất định. Trong nền chính trị, các tổ chức xã hội đó là các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, và có thể rộng hơn - chỉ các cộng đồng xã hội có quy mô nhất định, ví dụ tập thể trong một cơ quan, tổ chức, nhân dân một khu vực, một quốc gia… Trong lý luận về nguyên tắc TTDC, vấn đề hết sức quan trọng nhất thiết phải được xem xét, đó là mục đích, đồng thời là lý do của việc áp dụng nguyên tắc TTDC. Với ý nghĩa đó, nguyên tắc TTDC được xác lập và thể hiện trong tổ chức và hoạt động của mỗi tổ chức có thể xem là cách thức, cơ chế để đoàn kết, thống nhất ý chí, thống nhất hành động trong việc thực hiện mục tiêu chung của tổ chức. Cũng có quan điểm cho rằng tập trung và dân chủ là các yếu tố đồng đẳng, không thể đặt yếu tố này cao hơn yếu tố kia. Nhưng trong hoạt động của một tổ chức thì không thể đặt ra sự đồng đẳng giữa tập trung và dân chủ. Trong nguyên tắc này, mỗi yếu tố không thể thiếu và luôn được bổ trợ lẫn nhau, để bảo đảm thống nhất ý chí và thống nhất hành động của các thành viên, mỗi tổ chức khi vận hành luôn ưu tiên coi trọng yếu tố tập trung. Có cách diễn đạt cụ thể về TTDC như sau: “Nguyên tắc tổ chức, quy định sự lãnh đạo tập trung, dựa trên cơ sở tôn trọng và phát huy dân chủ”(2). Trực diện và sâu hơn điều này là khẳng định của Đảng và Nhà nước ta đã xử lý thành công nguyên tắc TTDC, trong đó có một nội dung là: “Thực hiện tốt mối quan hệ giữa lãnh đạo tập trung của Đảng và Nhà nước với thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội”(3). Trong thực tế, cách hiểu về nguyên tắc TTDC như vậy được thể hiện rõ trong cơ cấu tổ chức và trong hoạt động của các tổ chức của hệ thống chính trị XHCN, đặc biệt là tổ chức đảng và tổ chức nhà nước. Trong mỗi tổ chức đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tập trung thống nhất trên cơ sở dân chủ. Thứ hai, sự thể hiện - nội dung của nguyên tắc TTDC. Là nguyên tắc chính trị - xã hội, TTDC được thể hiện trong các cơ quan, tổ chức khác nhau của hệ thống chính trị XHCN, với phạm vi liên quan đến cả nền chính trị của quốc gia. Các tổ chức đảng, nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung, đều được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc TTDC. Phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm, thứ bậc… của mỗi loại tổ chức mà nguyên tắc này được thể hiện khác nhau. Chẳng hạn, so với các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội thì nguyên tắc TTDC thể hiện trong tổ chức nhà nước phức tạp hơn nhiều. Tuy có chung nội dung cơ bản, bản chất, nhưng lại thể hiện khác nhau trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; hoặc là các cơ quan thuộc các hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tòa án, cơ quan kiểm sát và các cơ quan khác có cơ quan kiểm toán, hội đồng bầu cử… Ở nước ta, nghiên cứu về sự thể hiện nguyên tắc TTDC trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trong tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước được khá nhiều các học giả nghiên cứu, có những nghiên cứu rất sâu chỉ về một khía cạnh của nguyên tắc này(4). Các nghiên cứu hầu hết đều dựa trên tư tưởng của V.I.Lênin về TTDC và thực tiễn áp dụng nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị XHCN, từ đó chỉ ra những thể hiện chủ yếu của nguyên tắc TTDC trong các tổ chức của hệ thống chính trị là: các cơ quan của hệ thống chính trị đều trực tiếp hay gián tiếp do người dân, các thành viên của xã hội, tổ chức bầu ra và chịu trách nhiệm trước họ; thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tập trung trên cơ sở tôn trọng và phát huy dân chủ; kỷ luật, pháp luật nghiêm minh, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách… Việc thực hiện các nguyên tắc này nhằm tạo nên sự thống nhất ý chí, thống nhất hành động để tạo nên sức mạnh thực hiện mục tiêu chung của mỗi tổ chức. Khi xem xét sự thể hiện của nguyên tắc TTDC, ngoài việc chỉ ra sự thể hiện có tính đặc thù với loại, tính chất, đặc điểm của chủ thể cũng cần chú ý rằng nguyên tắc này áp dụng trên thực tế không bất biến. Nó có thể được áp dụng, thể hiện tùy thuộc vào các yếu tố khác liên quan đến giai đoạn lịch sử, bối cảnh, nhận thức… Có thể khái quát nguyên tắc này qua những điểm cơ bản sau: Một là, tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức về thực chất là chủ nghĩa tập trung hay chế độ tập trung trên cơ sở dân chủ gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của một chủ thể nhất định. Vai trò, chức năng của nguyên tắc là tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động của các thành viên nhằm thực hiện mục tiêu chung của tổ chức; đồng thời hạn chế, khắc phục hiện tượng, tình trạng vô chính phủ, lạm dụng dân chủ cũng như tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán. Hai là, tập trung dân chủ là nguyên tắc đặc thù của các nước XHCN. Nó chỉ hình thành trên cơ sở chế độ dân chủ với chế độ chính trị nhất nguyên - một đảng lãnh đạo, trong đó, dân chủ được quan niệm là dân chủ tập trung. Ba là, nguyên tắc tập trung dân chủ về cơ bản là giống nhau, nhưng áp dụng không cứng nhắc mà tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau liên quan đến các yếu tố chủ thể, bối cảnh, giai đoạn nhận thức… và cả vấn đề quyết định theo đa số. Bốn là, tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị XHCN. Nhưng nhìn tổng thể, đây là nguyên tắc cơ bản, hàng đầu của hệ thống chính trị, của mỗi tổ chức tạo nên nguyên tắc đặc thù của hệ thống chính trị và xã hội XHCN. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xu hướng vận động Ngay từ năm 1930, khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, với tư cách là một chi bộ của Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), nguyên tắc TTDC đã thâm nhập vào đời sống chính trị, xã hội của Việt Nam. Từ Hiến pháp năm 1959 đến Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định TTDC là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta. Vì vậy, có thể nói tổng quát, TTDC là nguyên tắc nhất quán trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ. Cùng với quy định trong Hiến pháp, nguyên tắc TTDC còn được thể hiện cụ thể trong các luật về tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Bầu cử… và các văn bản luật, dưới luật khác. Khi nghiên cứu nguyên tắc TTDC trong các bản Hiến pháp của Việt Nam, có thể thấy giữa các Hiến pháp thể hiện ít nhiều khác nhau. Ví dụ, Điều 4 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ”. Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 quy định: “Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước đều tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”. Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Như vậy, trong Hiến pháp năm 2013, nguyên tắc TTDC được trình bày cùng với nguyên tắc hiện nay thường được gọi là nguyên tắc pháp quyền, hay còn gọi là nguyên tắc pháp chế. Tuy nhiên, cùng nội dung cơ bản, nguyên tắc TTDC có thể được thể hiện khác nhau phù hợp với mỗi bối cảnh, giai đoạn lịch sử nhất định. Cụ thể, từ năm 1945 cho đến trước khi đổi mới đất nước năm 1986, do điều kiện chiến tranh, do xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, nguyên tắc TTDC được thực hiện với sự đề cao, nhấn mạnh tính tập trung, tính dân chủ bị nhiều hạn chế. Điều đó gắn với việc đề cao thái quá vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức đời sống xã hội cũng như trong quan niệm về tổ chức và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhưng kể từ khi tiến hành đổi mới đất nước đến nay, nguyên tắc TTDC tiếp tục được khẳng định là một nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và đã dần được nhận thức, vận dụng phù hợp với bối cảnh mới. Về cơ bản có thể chỉ ra những điểm chủ yếu trong vận động của nguyên tắc TTDC trên ba phương diện sau: Một là, xã hội hóa một số nhiệm vụ của Nhà nước theo quan điểm Nhà nước nhỏ - xã hội lớn. Đây chính là sự thể hiện của quan điểm phi tập trung hóa gắn với nhận thức lại về vai trò cũng như hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong đời sống xã hội theo quan điểm không tuyệt đối hóa vai trò của Nhà nước. Điều này thể hiện trong Nghị định số 27-HĐBT ngày 09/3/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành bản Quy định chính sách đối với kinh tế cá thể, tư doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao. Các nghị định này và những sửa đổi, bổ sung, quy định pháp luật khác cho thấy nhận thức mới về vấn đề tập trung và dân chủ hóa trong lĩnh vực kinh tế - xã hội đã đem lại sức sống mới cho xã hội, giúp nước ta vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và phát triển đất nước như hiện nay. Hai là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đặc biệt là theo chiều dọc. Phân cấp quản lý là vấn đề nổi lên gắn liền với hoạt động tổ chức bộ máy nhà nước. Ngay từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94-CP ngày 27/8/1962 quy định về phân cấp quản lý kinh tế và văn hóa cho Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên thể hiện rõ quan điểm coi phân cấp quản lý là vấn đề lớn. Một văn bản nữa là Quyết định số 56-HĐBT ngày 07/6/1983 của Hội đồng Bộ trưởng về những nhiệm vụ cấp bách trong phân cấp quản lý kinh tế… Trong giai đoạn đổi mới, với nhận thức mới về nguyên tắc TTDC, vấn đề phân cấp quản lý trở thành vấn đề lớn, thậm chí đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi với cơ chế quản lý nhà nước tập trung, kế hoạch hóa thì phân cấp quản lý còn được xem là vấn đề có tính chất quyết định thành công của cải cách hành chính. Chẳng hạn, Nghị định số 15-CP ngày 02/3/1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ đối với ngành, lĩnh vực đã mở rộng quyền tự chủ trong việc thiết lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cho UBND cấp tỉnh; Luật Ngân sách năm 1996 đã giao cho các cấp chính quyền địa phương mức độ tự chủ nhất định về ngân sách - tài chính; Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở mỗi cấp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 03/7/1996; Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương theo các mục tiêu xác định. Nhìn tổng quát, phân cấp được thực hiện toàn diện trên những phương diện quan trọng về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước: phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, cung ứng dịch vụ công; phân cấp về ngân sách tài chính; phân cấp về tổ chức bộ máy; phân cấp về quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Ba là, một trong những đặc trưng thể hiện những thay đổi trong nhận thức nguyên tắc TTDC và trong điều chỉnh pháp luật là quy định về cách thức, phạm vi xử lý đối với các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong hai cách thức và phạm vi xử lý đối với văn bản pháp luật, có thể thấy từ Hiến pháp năm 1992 đến nay, vẫn trong khuôn khổ của nguyên tắc TTDC, như xu hướng dân chủ thể hiện trong việc cấp có thẩm quyền trong việc xử lý văn bản pháp luật đã không can thiệp sâu vào hoạt động của cơ quan ban hành văn bản pháp luật. Vì vậy, cần xác định đây là một xu hướng cơ bản trong tổ chức bộ máy nhà nước liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước. Các lĩnh vực hoạt động khác của Nhà nước nhìn chung là theo tinh thần như vậy theo quan điểm mỗi cơ quan, mỗi cấp phải tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tiếp tục thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam Thứ nhất, về nhận thức và thực thi nghiêm túc nguyên tắc TTDC. Với nhận thức đời sống xã hội hiện nay và việc thực hiện trong thực tế cho thấy nguyên tắc TTDC cần thiết phải được tiếp tục được quán triệt sâu, phổ biến trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị nói chung. Thực tế cho thấy, pháp luật đã quy định cụ thể nguyên tắc TTDC, nhưng việc thực hiện như thế nào vẫn phụ thuộc không chỉ vào ý thức chấp hành pháp luật mà còn cả nhận thức về nguyên tắc TTDC. Thứ hai, nhận thức khoa học nội dung của nguyên tắc chính trị - xã hội TTDC trong mối liên hệ với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cũng như các quy định trong pháp luật. Nguyên tắc TTDC gắn liền với chế độ tập quyền trong tổ chức quyền lực nhà nước. Khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Điều đáng chú ý ở đây là cụm từ “quyền lực nhà nước là thống nhất” hàm ý phân biệt nguyên tắc TTDC với nguyên tắc “tam quyền phân lập” - hay phân quyền. Nghĩa là, theo chiều ngang, không có phân chia quyền lực, chỉ có sự “phân công, phân nhiệm” gắn với khái niệm phân cấp trong tổ chức quyền lực nhà nước. Một vấn đề khác, với nguyên tắc TTDC thì không thể thực hiện “tự quản địa phương” hay chính quyền địa phương tự quản theo cách hiểu ở phương Tây. Theo đó, tự quản địa phương đòi hỏi một phần đáng kể công việc công cộng được quản lý bởi chính quyền quản lý và chịu trách nhiệm vì lợi ích của cư dân địa phương trong khuôn khổ của luật(5). Bởi vậy, không thể xem là có cơ sở khi cho rằng ở Việt Nam hiện có “tự quản địa phương” (với tư cách là một mô hình chính quyền địa phương) hoặc đặt vấn đề xây dựng chính quyền địa phương tự quản trong khuôn khổ nguyên tắc TTDC. Thứ ba, tập trung quyền lực thái quá vào nhà nước hoặc vào cơ quan cấp trên sẽ mâu thuẫn với yêu cầu của dân chủ trong điều kiện hiện nay. Bài học kinh nghiệm từ việc tập trung quan liêu trong thời kỳ trước đổi mới là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trong thực tế, điều đó hạn chế sức sáng tạo, tính tích cực của xã hội, của cấp dưới, đồng thời làm cho cơ quan trung ương, cơ quan cấp trên không thực hiện tốt chức năng quản lý vĩ mô hoặc quản lý chung, bao quát theo thẩm quyền. Vì vậy, với thực tế ở nước ta, phi tập trung hóa, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là xu hướng tất yếu nhằm làm cho việc TTDC gắn liền với hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội… Tuy nhiên, phi tập trung hóa, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cũng không thể thực hiện một cách đơn giản, mà phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Trong thực hiện pháp luật về phân cấp ở nước ta, cần giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến bản chất, nguyên tắc, các lĩnh vực, nội dung phân cấp, đánh giá thực trạng phân cấp… Trong đó, cần xác định các vấn đề mà chính quyền Trung ương có thể phân cấp hay không phân cấp; nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực trước mắt có thể phân cấp; thực hiện nhất quán chính sách phân cấp đồng bộ, kết hợp quản lý ngành với quản lý theo lãnh thổ, đặc biệt là kết luận rút ra từ thực tế là khắc phục tình trạng, chính sách phân cấp cào bằng, cố định(6). Thứ tư, việc thực hành nguyên tắc TTDC phải gắn với vấn đề bảo vệ nguyên tắc cũng như các quy định pháp luật về nguyên tắc TTDC. Vấn đề này đã được V.I.Lênin chỉ rõ, việc chuyển từ việc soạn thảo các sắc lệnh, mệnh lệnh… sang việc chọn người và kiểm tra sự thực hiện là vấn đề then chốt nhất(7); “Kỷ luật vô sản, kiểm kê, tính tổ chức và kiểm soát… là những nhiệm vụ đã trở thành tự nhiên đối với những người xã hội chủ nghĩa sau khi đã giành được chính quyền”(8). Ở nước ta, trong quá trình đổi mới, các kỳ Đại hội ĐBTQ của Đảng đều đặt ra vấn đề kiểm tra, giám sát trong Đảng, Nhà nước và trong hệ thống chính trị. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, việc ban hành Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật đều chú trọng việc kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước, kiểm soát tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật”(9). Xử lý vi phạm pháp luật gắn với nguyên tắc TTDC cũng là vấn đề quan trọng theo yêu cầu của nguyên tắc pháp quyền, pháp chế. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước có tính chất chế tài đối với người vi phạm pháp luật chỉ là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện quy định pháp luật về TTDC. Nhưng nếu không xử lý bằng chế tài đối với người vi phạm pháp luật thì không thể bảo vệ nguyên tắc TTDC, bảo đảm sự thống nhất hành động trong bộ máy nhà nước. Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về lĩnh vực này mà chỉ thể hiện ở một khía cạnh nào đó của nguyên tắc TTDC. Tuy nhiên, khi xử lý vi phạm pháp luật, nhất là đối với chủ thể lãnh đạo, quản lý và trong những trường hợp nhất định cần liên hệ hành vi vi phạm với nguyên tắc TTDC mới làm cho việc xử lý công bằng, hợp lý và thể hiện việc bảo vệ nguyên tắc TTDC thực sự hiệu lực, hiệu quả./. ---- Ghi chú: (1),(8) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG-ST, H.2005, tr.185-186, tr.298. (2) Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, năm 2002, tr.246. (3) Xem: https://www.qdnd.vn. (4) Xem: http://www.lapphap.vn. (5) Điều 3 Hiến chương châu Âu về tự quản địa phương năm 1985. (6) Trần Văn Ngợi (Chủ nhiệm đề tài), Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện dự án Điều tra đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương, H.2017, tr.187-199. |