Anne tóc đỏ kết hôn năm bao nhiêu tuổi

[HNMCT] - Ra đời từ năm 1908, cuốn sách đầu tiên trong series truyện về cô bé Anne tóc đỏ đã thu được thành công vang dội. Đến nay, cuốn sách đã được xuất bản bằng hơn 30 ngôn ngữ, bán được hơn 50 triệu bản, đưa tác giả Lucy Maud Montgomery trở thành một trong những nhà văn bestseller của mọi thời đại.

Tại Việt Nam, sau 12 năm độc giả “mỏi mắt” trông chờ, 2 cuốn cuối cùng của bộ Anne tóc đỏ được ra mắt vào cuối năm 2021. Đáp ứng mong mỏi của độc giả, song song với 2 tập cuối được phát hành, 6 tập đầu theo phong cách bìa cũ được tái bản dành cho những độc giả chưa kịp sở hữu đủ bộ. Mới đây, phiên bản boxset bìa cứng với thiết kế đồng bộ một bức tranh đồng quê màu xanh thơ mộng đã “chào đời”, dành cho những fan yêu thích câu chuyện về Anne tóc đỏ.

Bộ truyện bắt đầu khi anh em nhà Cuthbert nhờ người xin từ trại trẻ mồ côi một cậu bé về để có người đỡ đần công việc nông trang. Nhưng tại ga tàu, ông Matthew sửng sốt khi người mình đến đón lại là một bé gái. Bà Marilla không hài lòng với sự nhầm lẫn này và quyết định cho cô bé ngủ một đêm rồi đưa trả về vào hôm sau. Ấy thế mà, chỉ trong thời gian ngắn ngủi, họ đã bị cô bé 11 tuổi có mái tóc rực lửa và thật lắm lời này “ếm bùa”. Cái dáng vẻ câm lặng khốn khổ của một sinh linh bé bỏng bất lực nhận ra “mình lại một lần nữa mắc kẹt trong cái bẫy tưởng đã thoát được” đã khiến bà Marilla không thể nào chịu đựng được. Quyết định giữ Anne tóc đỏ ở lại đã mang đến những trang đời mới cho các thành viên của Chái Nhà Xanh.

8 tập sách là hành trình cả cuộc đời của Anne tóc đỏ, từ một cô bé lắm mồm với hai bím tóc đỏ rực rỡ đến một cô giáo tuổi 16 với tham vọng gieo ước vọng đẹp đẽ cho tâm hồn trẻ thơ. Rồi Anne dần lớn lên, phải rời hòn đảo Hoàng tử Edward để dấn thân vào 4 năm đại học, trải qua những năm tháng thanh xuân với tình bạn, tình yêu có vui buồn, yêu thương, hờn giận. Tiếp theo là một Anne chín chắn hơn, khôn ngoan hơn trong vai trò hiệu trưởng một trường trung học, là vợ, là mẹ của 5 đứa con...

Thước phim cuộc đời Anne trôi qua với giọng kể sâu lắng và thắm đượm tình người nhưng cũng đầy hóm hỉnh, sống động trong những tình huống dở khóc dở cười. Vẫn tiếp nối mạch chuyện sâu lắng và nên thơ, nhưng 2 tập cuối của bộ truyện tập trung vào những đứa con của Anne. Khác với một Anne tóc đỏ mơ mộng ngày xưa, những đứa trẻ của Anne mang đến cho độc giả những cuộc phiêu lưu đầy màu sắc ở Thung lũng Cầu vồng hay cô bé út vô tư lự Rilla buộc phải trưởng thành quá sớm vì bóng đen của chiến tranh lừ lừ kéo đến.

Series Anne tóc đỏ không chỉ là truyện dành cho trẻ em. Câu chuyện nhân văn sâu sắc này đã đưa bộ truyện vượt ra khỏi giới hạn của văn học thiếu nhi và trở thành một tác phẩm kinh điển nuôi dưỡng tâm hồn.

Bộ truyện gồm 8 cuốn: “Anne tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh”, “Anne tóc đỏ làng Avonlea”, “Anne tóc đỏ ở đảo Hoàng tử Edward”, “Anne tóc đỏ dưới mái nhà Bạch Dương”, “Anne tóc đỏ và ngôi nhà mơ ước”, “Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa”, “Thung lũng Cầu vồng”, “Rilla dưới mái nhà Bên Ánh Lửa”, do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản.

Dù đã đọc sách thuộc nhiều thể loại, nhưng nếu có những cuốn sách tôi có thể đọc bất cứ khi nào, dù vui hay buồn, khỏe khoắn hay mệt mỏi, hào hứng hay chán nản, đọc ngay cả trong giai đoạn tôi bị trầm cảm, thì đó là ba bộ truyện thiếu nhi. Nói cho đúng hơn, chúng thường được xếp vào thể loại sách dành cho thiếu nhi, nhưng lượng độc giả không còn là thiếu nhi giống như tôi có lẽ còn nhiều hơn.

Điểm chung của ba bộ truyện này, đều gồm nhiều tập, về hành trình của nhân vật chính qua nhiều năm, từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành. Điều đó khiến độc giả có cảm giác như mình lớn lên cùng các nhân vật trong truyện.

Tôi muốn giới thiệu với bạn về ba bộ truyện đó, cùng ấn tượng, cảm nhận, và kỷ niệm của tôi với những cuốn sách đặc biệt này. Thậm chí, mỗi lần nhìn thấy tôi cầm một trong những cuốn sách ấy, chồng tôi thường thắc mắc: “Em đọc đến thuộc hết cả rồi, sao cứ đọc mãi thế?”. Tôi hy vọng, bài viết này sẽ trả lời cho thắc mắc đó của chồng tôi và của bạn, nếu bạn đang tự hỏi vì sao ba bộ truyện này lại chiếm giữ vị trí đặc biệt đến vậy trong lòng tôi?

I – ANNE TÓC ĐỎ.

1. Giới thiệu về Anne tóc đỏ.

Bộ truyện Anne tóc đỏ của nhà văn người Canada Lucy Maud Montgomery , gồm 8 tập về cô bé Anne hồn nhiên, trong sáng và tốt bụng từ khi còn là đứa trẻ mồ côi 10 tuổi được nhận nuôi ở Chái nhà xanh, tới khi trưởng thành và trở thành một người mẹ. Cô bé Anne giữ trong mình một tâm hồn lãng mạn “vô phương cứu chữa”, dễ kích động trước niềm vui và nỗi buồn, thích viết và mơ mộng. Cô mang lại một tinh thần vui tươi, nhiệt huyết, tha thiết yêu thương cuộc đời, sưởi ấm trái tim và cuộc sống của những người xung quanh cô.

Hành trình trưởng thành của Anne vừa đặc biệt, lại rất đỗi quen thuộc với những tâm tư thường bắt gặp ở mỗi cô gái từ bé thơ cho tới lớn. Hành trình ấy gắn liền với khung cảnh, văn hóa, và những con người ở đảo Hoàng tử Edward – một vùng đất luôn gợi cho tôi cảm giác yên bình, hùng vĩ, thơ mộng mỗi khi nghĩ đến.

2. Kỷ niệm của tôi.

Lần đầu tôi đọc bộ Anne tóc đỏ vào năm thứ nhất đại học. Khi ấy tôi học ở Học viện Bưu chính Viễn thông trên đường Nguyễn Trãi. Dọc con đường ấy mỗi buổi tối có những người bán sách trải vài tấm bạt ra vỉa hè, bày những cuốn sách đủ thể loại. Một lần đi bộ trên đường và dừng lại ở một trong những “cửa hàng sách lưu động” ấy, một tấm bìa sách gây chú ý của tôi. Trên tấm bìa ấy có hình ảnh một cô bé cười rạng rỡ, mái tóc đỏ, đội mũ rộng vành, tay ôm cuốn sách màu xanh đậm. Trên đó có dòng chữ: “Cảm động và giàu chất thơ”…

Tôi ngay lập tức bị thu hút, quyết định mở chiếc ví nhỏ xíu của mình trả tiền, và cầm cuốn sách về. Tôi đọc xong “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh” ngay trong buổi tối và đêm khuya hôm ấy.

Nếu bạn hỏi tôi, điều gì ở cuốn sách khiến tôi bị hấp dẫn? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời: Tất cả. Tôi yêu cô bé Anne mơ mộng, chân thành, hay gây rắc rối. Tôi yêu không khí trong lành, cộng đồng ấm áp của những con người nơi làng quê Avonlea. Tôi cũng yêu cách viết chân thực, tự nhiên, và trong trẻo của nữ nhà văn Lucy Maud Montgomery.

Sau hôm đó, tôi dần dần sưu tập và đọc đủ những tập đã xuất bản của bộ sách. Cho tới khi cuốn cuối cùng xuất bản năm 2022, Anne tóc đỏ đã đồng hành cùng tôi 16 năm, từ khi còn là cô sinh viên năm thứ nhất mới từ quê ra Hà Nội, không biết chỗ nào khác ngoài đường Nguyễn Trãi để mua sách vỉa hè, đến khi tôi trở thành một người mẹ của hai con nhỏ và đã làm việc ở nhiều nơi. Tôi không thể nhớ nổi mình đã đọc bộ sách bao nhiêu lần, đặc biệt là tập đầu tiên, cả sách giấy và trên kindle, thậm chí tôi đã mua cả mấy phiên bản để… sưu tập. Tôi ngưỡng mộ cô bé Anne, và luôn tìm đến cô mỗi khi tâm trạng bất an, nhen nhóm những suy nghĩ tiêu cực, hoặc gặp phải vấn đề khiến tôi mất niềm tin và cuộc sống.

3. Tôi học được gì từ Anne tóc đỏ?

– Sự lạc quan và tha thiết với cuộc đời: Trong số những nhân vật trong các cuốn truyện tôi đã đọc, Anne có lẽ là người lạc quan nhất, luôn nhìn mọi việc với cái nhìn tích cực, và yêu quý tất thảy mọi điều. Cô không cố gắng gạt đi những nỗi buồn, chỉ đơn giản tiếp nhận mọi điều xảy đến. Niềm lạc quan của Anne trước hết đến từ sự chấp nhận, niềm vui được sống, và tin rằng mình xứng đáng được yêu thương. Có lần, bà Marilla -người nhận nuôi Anne đã phải thốt lên: “Con nặng lòng với mọi thứ quá, Anne!”. Bà lo lắng: “Ta e rằng rất nhiều nỗi thất vọng đang chờ sẵn trong đời con”.

Ngay lập tức, Anne kêu lên: “Ôi bác Marrila, trông chờ thứ gì đó cũng là có được một nửa sự thú vị của chúng rồi!”.

– Sự chân thành và niềm tin vào con người: Tôi lớn lên với rất nhiều ngờ vực về sự chân thành. Quan sát những người xung quanh, đã có lúc tôi cho rằng: sống trên đời phải khôn ngoan hơn người khác mới không bị thiệt thòi; người tốt chưa chắc đã nhận lại được những điều tốt đẹp…

Tôi cũng không hiểu vì sao và làm thế nào những niềm tin giới hạn ấy đã in vào đầu tôi mạnh mẽ tới vậy. Nhưng cho tới khi đọc Anne tóc đỏ, tôi bất giác mong muốn cũng được sống như vậy, giản dị, chân thành, và trân trọng cảm xúc của chính mình, giống như cô gái ấy. Tôi nghĩ rất khó để đánh giá cách sống nào là tốt, bởi mỗi người có hoàn cảnh, tư duy, các mối quan hệ xung quanh khác nhau; nhưng sau này tôi đã lựa chọn CHÂN THÀNH là một trong những điều cơ bản nhất trong cách sống của mình. Vì sao ư? Có lẽ chính vì cảm hứng tôi có được từ cô bé Anne tóc đỏ, mộng mơ, nhiệt huyết và trong sáng.

– Niềm yêu thích viết lách: Tôi nhớ trong tập truyện có chi tiết, khi Anne khoảng 15-16 tuổi, trong một lần đi cùng cô bạn thân đi tìm mua một chiếc đĩa cổ, cô rơi vào hoàn cảnh éo le: lọt nửa người qua mái bếp của nhà hàng xóm khi cố gắng “nhòm” xem có chiếc đĩa ấy ở đó không, trong khi trời bỗng đổ mưa như trút nước. Cô “dũng cảm” cầm cây dù che trên mái đầu trần cả tiếng đồng hồ mà không thể nào thoát ra được.

Trong hoàn cảnh dở khóc dở cười ấy, bỗng dưng Anne có cảm hứng… viết truyện, một câu chuyện tưởng tượng về cuộc trò chuyện vui vẻ giữa những đóa hoa và mầm cây. Đó là “cây cúc tây, cây đậu ngọt, chim hoàng yến hoang ẩn trong bụi tử đinh hương cùng với vị thần giám hộ khu vườn”. Thế là dưới màn mưa, cô gái dưới tán ô trên nóc bếp, cùng mảnh giấy và cây bút chì chìm đắm trong thế giới văn chương của riêng mình.

Có lẽ tôi của thời thơ bé cũng từng có lúc như Anne, mộng mơ, nhiều tưởng tượng, và giàu cảm xúc trước vạn vật. Khi lớn lên, trước hiện thực và áp lực của cuộc sống, tôi dần rời xa niềm yêu thích viết lách của mình. Có đôi lần, tôi cũng viết cho riêng mình, giấu kín những dòng chữ ấy trong cuốn nhật ký hoặc trên những trang mạng xã hội nhưng ở chế độ “bí mật”.

Ngoài 30 tuổi, bước vào thế giới của người trưởng thành, trải qua những thăng trầm của cuộc sống tôi mới hiểu: điều mình thích làm nhất mới có thể giữ mình đứng vững trước những thực tế gai góc của cuộc đời. Nếu đến điều mình say mê cũng không dám làm, không thể làm, không tin rằng mình làm được, thì chúng ta có thể tìm được động lực ở đâu để cố gắng?

Suy nghĩ này là một trong những lý do khiến blog In Metime ra đời. Tôi muốn có một nơi nào đó để nuôi dưỡng đam mê thuở nhỏ của mình; dẫu bây giờ tôi không còn viết về những câu chuyện tưởng tượng, cây cỏ, trời mây mà dành thời gian cho những bài học chiêm nghiệm trong cuộc sống. Tôi đã viết trong niềm yêu thích về con người, cuộc sống của mình, và cách nhìn cuộc đời của mình… VIẾT là điều quý giá tôi luôn muốn giữ gìn, vun đắp và chăm lo.

Và biết đâu đấy, một ngày nào đó tôi cũng làm được điều Anne đã làm: trở thành một tác giả được nhiều người biết tới, bằng chính tấm lòng chân thành, thuần khiết, và tình yêu vô cùng với việc viết lách của mình? Đó là mơ ước mà tôi tin tưởng, hy vọng, và sẽ nỗ lực để có được nó.

Link shopee: //shope.ee/2pzdp6SK1c

II – HARRY POTTER

1. Giới thiệu về Harry Potter

Harry Potter là một bộ truyện nổi tiếng, từng giành nhiều giải thưởng trên thế giới và được chuyển thể thành series phim cùng tên, được viết bởi tác giả người Anh J. K. Rowling – một người mẹ đơn thân giàu nghị lực, sự kiên định và tài năng. Bản thảo của bà từng bị nhiều nhà xuất bản từ chối trước khi trở thành hiện tượng xuất bản trên toàn thế giới.

Bộ truyện gồm 7 tập, kể về 7 năm trong cuộc đời cậu bé Harry Potter từ 11 tới 17 tuổi. Harry trở thành trẻ mồ côi sau khi bố mẹ bị giết bởi Chúa tể Hắc ám khi cậu chỉ mới 1 tuổi. Cậu nổi tiếng trong cộng đồng phép thuật bởi mọi người đều cho rằng cậu là “người được chọn” – thủ lĩnh tinh thần của thế giới phù thủy chống lại thế lực hắc ám. Cuối cùng, khi 17 tuổi, cùng với sự giúp sức của bạn bè, thầy cô giáo và nhiều người khác, cậu đã thực sự đánh bại “kẻ thù cuối cùng”, giành lại bình yên cho tất cả mọi người.

2. Kỷ niệm của tôi.

Tôi nhớ khi ở ký túc xá, có lần tôi thấy một người bạn của mình mang về cuốn sách dày cộp trên đó ghi tiêu đề: “Tập 7 – Harry Potter và bảo bối tử thần”. Bạn tôi hồ hởi nói: “Tập cuối, mới nhất đấy, tớ mua để… ngắm thôi chứ đọc hết rồi!”. Tôi ngạc nhiên! Có thể có cuốn sách khiến sinh viên – vốn không dư dả tiền bạc, vẫn đang ở ký túc xá cho tiết kiệm, mua về để ngắm ư?

Ấy vậy mà cho tới hiện tại, tôi đã mua hai bộ Harry Potter để đọc, bởi cứ năm năm lại mua mới vì sách nát hết do đọc quá nhiều, và riêng một bộ… để ngắm, giống hệt cô bạn năm ấy.

Năm 2020, có một giai đoạn tôi bị trầm cảm do áp lực quá lớn từ học tập và công việc, đồng thời với những tiêu cực từ dịch Covid 19. Tôi không muốn và không thể đọc bất cứ sách nào. Tôi có cảm giác não mình… từ chối tiếp nhận thông tin. Thứ duy nhất tôi có thể đọc là Harry Potter. Mỗi tối, tôi đọc những dòng chữ có khi đã thuộc trong truyện, để tự ru mình vào giấc ngủ. Bằng cách ấy, tôi như được tách biệt khỏi những nỗi lo lắng, bất an, mệt mỏi của cuộc sống để chìm đắm trong thế giới riêng của phép thuật, của Harry Potter cùng những người bạn, của tình bạn, tình yêu và tình thân.

Trước đây tôi thường nghe thấy khái niệm “comfortable food”, tức là loại thức ăn có thể khiến tâm trạng chúng ta tốt lên, thường gắn với kỷ niệm hạnh phúc nào đó trong quá khứ. Đối với tôi, truyện Harry Potter cũng giống một loạt “đồ ăn thoải mái” như vậy. Mỗi khi tâm trí tôi cần một nơi nào đó để “trốn”, để trấn tĩnh, và tìm kiếm sự bình yên, tôi lại quay về với những trang sách của nhà văn J.K Rowling.

3. Tôi học được gì từ truyện Harry Potter?

– Không để dư luận ảnh hưởng tới bản thân:

Harry nổi tiếng ngay từ khi 1 tuổi bởi được gọi là “Đứa trẻ sống sót” – người duy nhất vượt qua lời nguyền giết chóc của Chúa tể hắc ám. Bởi thế, suốt thời đi học, Harry sống trong áp lực phải tốt đẹp, phải giỏi giang và thành công. Không ít lần, cậu nhận được sự chế nhạo, xa lánh, thậm chí cô lập của mọi người, nhưng Harry chưa bao giờ bị tác động bởi những lời lẽ của dư luận khiến cậu không làm chủ được cảm xúc của mình. Khi bị chế giễu, Harry sẵn sàng làm ngơ, bỏ ngoài tai, hoặc đáp trả một cách thẳng thắn.

Trái ngược với Harry là cậu bạn thân Ron Weasley, thường khó khăn khi gặp phải áp lực từ dư luận. Ron sẽ đau khổ khi nghĩ mình bị coi thường, hoặc vô cùng sung sướng khi được mọi người chú ý; cậu bé từng bị tổn thương sâu sắc khi nghe được những lời bình phẩm không hay về mình.

Tôi trước đây thuộc tuýp người khá nhạy cảm, dễ dàng sụp đổ cảm xúc khi gặp phải áp lực từ dư luận. Nhưng trải qua những biến cố, tôi hiểu ra rằng để đứng vững, tôi cần bỏ đi mong muốn làm vừa lòng tất cả mọi người, sợ hãi khi bị đánh giá xấu, và buồn bã khi nghĩ ai đó đang đánh giá về mình không tốt. Dư luận có logic riêng của dư luận, và những điều đó không nhất thiết phải phù hợp với quan điểm của cá nhân tôi. Chỉ cần tôi không làm điều gì sai trái, không gây ảnh hưởng xấu đến ai, thì tôi hoàn toàn có quyền lựa chọn cách mình sống. Tôi muốn mình có được sự tự tin như Harry vậy. Cậu ấy hiểu bản thân mình, luôn nỗ lực tránh xa cái xấu để làm thật nhiều điều tốt đẹp, và thế là đủ.

– Mọi điều xảy ra đều có lý do của nó:

Có một lần, Harry ngăn cản hai người bạn thân của bố cậu giết một người khác – kẻ đã phản bội bạn bè, trực tiếp dẫn tới cái chết của bố mẹ cậu. Sau đó, thấy cậu hối tiếc vì điều đó. Bởi cậu nghĩ, sau bao nỗ lực chiến đấu với phe hắc ám, thậm chí phải mạo hiểm quay ngược thời gian trở về quá khứ, cậu lại ngăn cản người ta giết tên phản bội đó. Cậu nghĩ, hành động ấy đã khiến mọi việc “có thay đổi được gì đâu?”.

Nhưng, thầy hiệu trưởng trả lời: “Không phải đâu. Chẳng lẽ việc con quay ngược lại thời gian không dạy cho con được điều gì sao, Harry? Hậu quả hành động của chúng ta luôn luôn rất phức tạo, rất đa dạng, đến nỗi tiên đoán về tương lai thật ra là một công việc rất khó khăn. Sẽ đến một lúc mà con sẽ rất mừng rằng con đã cứu mạng hắn.”.

Đối với tôi, đây là một trong những câu nói đắt giá nhất trong bộ truyện.

Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn, những tình cờ, và cả quyết định trong chớp mắt. Tôi có từng tiếc nuối không? Câu trả lời là có. Nhưng hối hận không? Không, tôi không hối hận bởi những gì đã lựa chọn, không trách cứ những gì người khác đã đối xử không tốt với tôi, và không bao giờ ao ước “cỏ bên kia đồi”. Tôi tin rằng, những gì xảy đến đều có lý do của nó. Hơn nữa, cuộc sống này có quá nhiều điều chúng ta không thể kiểm soát, càng không nên kỳ vọng có thể thay đổi bất kỳ ai. Việc duy nhất ta có thể làm là lựa chọn thái độ của mình, làm tất cả những gì tốt nhất có thể, và tin rằng:

“Mọi việc cuối cùng sẽ ổn, nếu chưa ổn thì chưa phải cuối cùng” [khuyết danh].

Có một câu nói khác tôi rất thích, trích trong cuốn sách “Gần như là nhà” [nhiều tác giả]:

“Đôi khi ở một thời điểm nào đó, lựa chọn chỉ là lựa chọn. Nhưng sau này, khi ta đã trải qua ngã rẽ ấy rồi, ta sẽ nhận ra rằng lựa chọn xuất hiện ở đó để làm thay đổi cuộc đời mình mãi mãi”.

– Chúng ta sinh ra đã có trách nhiệm thuộc về mình:

Sự lựa chọn của lịch sử đã khiến Harry trở thành đứa bé mồ côi, đối thủ của Chúa tể hắc ám, mang trên mình trách nhiệm của người dẫn dắt thế giới phép thuật trong khi lẽ ra số phận này có thể đã thuộc về một người bạn khác của cậu. Harry từng đau khổ, nuối tiếc, có phần bất mãn khi phải chịu tất cả những điều đó. Cậu mơ ước trong xót xa: “Nếu mình không phải đứa bé ấy, thì người ôm mình hôm nay sẽ là mẹ của mình chứ không phải mẹ của Ron, và mình cũng không có vết sẹo trên trán”.

Dẫu vậy, Harry chưa bao giờ trốn tránh trách nhiệm của mình, không chỉ với bản thân, bạn bè, mà với cả thế giới phù thủy. Cậu nhận gánh mọi phần nguy hiểm, mọi nỗi buồn và cô đơn, mọi thử thách đánh bại phe hắc ám. Cậu làm vậy không phải để chứng tỏ mình anh hùng hay cao thượng, chỉ bởi cậu là Harry Potter – “người được chọn” – “đứa bé sống sót”.

Sự chấp nhận ấy có dễ dàng không? Tôi nghĩ là không. Điều dễ dàng hơn chấp nhận là trách cứ, bực bội, cảm thấy cuộc đời bất công trong tâm thế của một nạn nhân. Chúng ta cũng vậy! Thật đơn giản và nhẹ nhõm nếu có thể tìm được lý do hợp lý cho mọi vấn đề. Sự nghiệp không thành công bởi không có chỗ dựa, học tiếng Anh không tốt bởi gia đình không có điều kiện cho học bài bản từ nhỏ, cuộc sống vất vả bởi phải lo cho quá nhiều người …

Nhưng bạn à, mỗi người đều có khó khăn, thử thách, và những nỗi niềm riêng. Dù là người giỏi nhất, giàu nhất, vui tươi nhất, đằng sau đó cũng là nhiều câu chuyện ít người tưởng tượng ra của những vất vả, nhọc nhằn và nỗ lực. Chấp nhận hoàn cảnh xuất thân, chấp nhận bản thân mình, chấp nhận môi trường mà mình đang sống là bước đầu tiên để tìm ra cách cải thiện mọi điều. Trách nhiệm đang mang trên vai, hầu hết chúng ta không có quyền lựa chọn, chỉ có thể không ngừng tiến về phía trước và cố gắng làm tốt nhất những gì có thể, giống như Harry Potter.

Link shopee: //shope.ee/40BbDHnXWR

III – NGÔI NHÀ NHỎ TRÊN THẢO NGUYÊN.

1. Giới thiệu về Laura và Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên.

Khác với hai bộ truyện trên, tôi đọc Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên sau khi đã xem phim. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, cứ chiều chiều lại trông mong đến 6 giờ tối để được xem phim trên TV. Cảnh quay cả gia đình Laura – nhân vật chính của truyện trên chiếc xe ngựa chạy trên con đường đất đỏ, dừng lại trên đỉnh đồi nhìn về ngôi nhà gỗ nhỏ phía xa đã trở thành một phần tuổi thơ tôi. Chính vì thế, khi bắt đầu ra Hà Nội học đại học, tôi đã để dành tiền và tìm mua bộ truyện này.

Tôi rất ngạc nhiên khi đọc truyện, bởi từng câu chữ, cách diễn đạt, và chi tiết trong truyện rất khác so với những gì được thể hiện trên phim. Cách viết của tác giả Laura Ingalls Wilder rất chân thực, chi tiết, giản dị như một trang nhật ký nhưng vô cùng lôi cuốn. Theo từng trang sách, tôi như thực sự nhìn thấy trước mắt mình hình ảnh những vùng phía Tây nước Mỹ hơn một thế kỷ trước: hoang dã, khắc nghiệt nhưng vẫn mang màu sắc bình yên, trong trẻo.

Bộ truyện dựa trên hồi ức của chính tác giả, từ khi còn là một cô bé đến khi đã trưởng thành trên con đường rong ruổi cùng gia đình qua những vùng đất mới.

2. Kỷ niệm của tôi.

Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên chính là bộ truyện “nhiều chữ” đầu tiên tôi mua cho con gái đọc khi bé khoảng 6 – 7 tuổi, sau nhiều cuốn sách khác đầy màu sắc, nhiều tranh ít chữ. Không hiểu sao, tôi cảm thấy mong muốn con đọc được những cuốn sách này ngay khi đọc chữ thông thạo, có thể bởi tôi mong con được cảm nhận cuộc sống của cô bé Laura và gia đình – một cuộc sống quá hấp dẫn, nhiều thách thức nhưng luôn tràn ngập tình yêu thương.

Tôi nhớ có lần vào phòng con, nhìn thấy bạn ấy đang ngồi dưới ngọn đèn chăm chú vào một cuốn sách của bộ truyện trong tay, tập trung đến mức tôi gọi mấy câu cũng không để ý. Lúc ấy, tôi bỗng cảm thấy có một niềm vui len lỏi trong tim. Con gái tôi, cuối cùng đã có thể tự đọc một trong những bộ truyện của tuổi thơ tôi! Nếu đã đọc và thích Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên ngay khi biết chữ, hẳn bạn ấy cũng sẽ thích đọc sách như tôi mong ước. Đến bây giờ tôi vẫn không giải thích được vì sao mình lại tin như vậy, nhưng Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên như cánh cửa dẫn tôi vào thế giới của văn học, sách vở, cùng những mộng mơ trong lòng.

3. Tôi học được gì từ Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên?

– Yêu thương không có nghĩa luôn phải hy sinh mọi thứ cho con:

Có chi tiết dường như không quá liên quan đến nội dung chính của truyện, nhưng lại khiến tôi có ấn tượng mạnh mẽ. Trong một lần khi đang làm nhà ở vùng đất mới, vì người bố mới chỉ đóng xong một chiếc giường nên buổi tối, bố mẹ và em bé nhỏ nhất nằm trên giường, hai chị em Laura và Marry ngủ dưới đất, trên tấm nệm rơm.

Trong ký ức của mình, tôi đã lớn lên với tình yêu thương, sự chăm sóc và rất nhiều hy sinh của bố mẹ. Thậm chí, tôi chưa từng thấy bố mẹ mình dành bất cứ thứ gì cho bản thân, mọi điều tốt đẹp đều dành cho chị em tôi. Khi lớn lên, tôi luôn cảm thấy thương, xót, và cả áy náy khi nghĩ về sự hy sinh ấy.

Chính vì thế, khi đọc chi tiết về chiếc giường trong truyện, tôi đặt ra nhiều câu hỏi trong lòng. Bố mẹ của Laura rõ ràng vô cùng yêu thương con cái, cũng giành về mình rất nhiều vất vả và hy sinh cho cuộc sống của con, nhưng đôi lần, như lần dựng nhà ấy, bố mẹ Laura đã lựa chọn thật khác tưởng tượng của tôi. Tôi thầm nghĩ, nếu gia đình tôi ở trong hoàn cảnh đó [thực tế là đã từng như vậy mặc dù chúng tôi không dựng nhà ở miền tây nước Mỹ mà ở một vùng quê Việt Nam], bố mẹ tôi sẽ sắp xếp thế nào? Câu trả lời tôi biết chắc chắn, là bố mẹ sẽ chọn nằm tấm nệm rơm, cho chị em tôi ngủ trên giường.

Nhưng bản thân tôi sẽ thích cách nào hơn? Nếu được lựa chọn, tôi mong bố mẹ mình sẽ nằm trên giường, để tấm nệm rơm cho chị em tôi. Vì sao ư? Vì bố mẹ vất vả hơn chúng tôi nhiều. Khi thức dậy, bố mẹ có bao việc cần làm để lo cho cuộc sống. Bố mẹ cần một giấc ngủ ngon hơn chúng tôi. Hơn nữa, là trẻ con, chúng tôi dễ ngủ hơn bố mẹ. Một tấm nệm rơm có lẽ không phải điều gì quá khổ sở với một đứa trẻ, thậm chí còn là một niềm vui nho nhỏ.

Tôi biết ơn bố mẹ mình vô cùng, nhưng tôi cũng mong, hai người thân yêu ấy sẽ sống cho bản thân một chút, đừng nhường mọi thuận lợi cho những đứa con. Sức khỏe của bố mẹ cũng quan trọng với con cái không khác gì sức khỏe của con cái đối với bố mẹ.

Sau này, khi đã là một người mẹ, tôi cũng có đôi lần lựa chọn giống như bố mẹ của Laura – ưu tiên sự thoải mái của chính mình, thay vì luôn hy sinh mọi điều vì con. Tôi không nghĩ đây là sự ích kỷ, chỉ là trân trọng sức khỏe và tâm lý tích cực của bản thân để chăm sóc con cái và gia đình tốt hơn.

– Dù cuộc sống khó khăn vất vả, chúng ta vẫn luôn có thể dành thời gian bên nhau:

Gia đình Laura di cư qua nhiều vùng, từ ven sông, tới cánh đồng của những người da đỏ. Nhiều khó khăn, thách thức, nguy hiểm rình rập đến từ tự nhiên và con người. Cuộc sống có khi thiếu thốn, không có đồ ăn, ốm đau bệnh tật. Nhưng bất cứ khi nào có cơ hội, cả gia đình lại quây quần bên bếp lửa, cùng hát, cùng nhảy trong tiếng đàn của người cha. Tôi tin rằng khi trưởng thành, một trong những điều quan trọng nhất đọng lại trong ký ức của chị em Laura chính là những buổi tối đầm ấm như thế.

Liên hệ tới cuộc sống hiện đại, gần như không có điểm chung với cuộc sống của những người khai hoang miền Tây nước Mỹ từ thế kỷ trước; thậm chí giờ đây còn bận rộn và vất vả hơn ở một vài khía cạnh, nhưng giá trị của những buổi tối gia đình quây quần thì tôi tin là không thay đổi. Có thể chỉ cần 15 phút mỗi tối trò chuyện trước khi đi ngủ, nhưng cũng đủ để cả gia đình “sạc năng lượng” bằng rất nhiều yêu thương sau một ngày dài.

– Âm nhạc nuôi lớn tâm hồn:

Một điểm thú vị xuyên suốt bộ truyện là tình yêu âm nhạc của cả gia đình. Bất cứ khi nào có thể, bố mẹ, Laura và các chị em lại cùng hòa mình vào tiếng đàn, ca hát vang vọng cả vùng đất rộng lớn hoang vu. Tôi vẫn thường nghĩ, âm nhạc không cần ngôn ngữ, thậm chí không cần hiểu, chỉ cần cảm nhận. Đó là điều quan trọng và cần thiết để chúng ta giữ lại cho mình những bay bổng, mộng mơ, và trái tim tràn đầy xúc cảm trước cuộc đời. Có lẽ âm nhạc chính là một phần sức mạnh giúp gia đình cô bé Laura vượt qua bao vất vả, hiểm nguy của cuộc sống.

Link shopee: //shope.ee/2L3NEFBDVq

THAY LỜI KẾT.

Lời nhận xét tôi thường nhận được nhiều nhất, cũng là lời khen tôi thích nhất từ những người đọc bài viết của mình đó là: lối viết chân thực, giản dị, và trong sáng. Tôi nghĩ đó một phần đến từ tính cách của tôi, nhưng cũng có thể còn một lý do khác: Thể loại sách tôi thích nhất là văn học dành cho thiếu nhi. Niềm yêu thích đó có lẽ đã ảnh hưởng tới tôi theo những cách tôi không ngờ tới.

Không chỉ có ba bộ truyện trên, còn có rất nhiều những cuốn sách thiếu nhi khác đã trở thành một phần trong hành trình trưởng thành của tôi. Thế giới của những cô bé, cậu bé như Anne tóc đỏ, Laura của Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, hay Harry Potter luôn ở đó mỗi khi tôi muốn sống lại những năm tháng tuổi thơ của chính mình; tìm cho mình một chút tĩnh lặng giữa cuộc sống vốn phức tạp và đầy trách nhiệm của những-người-trưởng-thành-từng-là-trẻ-con.

Cảm ơn bạn đã chia sẻ cùng tôi những cảm xúc này!

Bạn có thể đọc thêm một số bài viết khác về chủ đề ĐỌC SÁCH đã đăng trên blog:

Ba cuốn sách quan trọng nhất tôi đã đọc năm 2022

Tôi đã thay đổi tư duy đọc sách như thế nào?

Kinh nghiệm để tìm ra những cuốn sách phù hợp

Chúc bạn một ngày bình yên,

Tố Uyên.

[Một số link trong bài viết là link Affiliate Marketing. Khi bạn mua sách qua các link này, giá tiền không thay đổi cho bạn, nhưng shopee sẽ trích một khoản hoa hồng nhỏ cho blog In Metime. Cảm ơn bạn đã giúp blog có thể phát triển bền vững hơn!]

Chủ Đề